LITTLE SAIGON – Người Việt tỵ nạn cộng sản tại vùng Little Saigon hiện có hai Cộng Đồng đều do dân bầu, một là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, và một là Cộng Đồng Việt Nam Nam California.
Cả hai cộng đồng đều do hai ông kỹ sư giữ chức chủ tịch. Hầu hết người Việt tỵ nạn đều mong muốn hai cộng đồng tìm cách thống nhất để chỉ còn một Cộng Đồng Duy Nhất, hầu tạo sức mạnh đoàn kết, yểm trợ cuộc đấu tranh tại Việt Nam mau đến thành công.
Ông Bùi Thế Phát (thắt cà-vạt) đang bắt ông Nguyễn Kim Bình, trước khi hai người phát biểu về việc tìm một giải pháp để thống nhất Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California với Cộng Đồng Việt Nam Nam California, trong buổi họp sáng Chủ Nhật vừa qua tại Thư Viện Việt Nam. Xem bài trang A9. (Hình: Thanh Phong/ Viễn Đông)
Với lòng mong ước đó, một buổi họp đã được tổ chức tại Thư Viện Việt Nam vào lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 3 tháng Một, 2016 để hai Ban Đại Diện Cộng Đồng có tiếng nói và lắng nghe ý kiến của đồng hương.
Thân hào nhân sĩ, đại diện các tổ chức, chính đảng, đoàn thể quân đội cũng như dân sự có mặt ngồi chật kín hội trường Thư Viện; tất cả đều có một ước muốn duy nhất là hai Cộng Đồng sớm thống nhất thành một.
Tại hội trường, ban tổ chức sắp xếp Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali (CĐVNNCL) ngồi bên phải (từ dưới nhìn lên), Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali (CĐNVQGNCL) ngồi bên trái, chính giữa là bàn chủ tọa. Thư Ký Đoàn ngồi bên phía CĐNVQGNCL.
Hai người trong ban tổ chức là cựu Thiếu Tá TQLC Trần Vệ và bà Trần Thanh Hiền làm MC. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm. Hai MC thay phiên nhau giới thiệu quan khách. Ngoài những khuôn mặt quen thuộc trong các sinh hoạt của hai Ban Đại Diện Cộng Đồng còn có đại diện các chánh đảng, đoàn thể quân đội cũng như dân sự, và một số đông đồng hương cùng đông đảo cơ quan truyền thông.
Kế tiếp là phần trình diện Ủy Ban Thường Vụ Hội Đồng Đại Biểu Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali do ông Phan Kỳ Nhơn giới thiệu. Ngoài ông làm Chủ Tịch còn có các ông Bùi Đẹp (Phó Chủ Tịch), bà Trần Thanh Hiền (TTK) và các thành viên Trần Vệ, Lê Quang Dật, Nguyễn Nhật Minh, Cao Hữu Vinh, Lê Đình Sáu, Phan Đa Văn, Phan Văn Thuần, và Võ Tấn Kha.
Ông Phan Kỳ Nhơn tuyên bố lý do, “Sở dĩ có cuộc họp hôm nay là do sự trăn trở của đồng hương, và mục tiêu buổi họp là để chúng ta đưa ra một phương hướng thế nào cho hai Ban Đại Diện Cộng Đồng thống nhứt trong tương lai.”
Ông nhấn mạnh, “Như thế không có nghĩa là chúng tôi áp đặt, hay nói một cách bình dân, chúng tôi là những viên gạch lót đường cho hai ban đại diện tiến tới thống nhứt. Chúng tôi rất vui mừng thấy hai ban đại diện cộng đồng có mặt ở đây, chúng ta nên dẹp bỏ mọi tỵ hiềm để cùng nhau thống nhứt thành một lực lượng, một sức mạnh chống lại bạo quyền cộng sản.”
