Nhìn chị Xuân bơ phờ mệt mỏi bước vào cơ quan, mọi người lo lắng hỏi xem có chuyện gì xảy ra thì nhận được câu trả lời: Chồng em ốm. Sốt… 38 độ 2! Cả đêm qua em không được ngủ vì phải thức để… chăm sóc, động viên!…
Đàn ông vốn vẫn được gọi là phái mạnh, là trụ cột, là chỗ dựa cho phụ nữ. Các cô gái khi chọn người yêu, chọn chồng… đều muốn tìm cho mình một bờ vai vững chãi để tựa vào mỗi khi “xuống sức”. Thế nhưng, không phải người đàn ông nào cũng được như vậy, mà có khi còn ngược lại. Có những người đàn ông chỉ cần hơi có vấn đề về sức khỏe là đã làm cho cả nhà náo loạn vì thái độ lo lắng và những lời kêu rên thảm thiết.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”hon nhan gia dinh” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”]Xuân làm cán bộ ở một cơ quan nhà nước. Chị là người xinh đẹp, tháo vát, lại rất có duyên nên được nhiều đàn ông thầm yêu trộm nhớ. Ai cũng tưởng khi ở nhà chị phải là người được chồng chiều chuộng, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Thế nhưng, trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Cũng không phải chồng chị Xuân bất tài vô dụng hay ỏn ẻn “hai – phai”. Chồng chị Xuân là một người giỏi giang, có vẻ ngoài đẹp trai và hào hoa. Anh ấy cũng là người tốt bụng và vui tính. Tuy nhiên, mỗi lần “ngọc thể bất an” thì anh lại như biến thành một người khác.
“Chiều qua em đi làm về thấy anh ấy nằm rên hừ hừ, mẹ chồng em thì chạy ngược chạy xuôi nào cặp nhiệt độ, nào khăn ấm hạ sốt, nào chanh sát nách, nước dừa bù điện giải… cứ rối bù cả lên. Em hỏi em xem bao nhiêu độ thì chồng em thều thào: sốt rồi. 38 độ 2.” – Xuân kể, làm chị em ở cơ quan được phen phá lên cười.
Chỉ hâm hấp sốt một tí, đau họng một tí, thế mà anh ấy cứ kêu như cháy đồi – ảnh minh họa |
Nói về cái vẻ bơ phờ mệt mỏi của mình, Xuân ấm ức: Cả đêm qua “lão” làm em phát điên lên được. Chỉ hâm hấp sốt một tí, đau họng một tí, thế mà kêu như “cháy đồi”, cứ như người bị bệnh nan y ấy.
Chuyện chồng của Xuân có tính hay nhõng nhẽo mỗi lần ốm đã thành “giai thoại” ở cơ quan vợ. Mọi người đã quen đến nỗi, mỗi khi biết chồng chị Xuân “ngọc thể bất an” là mọi người lại hỏi đùa: “Hôm nay chồng lại giẫm phải gai mồng tơi à?”.
Cũng có ông chồng hay quan trọng hóa chuyện ốm đau, cứ sau mỗi lần chồng chị Hằng bị ốm là hai vợ chồng lại giận nhau đến… nửa tháng. “Lần nào bị ốm ông ấy cũng dỗi, cho rằng vợ không quan tâm đúng mức. Cứ hơi ho hắng, hay đau bụng một tí là ông ấy lại lo lắng, rồi vội vàng bắt vợ đi mua cả đống thuốc về uống. Chỉ cần chị bảo “Từ từ nghe ngóng xem ốm đau thế nào rồi hãy uống thuốc. Anh cứ uống nhiều thuốc vào thế thì độc lắm” là ông ấy dỗi luôn, bảo là vợ không quan tâm, không lo cho chồng. Rồi anh ấy bỏ ăn, nằm như người ốm nặng. Anh ấy còn gọi điện về quê cho mẹ đẻ, mẹ vợ, mách là “con buồn lắm. Ốm đau thế này mà vợ chẳng quan tâm.”
