Chuyện cấp phép làm ‘nóng’ hội thảo về Luật Nghệ thuật biểu diễn

Người đẹp thi nhan sắc “chui”, cấp phép ca sĩ hải ngoại về nước chồng chéo ở các tỉnh thành… khiến môi trường biễu diễn nghệ thuật trong nước lộ rõ hạn chế.

Ngày 11/11, tại TP HCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn có buổi Hội thảo đánh giá tình hình thực thi pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhiều năm qua. Buổi này còn là dịp cơ quan chức năng ghi nhận các ý kiến định hướng xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn sắp tới. Chương trình có sự tham gia của đại diện lãnh đạo đến từ các đơn vị quản lý văn hóa, nghệ thuật từ Trung Ương đến địa phương: TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam…

Hiện nay, Nghị định 79 (ban hành năm 2012) là văn bản cao nhất điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong nước. Nghị định này đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về: trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành và kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Tuy vậy, Nghị định 79 bị nhận xét chưa đáp ứng được kỳ vọng của mọi người về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn trước sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong xu thế hội nhập với thế giới.

Hương Tràm diện bộ váy xuyên thấu lộ rõ nội y khi biểu diễn tại một quán bar ở Hà Nội hôm 25/8.

Hương Tràm diện bộ váy xuyên thấu lộ rõ nội y khi biểu diễn tại một quán bar ở Hà Nội năm 2014. Cô đã bị Sở Văn hóa Hà Nội phạt 10 triệu đồng kèm chế tài là cấm biểu diễn ba tháng.

Ông Đào Đăng Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – chỉ ranhiều mặt hạn chế của nghị định, nhất là ở khâu quản lý, cấp phép các chương trình, nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Điển hình là tại nhiều địa phương, việc cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu không đúng thẩm quyền, tạo kẽ hở cho các tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật. Một số chương trình nghệ thuật vẫn còn để xảy ra những sai phạm về quảng cáo. Nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, chưa thực hiện nghĩa vụ và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm…

Người đẹp Lâm Thùy Anh

Người đẹp Lâm Thùy Anh vừa bị Sở Văn hóa, Thể Thao TP HCM phạt 22,5 triệu đồng vì đi nhan sắc tại Hàn quốc khi chưa được cấp phép.

Ông Hồ Văn Lợi – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: quy định cấp phép biểu diễn nghệ thuật trong nước hiện nay chưa rõ ràng, chồng chéo thủ tục ở các địa phương.Riêng chuyện cấp phép cho nghệ sĩ, ca sĩ ở hải ngoại về nước biểu diễn thì mỗi địa phương làm theo một kiểu. “TP HCM phải thông qua ngành Công an để xét duyệt, còn ở Vũng Tàu xin ở Sở ngoại vụ hoặc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh. Điều này cho thấy chúng ta chưa thống nhất trong quản lý nhà nước. Khi chúng ta xây dựng luật thì cần nêu rõ vai trò quản lý của nhà nước ở địa phương, văn bản chế tài của luật phải thật sự chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh…”, ông Lợi nói.

Ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM – đồng tình chuyện: cấp phép cho các người đẹp đi thi nhan sắc trong và ngoài nước cần rõ ràng, minh bạch trên văn bản luật, kèm theo chế tài, khung xử phạt mạnh. Có như thế mới mong giải quyết được tình trạng một số người đẹp và tổ chức vẫn lách quy định để đi thi “chui”.

TP HCM là địa phương thu hút rất đông ca sĩ Việt kiều về nước biểu diễn, trong năm 2015, có 238 nghệ sĩ hải ngoại được cấp phép. Tuy vậy, theo ông Tôn Thất Cần, Phó Phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa – Thể thao thành phố việc cấp phép lộ nhiều bất cập khi có ca sĩ được hát ở địa phương này nhưng lại bị từ chối biểu diễn ở địa phương khác.

“Nếu chúng ta xây dựng luật thì tôi kiến nghị là ca sĩ hải ngoại đã được về nước biểu diễn thì sẽ được biểu diễn nhiều, tại nhiều chương trình. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên quản lý về nội dung, tổ chức hậu kiểm. Chúng ta cần tinh giản thủ tục hành chính, thực thi luật một cách công bằng cho tất cả các nghệ sĩ và đơn vị”, ông Cần chia sẻ.

Ca sĩ Chế Linh (trái) và Khánh Ly được cấp phép biểu diễn tại vài địa phương nhưng vẫn chưa có show diễn ở TP HCM

Ca sĩ Chế Linh (trái) và Khánh Ly được cấp phép biểu diễn tại vài địa phương nhưng vẫn chưa có show diễn ở TP HCM.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên chia sẻ, thời gian qua, ông lắng nghe rất nhiều ý kiến từ các cá nhân, cơ quan về việc xin giấy phép làm chương trình thế nào, hủy cấp phép ra sao và ông thấy có một nhu cầu rất lớn là cần có một bộ luật để từ đó mọi người căn cứ vào thực hiện theo những quy định chặt chẽ đã được soạn thảo ra.

Ông Biên kể có nhiều nghệ sĩ, nhà tổ chức Việt Nam ở hải ngoại có tâm nguyện về nước tham gia hoạt động nghệ thuật. Ví dụ, Giám đốc chương trình Thúy Nga Paris từng gặp gỡ ông bày tỏ mong muốn mang chương trình này về nước. “Nếu là chương trình mang nội dung tốt, thực hiện đúng luật, đúng chủ trương thì chúng ta nên khuyến khích mang về nước biểu diễn để làm phong phú thêm hoạt động biểu diễn trong nước. Trên thế giới người ta đâu có nghị định hay thông tư. Họ chỉ có pháp luật và làm việc theo luật”, ông Biên nói.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều kỳ vọng, sắp tới, Nghị định 79 sẽ được sửa đổi, bỏ đi những thủ tục hành chính rườm rà, để tiến tới hoàn thiện một dự luật về chặt chẽ về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng lấy ý kiến của nhiều người về việc kiến nghị bãi bỏ thủ tục cấp nhãn kiểm soát bản ghi âm, ghi hình, ca múa nhạc, sân khấu.

Sau TP HCM, một hội thảo chủ đề tương tự sẽ diễn ra ở Hà Nội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục nghệ thuật biểu diễn tiếp tục đón nhận ý kiến đóng góp từ các cá nhân, đơn vị, tổ chức để chắt lọc, đưa vào quá trình soạn thảo Luật Nghệ thuật biểu diễn. Dự kiến dự thảo luật này hoàn thành chậm nhất vào năm 2017 để có thể trình Quốc Hội thông qua vào năm 2018.

Thoại Hà

Leave a Reply