Với tư cách một người cao niên, ông bày tỏ niềm vui vì trong thời gian qua, cả hai ban đại diện đều tỏ ra rất khắng khít, sát cánh nhau trong mọi công tác ở cộng đồng này, và đây là bước khởi đầu trong tương lai đi đến thống nhất càng sớm càng tốt, không thất bại như 14, 15 năm về trước.
Kế đến, Bà Trần Thanh Hiền giới thiệu và mời ban đại diện CĐVNNCL lên ngồi vào vị trí đã ấn định gồm: ông Nguyễn Kim Bình (Phó Chủ Tịch Nội Vụ), ông Nguyễn Quốc Bảo (Tổng Thư Ký) và ông Huỳnh Phước Lộc (Thủ Quỹ). Ông Nguyễn Kim Bình cho biết, kỹ sư Ngãi Vinh (Chủ Tịch) vì đã nhận lời từ trước tham dự lễ chào cờ đầu năm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ nên không tham dự buổi họp được.
Sau đó, bà Thanh Hiền giới thiệu CĐNVQGNCL gồm: kỹ sư Bùi Thế Phát (Chủ Tịch), ông Nguyễn Bảo (Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ), ông Nguyễn Long (Phó Chủ Tịch Nội Vụ), và ông Đinh Quang Truật (Chủ Tịch HĐ Giám Sát).
Tiếp theo, bà Thanh Hiền mời niên trưởng Nguyễn Văn Ức (Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại), cựu Thiếu Tá CSQG Phan Tấn Ngưu (Đại diện Liên Hội Cựu Chiến Sĩ), TS Phạm Kim Long (nguyên Ủy Viên Giáo Dục Orange County), ông Trần Trọng Đạt (Chủ Tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng), và ông Nhan Hữu Mai (Phó Tổng Bí Thư, Ủy Viên Trung Ương VNQDĐ) lên bàn Chủ Tọa.
Đầu tiên bà Thanh Hiền mời ông Bùi Thế Phát và ông Nguyễn Kim Bình lên sân khấu bắt tay nhau. Hai ông đã bắt tay nhau rất khắng khít. Sau đó, ông Nguyễn Kim Bình được mời phát biểu trước rồi đến ông Bùi Thế Phát.
Cả hai ông, trong lời phát biểu đều mong muốn thống nhất, nhưng hai ông có hai quan niệm khác nhau. Vì lời phát biểu khá dài, chúng tôi chỉ tóm tắt các điểm chính của mỗi bên.
Ông Nguyễn Kim Bình cho biết, “Suốt trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã sinh hoạt trong nhiều hội đoàn, đã hiểu những nguyên nhân khiến chúng ta chưa thống nhất thành một cộng đồng nên tiến trình thống nhất, chúng ta phải làm từ từ, không thể hấp tấp, vì tình trạng phân hóa cộng đồng đã kéo dài rất lâu, những mâu thuẫn sâu nặng và nội bộ, chúng ta không thể giải quyết trong vòng sáu tháng hay một năm. Nếu dễ dàng thì chúng ta đã có một Cộng Đồng duy nhất từ lâu rồi.
“Để giải quyết tận gốc vấn đề để cộng đồng thống nhất thật sự, chúng tôi quan niệm việc thống nhứt phải có tiến trình hợp lý nhất, và phải tuyệt đối đi đúng tinh thần hai Nội Quy của hai cơ chế Cộng Đồng dựa trên ba tiêu chuẩn: Hợp lý, Dân chủ và Bình đẳng, và CĐVNNCL đã có đề nghị cụ thể cho tiến trình thống nhất ngay sau khi anh Phát đắc cử Chủ Tịch CĐNVQG, là thành lập một Ban Phối Hợp Thống Nhất. Hai Ban Đại Diện Cộng Đồng sẽ đề cử mỗi bên một số người tham gia đồng đều.