Có lần anh ấy bị cảm cúm phải nghỉ ở nhà. Chị đang đi làm thì mẹ chồng từ quê gọi điện đến tận cơ quan mắng té tát, rằng “chồng thì ốm đau như thế mà bỏ nó ở nhà đi làm. Nhỡ nó mà có chuyện gì thì con sẽ ân hận suốt đời đấy”. Kể từ đó, mỗi lần chồng chị Hằng ốm, dù nặng hay nhẹ thì chị cũng phải xin sếp cho nghỉ làm để ở nhà “thuốc thang cháo lão”. Sếp cũng thấy chuyện đó là vô lý, nhưng vì để bảo toàn hạnh phúc của nhân viên nên cũng đành thông cảm.
Hãy kiên nhẫn và chấp nhận sự yếu đuối của chồng những lúc anh ấy có vấn đề về sức khỏe |
Chồng chị Dinh là người luôn được các chị em ngưỡng mộ vì có nhiều tài lẻ. Trong nhà, tất cả những thứ gì trục trặc là anh đều giải quyết được hết. Từ máy giặt, điều hòa, điện thoại hay xe máy hỏng, anh đều tự tay sửa chữa, xử lý được hết. Mọi công việc nặng nhọc của đàn ông đều được anh gánh vác chu toàn. Ai cũng bảo chị Dinh sướng, mà chị cũng thấy mình may mắn thật. Thế nhưng, cứ mỗi lần anh có vấn đề về sức khỏe là như biến thành một người khác hẳn.
“Hôm trước anh ấy bị sưng một bên hàm, suốt ngày ôm miệng kêu rên nhưng bảo đi khám thì sợ, nhất định không đi. Cả tuần trời anh ấy lo lắng mất ăn mất ngủ, cáu gắt mù trời khiến cả vợ cả con đều sợ xanh mặt. Lúc khỏe anh ấy vui vẻ bao nhiêu thì ốm một tí là anh ấy khó tính bấy nhiêu. Ăn cơm thì bảo không nuốt được, ăn cháo thì bảo nhạt nhẽo, ăn mì thì bảo nóng ruột, ăn phở thì phải đúng phở Bát Đàn mới gắp vài sợi. Em ép mãi mới đi khám thì bác sĩ bảo là cái răng sâu cần nhổ. Thế là anh ấy la làng bò chạy, làm bà bác sĩ cười chảy cả nước mắt. Về nhà, anh ấy chui vào chăn rên hừ hừ, bảo bọn trẻ con: Bố sợ nhổ răng lắm!. Rồi anh ấy mắng em, bảo là tại hay cho anh ấy ăn thịt gà mà lại không có lá chanh nên anh ấy mới ra nông nỗi này!”
Sau vụ đau răng, vợ chồng chị Dinh giận nhau cả nửa tháng trời. “Mọi khi em cứ phải nín nhịn cho qua, nhưng lần này thì quá lắm, em không chịu được, phải chiến tranh lạnh cho anh ấy biết.” – chị Dinh chia sẻ.
Trong khi đó, chị Xuân than thở: “Mỗi vụ chồng ốm là em chỉ muốn li dị quách đi cho nó xong nợ. Đàn ông đàn ang gì mà cứ nhèo nhẽo như trẻ con.”
Chị Hằng đang rất lo lắng vì chồng chị dạo này càng ngày càng hay ốm vặt do anh đã mắc bệnh đau dạ dày. Điều quan trọng là sếp của chị đã chuyển công tác và một sếp mới về, nghe nói rất “hắc xì dầu”. Nếu cứ mỗi lần chồng ốm mà lại phải nghỉ việc thì chắc là không ổn.
Tâm lý chán nản, thất vọng vì chồng quá nhõng nhẽo khi ốm là khá phổ biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý thì phụ nữ cần hiểu bản tính của đàn ông khi ốm rất giống với những đứa trẻ, ít biết chăm sóc bản thân. Hơn nữa, bình thường họ luôn khỏe mạnh nên những lúc ốm dễ sinh ra lo lắng, có thể hơi thái quá. “Hãy nhớ rằng những gì bạn làm cho chồng của bạn lúc anh ấy ốm sẽ là cách anh cư xử với bạn khi anh khỏe mạnh nhất. Và đó cũng là cách thể hiện tình yêu của bạn đối với chồng của mình. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và chấp nhận sự yếu đuối của chồng những lúc anh ấy có vấn đề về sức khỏe” – chuyên gia tâm lý khuyên.
Mỹ Hạnh