Chuyện của ông Việt kiều Mỹ về Cà Mau làm ‘Mobile Home’

Khi một người đàn ông quyết định quay trở về mảnh đất từng là nơi mình muốn dứt áo ra đi nhiều năm trước, hẳn là có một động lực lớn lao thôi thúc.

Ông Tiêu Văn Luận, một Việt kiều Mỹ ở Cà Mau đang được dư luận chú ý với việc sản xuất những căn nhà di động (Mobile Home) cho người có thu nhập thấp. Ông nói về việc người ta gọi ông là “đại gia” rằng: “Ðại gia mà làm gì nếu người đó không làm được những điều ích lợi cho cộng đồng.” Và nhấn mạnh, “Tôi giàu nhưng không là triệu phú đô-la.”

 



Những căn nhà di động do ông Luận sản xuất. (Hình: Luke Bùi/Người Việt)

 

Trong hành trình dài tám giờ đi xe từ Sài Gòn xuống Cà Mau tìm gặp ông Tiêu Văn Luận, tôi cứ suy nghĩ miên man về một chuyện ngược đời: Mỗi năm, theo số liệu thống kê, vùng Ðất Mũi có hàng trăm phụ nữ tìm đường định cư nước ngoài bằng cách kết hôn với chồng ngoại quốc (phần lớn ở Ðài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc) vậy mà có người đã làm ăn thành công tại nước Mỹ lại tìm đường quay về từ hơn mười năm trước.

Khi hỏi dò người dân địa phương về ông Luận, tôi nhận ra không phải ai cũng biết về chuyện ông làm nhà di động, nhưng hầu hết đều biết ông là chủ một khách sạn bề thế trên đường Nguyễn Trãi, phường 9, thành phố Cà Mau.

Ông Luận tiếp tôi có phần dè dặt, một phần cũng vì nỗi bực bội do trước đó một số tờ báo tại Việt Nam miêu tả ông là “triệu phú đô-la.”

“Tôi không hiểu một số nhà báo nghe phong thanh thế nào mà lại gọi tôi như vậy trên mặt báo. Thiệt là tào lao mía lau! Không rõ họ có hiểu muốn là triệu phú đô-la, người ta phải có thu nhập ở mức nào, đóng thuế bao nhiêu, chứ không phải ước lượng gia sản của người ta rồi gán cho danh hiệu triệu phú,” ông Luận nói với giọng có phần gay gắt.

 



Bên trong một căn nhà di động vừa làm xong. (Hình: Luke Bùi/Người Việt)

 

Cũng nhân đề cập về chuyện giàu-nghèo, người đàn ông ở tuổi gần 60 không giấu diếm chuyện ông có nhiều đất ở Phú Quốc và một số nơi khác, nhưng tự nhận mình không phải là người phô trương sự hào nhoáng với chiếc xe siêu sang Rolls-Royce hoặc điện thoại Vertu như cách một số đại gia Việt hay chứng tỏ.

Ông nói: “Tất nhiên, một người quá giàu có thể xài tiền theo cách mà họ thích để thiên hạ phải giật mình kính nể. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ quý trọng những người khoe mẽ. Tôi đánh giá một người qua việc người đó đóng góp những gì hữu ích cho xã hội và người khác, chứ không phải qua cách người đó làm màu.”

*Chỉ người ta cách làm chứ không bán

Trở ngược thời gian, một ngày năm 1980, Tiêu Văn Luận, chàng thanh niên gốc Hẹ (Khách Gia) nhưng sinh ra ở Cà Mau khi ấy mới hơn 20 tuổi, lên đường vượt biên.

Ðến tận bây giờ ông Luận vẫn nhớ cảm giác bùi ngùi khi ngoái nhìn mảnh đất và rặng cây trên quê hương lần cuối trước khi tàu ra khơi.

“Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã bật khóc và tự nhủ, nếu trời cho còn sống, một ngày nào đó nhất định tôi sẽ trở về,” ông Luận bùi ngùi nói. Một năm sau, khi đến Mỹ, ông quyết theo nghề xây dựng nhà cửa tại Arizona, Boston, Houston…

 



Những căn nhà di động đang đặt tại khu chợ đêm của thành phố Cà Mau. (Hình: Luke Bùi/Người Việt)

 

Cuối thập niên 1990, khi Việt kiều về nước làm ăn nhiều hơn, ông Luận nhận thấy đã đến thời điểm thích hợp để quay về mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Ông chọn đầu tư lĩnh vực nhà hàng, khách sạn vì tin rằng đời sống tại Việt Nam sẽ ngày càng khấm khá hơn, người dân có nhu cầu đi du lịch thường xuyên hơn. Ông tin rằng ngay cả một nơi cùng trời cuối đất như Cà Mau cũng vẫn có thể là mảnh đất làm ăn được nếu mình cố gắng.

