Nhiều công ty tiền điện tử đang bắt đầu đề cập đến “đòn bẩy”, “cho vay” và “tín dụng” tại các hội nghị. Điều này gợi cho người ta những bóng ma tài chính từng xảy ra trong quá khứ.
Nhiều chuyên gia tài chính lẫn các phương tiện truyền thông cho rằng sự tăng giá đột biến của Bitcoin trong thời gian gần đây là “bong bóng Bitcoin”. Tuy nhiên, không thể gọi một hiện tượng tài chính là “bong bóng” khi chúng đang diễn ra, mà chỉ khi nó đã hoặc gần như bị vỡ.
Nhà nghiên cứu sử học về kinh tế William Derringer từ Viện công nghệ Massachusetts nhận định: “Bong bóng tài chính thường được xác định khi nhìn về quá khứ. Chúng ta chỉ có thể chắc chắn Bitcoin là một bong bóng nếu như nó đã bị vỡ”.
Tuy nhiên, Darrin cũng cho rằng đa số bong bóng trong quá khứ đều xảy ra sau những bước phát triển của công nghệ, và đi cùng là các hình thức tài chính mới. Với mức dao động lên xuống chóng mặt về giá chỉ trong thời gian ngắn, Bitcoin hội đủ yếu tố để trở thành một bong bóng tài chính.
“Ngoài ra, bong bóng xảy ra cũng là kết quả của việc đưa tin thiếu kiểm soát của phương tiện truyền thông, dẫn đến việc tham gia của nhiều nhà đầu tư. Kết quả, giá trị của tài sản đã bị đẩy lên cao quá mức so với giá trị thực. Với Bitcoin lại càng phức tạp hơn bởi người ta không thể nói chính xác giá trị thực của một chuỗi mật mã là bao nhiêu”, Darrin nói.
Khi nhìn lại, Bitcoin chắc chắn sẽ là một trong những đại diện tiêu biểu cho nền tài chính 2017. Ảnh: Cryptojournal. |
Các nhà đầu tư ngày nay lại không quan tâm đến những cảnh báo. Giá Bitcoin ngày càng tăng. Chính phủ Mỹ thậm chí đã cho phép Bitcoin được phép giao dịch trên hai sàn CBOE và CME nhằm giảm giá đồng tiền, song việc hợp pháp hoá này lại càng thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa.
Điều này khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về viễn cảnh “bong bóng” Bitcoin bị vỡ vì lý do gì đó (hack, thị trường bị thao túng, sàn giao dịch phá sản), chuyện gì sẽ diễn ra và diễn ra như thế nào?
Sụp đổ trên diện rộng
Một số người cho rằng, Bitcoin rồi cũng sẽ bị hạn chế. Mặc cho việc có thêm nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào, phần lớn lượng Bitcoin trị giá 366,8 tỷ USD lại nằm trong tay một số ít người giàu có, từ những nhà đầu tư Bitcoin thời kỳ đầu đến các ông lớn tại Silicon Valley hay các công ty chuyên đào tiền. Vì vậy, nếu “bong bóng” vỡ, nhóm người này chỉ đơn giản là nghèo đi hơn một chút.
Nhưng thiệt hại là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Nếu Bitcoin rớt giá thảm hại, điều này sẽ khiến những công ty thực hiện trao đổi tiền kỹ thuật số sang tiền mặt chịu cảnh khốn đốn, do hàng loạt nhà đầu tư cố gắng rút tiền ra trước khi quá trễ. Và nếu các công ty này sụp đổ, khả năng thanh khoản của thị trường cũng sẽ trở nên yếu ớt, gây tác động tiêu cực trên diện rộng.
Sự sụp đổ của Bitcoin có thể kéo theo hệ thống các đồng tiền ảo khác nhau. Ảnh: Welivesecurity. |
Nhà nghiên cứu hệ thống tiền tệ Garrick Hilerman từ Đại học Cambridge cho rằng: “Nó (Bitcoin) sẽ giống như năm 2000 (ám chỉ bong bóng dot com bị vỡ). Những người chơi lớn nhất vẫn sẽ tái ổn định và đẩy mạnh hoạt động khi thị trường ổn định. Nhưng những công ty giao dịch, trao đổi Bitcoin sẽ buộc phải đóng cửa.
Sự lây lan sẽ xảy ra trên toàn hệ thống. Các đồng tiền khác như Ethereum, Litecoin hay Monero chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Bitcoin tụt giá một cách bất ngờ. Các công ty sản xuất phần cứng để đào Bitcoin cũng chịu tác động không nhỏ, khiến nhiều người phải mất việc.
Nhiều nhà kinh tế học đều thống nhất rằng một vụ sụp đổ nghiêm trọng như những gì diễn ra vào năm 2008 hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra do những người đầu tư thất bại, dẫn đến nợ nần và không có khả năng chi trả. Song, Hileman vẫn nghĩ rằng Bitcoin chưa có khả năng để trở thành “bong bóng”, bởi: “Để có một bong bóng tài chính lớn, cần rất nhiều khoản vay và tín dụng khác nhau”.
Tuy nhiên mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Nhiều công ty tiền kỹ thuật số đang bắt đầu đề cập đến “đòn bẩy”, “cho vay” và “tín dụng” tại các hội nghị. Đáng nói hơn nữa khi chỉ vài ngày trước, tờ Financial Times tiết lộ thông tin: sàn giao dịch bitFlyer của Nhật đã cho phép các nhà đầu tư vay số tiền gấp 15 lần khả năng tài chính của họ để mua Bitcoin.
Bitcoin sẽ không chết
Dù hậu quả có như thế nào, việc “bong bóng” vỡ sẽ khiến nhiều chính phủ thắt chặt những quy định hơn nữa. Khi ngày càng có nhiều người dân, và cả các nhà đầu tư phố Wall cũng tham gia vào cơn sốt Bitcoin, nhà chức trách chắc chắn sẽ có động thái can thiệp sâu hơn.
Hoa tulip vẫn đóng một phần quan trọng trong nền kinh tế Hà Lan ngày nay. Ảnh: CNBC. |
Trên thực tế, điều này đã diễn ra: Hàn Quốc cách đây hai tuần đã tổ chức một cuộc họp về Bitcoin. Bộ trưởng Tài chính Pháp cũng đã yêu cầu G20 thảo luận và đưa ra các quy định về tiền kỹ thuật số. Giáo sư Brent Goldfarb từ Đại học Maryland nhận định: “Sự sụp đổ của Bitcoin sẽ kết thúc những gì đang xảy ra. Điều này sẽ dẫn đến những quy định về tiền kỹ thuật số, giống như việc thành lập Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ sau cuộc khủng hoảng năm 1929”.
Nếu “bong bóng” Bitcoin vỡ, đồng tiền này có thể sẽ trở về vị trí ban đầu của nó, nơi dành cho những kẻ đam mê mật mã hoặc có thể bị thay thế bởi một phương thức thanh toán khác. Nhưng nó sẽ không chết. Tương tự như “bong bóng” hoa Tulip vào những năm đầu thế kỷ 17, Goldfarb cho rằng: ” Hoa tulip không biến mất sau khi cơn ác mộng kết thúc. Loài hoa này vẫn đóng một phần quan trọng trong nền kinh tế Hà Lan cho đến ngày nay”.