Sau khi Bộ Y tế Ấn Độ hôm 20/5 kêu gọi các chính quyền địa phương công bố dịch, 3 bang gồm Tamil Nadu, Odisha, Gujarat và vùng lãnh thổ Chandigarh đã ngay lập tức làm điều đó. Hai bang Telangana và Rajasthan đã công bố dịch trước khi nhà chức trách liên bang có yêu cầu theo một đạo luật có từ năm 1987.
Theo báo RT, công nhận một bệnh nhiễm trùng trở thành dịch đồng nghĩa các địa phương và cơ sở y tế bắt buộc phải báo cáo những ca nhiễm và nghi nhiễm lên Bộ Y tế, cho phép Chính phủ Ấn Độ huy động nhiều nguồn lực hơn để giải quyết vấn đề.
Các chuyên gia cho biết, bệnh nấm đen là chứng nhiễm trùng nấm nặng nhưng hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến những người có vấn đề sức khỏe hoặc sử dụng các loại thuốc làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn và mầm bệnh trong cơ thể.
Bệnh xuất hiện khi bào tử nấm xâm nhập vào máu của người bệnh thông qua một vết cắt trên da hoặc vào đường hô hấp thông qua mũi, và sau đó có thể lan đến tim, não và các lá phổi. Các triệu chứng phổ biến của bệnh là sưng một bên mặt, đau đầu, sốt, nghẹt mũi và xuất hiện ngày càng nhiều các đốm đen trên mũi hoặc bên trong miệng.
Bệnh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác nhau tùy thuộc vào vị trí Mucormycosis lây lan trong cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ mũi, xương hàm hay mất thị lực vĩnh viễn. Tỷ lệ tử vong đối với những bệnh nhân bị nấm lan lên não là khoảng 50%.
CNBC thống kê, số ca mắc nấm đen ở Ấn Độ có thể cao hơn mức trung bình thế giới tới 70 lần. Đáng lo ngại chứng bệnh này xuất hiện ngày càng nhiều ở những người đang hoặc đã hồi phục sau mắc virus corona chủng mới.
Theo các báo cáo mới nhất, ít nhất 90 người trong số hàng nghìn bệnh nhân nhiễm nấm đen đã thiệt mạng. Giới chuyên gia y tế nhận định, các thuốc steroid dùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cùng với tình trạng vệ sinh kém có thể là nguyên nhân khiến dịch nấm đen bùng phát mạnh ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Bộ Y tế Ấn Độ cảnh báo, bệnh nấm đen đã dẫn đến “việc kéo dài thời gian mắc bệnh và gây tử vong ở các bệnh nhân Covid-19”.
Tuấn Anh