Cách đây mấy tháng, ông bắt tay vào sản xuất những căn nhà di động đầu tiên sau khi tự đặt cho mình câu hỏi: “Tại sao có những người dân nghèo sau một đêm bỗng mất nhà vì lở đất, lũ lụt, nước biển dâng cao, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu? Sao mình có kinh nghiệm xây dựng mà không giúp người ta làm những căn nhà di động với chi phí thấp mà tránh được nguy cơ mất nhà, thiệt hại tài sản? Ðất bị lở thì chỉ cần kéo nhà đi chỗ khác, bị ngập thì nâng nhà lên dễ dàng.”

Nói là làm, ông và những người thợ của mình đã sản xuất những căn nhà bằng sắt, lá nhôm và tôn, phía dưới gắn những bánh xe để dễ dàng kéo đi được.

Hiện những căn nhà một trệt, một lầu có chiều ngang 4m, dài 6m, gồm một trệt, một lầu, tổng trong lượng từ 2.5 đến 3 tấn này đang được trưng bày tại khu chợ đêm Cà Mau, khiến những người qua lại hiếu kỳ muốn biết bên trong như thế nào.

 



Căn nhà có màu sắc, kiểu dáng bắt mắt. (Hình: Luke Bùi/Người Việt)

 

Ông Luận khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng ông làm nhà di động không phải để thu lợi. Nhiều người đến xem nhà mẫu trầm trồ vì tuy là nhà di động nhưng bộ khung nhà chắc chắn, thiết kế đẹp mắt, tiện dụng để ở và kinh doanh cửa hàng.

Ðến khi người ta hỏi mua, ông lại khiến họ hoang mang vì ông không bán mà… tận tình chỉ cách cho họ có thể thuê thợ về làm với chi phí khoảng 50-70 triệu đồng, tức $2,500-3,500/căn.

*Mảnh đất không bạc đãi người có tâm huyết

Khi tôi cắc cớ hỏi: “Ngoài lý do Cà Mau là quê hương, vì sao ông không chọn Sài Gòn hay nơi nào khác để làm ăn cho thuận tiện và đi lại dễ dàng hơn?”

Ông Luận đáp: “Tôi tin đời sống ở Cà Mau trong tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Vì ở đây không có chuyện người làm ăn bị nhũng nhiễu hay làm khó. Tất nhiên, nếu bạn là người đầu tư kinh doanh thật sự nghiêm túc chứ không phải xin cấp đất rồi treo dự án hoặc treo đầu dê bán thịt chó. Mảnh đất này tôi sinh ra nên tôi biết không bạc đãi những người có tâm huyết đâu.”

Ở lứa tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” và hai người con hiện đã yên bề gia thất trên đất Mỹ, ông Luận không ung dung ngồi hưởng thụ gia sản mà vẫn tất bật với công chuyện làm ăn và kế hoạch đưa thêm nhiều căn nhà di động đến những vùng sâu vùng xa.

“Ðại gia mà làm gì nếu như sau khi mình mất đi, người ta không thể nhắc về mình qua những công việc ý nghĩa và nhân văn?” Ông Tiêu Văn Luận nói với vẻ an nhiên.

Và trong lúc chúng tôi đang viết những dòng chữ này, ông lại tất tả lên Sài Gòn tìm chỗ gia công loại gạch nhựa thích hợp để lót trong những căn nhà di động của ông.

Trong cuộc trò chuyện hàng giờ đồng hồ với ông Luận, điều khiến tôi cảm thấy “ngạc nhiên” nhất là ông luôn tránh né ống kính máy chụp hình.

Ông còn đề nghị chúng tôi nếu có viết bài thì chỉ đề cập về những căn nhà di động và tình hình làm ăn ở Cà Mau mà bỏ qua những chi tiết về cá nhân ông.

Ðiều oái oăm là chúng tôi không thể lấy lý do đường sá xa xôi từ Sài Gòn về Cà Mau để ép buộc ông phải chụp ảnh minh họa cho bài báo này. Vì rõ ràng chặng đường quay về từ cách nửa vòng trái đất của ông xa hơn tôi gấp nhiều lần!

 


Chồng tôi cũng… lạ lắm!

 

 

“Ông Luận là người không thích chụp hình hay góp mặt ở những bữa tiệc tùng, mà chỉ muốn luôn tay luôn chân làm cái này, chế cái kia. Vợ chồng tôi sống chung mấy chục năm mà hiếm khi chụp hình cùng nhau, trong máy điện thoại của tôi cũng không có hình ổng. Người ngoài nhìn vào tưởng chồng tôi chỉ có một, hai bộ đồ lùi xùi cứ mặc hoài trong lúc đồ đẹp thì ổng không thèm mặc. Vì biết tính ổng vậy, tôi cũng đã quen nên không còn thấy… lạ nữa!”

(Lời bà Trinh, vợ ông Luận)

Leave a Reply