“Sau khi hai bên gặp nhau, Ủy Ban có thể mời thêm một số nhân sĩ tham gia, và Ủy Ban Phối Hợp Thống Nhất đó sẽ giải tỏa những mâu thuẫn, những khác biệt giữ hai cơ cấu tổ chức của hai cơ chế cộng đồng. Cái tiến trình thống nhất sẽ còn rất nhiều cam go nhưng chậm và chắc, cho dù cuối nhiệm kỳ này nếu có một cộng đồng thì đó là mong ước của anh em chúng tôi; Tuy nhiên, cho dù hai năm nữa chưa có Cộng Đồng thống nhất, chúng tôi có thể cam kết tiến trình đó sẽ đi tới mãi mãi chứ không dừng lại qua ba bước gồm giai đoạn phối hợp, liên kết và thống nhất. Nếu có thì giờ chúng tôi sẽ giải thích mỗi tiến trình đi như thế nào.”
Tiếp theo là lời phát biểu của ông Bùi Thế Phát, Chủ Tịch CĐNVQGNCL, “Niềm mong ước của muôn ngàn người Việt tỵ nạn tại Nam California này là chúng ta có một cộng đồng hợp nhất, một cộng đồng thống nhất, có một tiếng nói duy nhất, đó là tiếng nói đại diện cho người tỵ nạn cộng sản để đấu tranh cho dân chủ, tự do cho 90 triệu đồng bào chúng ta còn kẹt trong nước.
“Hai-mươi năm đã quá đủ rồi, chúng ta cần có một cộng đồng thống nhất ngay từ giây phút này, vì hoàn cảnh đất nước chúng ta không cho phép chúng ta mong rằng hai năm nữa, ba năm nữa, năm hay hai-mươi năm nữa chúng ta sẽ thống nhất thành một, mà phải thống nhất ngay trong giai đoạn này, không thể chần chờ thêm nữa. Nếu hai cộng đồng chúng ta có thực tâm thống nhất thì rất dễ chứ không có nhiêu khê như mười mấy, hai chục năm qua.
“Nếu chúng ta có thực tâm thì chúng ta không chỉ đứng trên sân khấu này bắt tay nhau hay nắm tay nhau đưa lên hứa với đồng hương chúng tôi sẽ thống nhất như trước đây. Nếu thực tâm, việc thứ nhất, chúng ta lắng nghe ý nguyện của đồng hương. Soạn thảo sơ lại các điểm cần, đúc kết hai Nội Quy lại rồi mời họp đồng hương lấy ý kiến chung thành một Nội Quy. Sau đó thành lập một ban tổ chức bầu cử gồm đại diện của cả hai bên Cộng Đồng, và có sự ứng cử khác của đồng hương. Sau bầu cử, chúng ta bắt tay nhau ủng hộ Cộng Đồng duy nhất đó.”
Ông Bùi Phát khẳng định, “Chúng tôi không thấy có lý do gì không thể thực hiện được trong sáu tháng sắp đến, và chúng tôi sẵn sàng giải tán CĐNVQGNCL để cùng nhau bầu lại một Cộng Đồng duy nhất.”
Sau đó, chủ tọa đoàn mời từng người ghi danh góp ý lên phát biểu. Hầu hết đều góp ý nên tiến hành ngay việc thống nhất một cộng đồng. Nếu hai Ban Đại Diện Cộng Đồng không thống nhất thì đắc tội với đồng hương. Một vị đề nghị thành lập Ủy Ban Bầu Cử Thống Nhất Cộng Đồng, một người đề nghị cứ để càng nhiều cộng đồng càng tốt, không sao cả. Buổi họp có sự giúp vui văn nghệ của Nhóm Hát Quỳnh Hoa.
Mục đích chính của buổi họp là ghi nhận đóng góp ý kiến của đồng hương hầu tìm ra giải pháp thống nhất hai cộng đồng thành một, nhưng chưa thấy ai đưa ra được ý kiến nào khả thi nên việc thống nhất cộng đồng chưa biết đến bao giờ!