(VTC News) – Theo chuyên gia, dù ông Biden lên nắm quyền thì quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục được tăng cường và phát triển, quan hệ hai nước “chỉ có tiến, không lùi”.
Ông Joe Biden đã được công nhận chiến thắng trước đương kim Tổng thống Donald Trump, trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Chính quyền chuyển giao của ông bắt đầu hình thành và có những kế hoạch cụ thể kế thừa di sản của người tiền nhiệm.
Quan hệ Việt Nam – Mỹ dưới Tổng thống Donald Trump đã có những bước phát triển rất tích cực về mọi mặt, hai bên từng bước xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Thế nên, câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay là liệu sau khi lên nắm quyền, ông Biden tiếp nối di sản của Trump để lại như thế nào trong thực thi chính sách với Việt Nam.
Để làm rõ hơn về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden tới đây, VTC News có cuộc phỏng vấn TS Phạm Cao Cường – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, về vấn đề này.
– Đến cuối nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh Robert O’brien của Mỹ có chuyến thăm tới Việt Nam và đưa ra nhiều cam kết hợp tác. Điều này cho thấy Mỹ đánh giá thế nào về Việt Nam giai đoạn này, thưa ông?
Quan hệ giữa Mỹ – Việt trong suốt giai đoạn từ bình thường hóa quan hệ đến nay tiến triển rất tốt, đặc biệt về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao. Về ngoại giao, chúng ta chứng kiến rất nhiều chuyến thăm của lãnh đạo hai nước. Về quốc phòng, Mỹ đang cung cấp các khoản viện trợ quân sự cho Việt Nam thông qua chương trình giáo dục đào tạo quân sự, đồng thời Washington tiếp tục ủng hộ các năng lực hàng hải của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, trong quan hệ thương mại, hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, hàng hóa của nước ta xuất sang Mỹ rất lớn – đứng đầu Đông Nam Á, tương đương 70 tỷ USD, chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Việt Nam.
Trong chiến lược an ninh quốc gia công bố năm 2017, Mỹ coi Việt Nam là đối tác mới nổi và coi trọng vị trí địa chiến lược của nước ta nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc tiếp cận với Việt Nam, coi trọng vị thế và đặc biệt là vai trò của Việt Nam trong ASEAN có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy vai trò của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN thì vai trò, ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Vì thế, việc Mỹ ủng hộ Việt Nam về chính trị cũng sẽ giúp Washington tăng cường quan hệ nhiều hơn với ASEAN.
Chuyến thăm bất ngờ, không nằm trong lịch trình của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng chuyến công du của cố vấn an ninh đến Việt Nam vừa qua cho thấy nước ta có vai trò lớn trong tính toán và chính sách của Mỹ ở khu vực. Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á cũng vừa là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việt Nam được xem là cửa ngõ để Mỹ tham gia sâu nhiều hơn vào các vấn đề khu vực.
– Sau khi đắc cử, ông Biden có tiếp tục chính sách hợp tác toàn diện với Việt Nam như thời ông Trump?
Từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, quan hệ Mỹ – Việt chỉ có tiến, không lùi. Nếu như ông Biden lên nắm quyền thì chủ trương, mục tiêu của Mỹ cũng như những thỏa thuận mà hai bên đã ký kết sẽ được tăng cường, mở rộng hợp tác và đi vào chiều sâu hơn.
Theo truyền thống, đảng Dân chủ rất coi trọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và vai trò của ASEAN trong chiến lược của Mỹ. Chính vì thế, nếu ông Joe Biden lên nắm quyền, điều này sẽ không thay đổi, đảng Dân chủ sẽ tiếp nối truyền thống này.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã thực hiện chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” sang châu Á, thể hiện rõ mong muốn của đảng Dân chủ trong việc tăng cường quan hệ với khu vực này. Điều này xuất phát từ vai trò, vị trí địa chính trị chiến lược của châu Á, khu vực đông dân cư, thị trường rộng lớn và giàu tiềm năng.
Việc gia tăng hiện diện, can dự vào khu vực này có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Ông Biden sẽ tiếp nối truyền thống đảng Dân chủ, tiếp tục quay trở lại cái chính sách hướng về châu Á, thậm chí còn có nhiều chính sách cụ thể hơn và tốt hơn so với chính quyền Donald Trump.
Trên thực tế, đánh giá một cách tổng quát, chính sách châu Á dưới thời ông Trump vẫn còn lỏng lẻo, chưa có sự liên kết chặt chẽ và mang tính thích ứng, đối phó với tình thế nhiều hơn là quan điểm nhất quán, xuyên suốt. Nếu ông Joe Biden lên cầm quyền, chính sách đối với châu Á của Mỹ sẽ được cụ thể hóa nhiều hơn.
Từ năm 2017, trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã bỏ lỡ 3 Hội nghị thượng đỉnh ở khu vực Đông Nam Á. Với chính quyền Bill Clinton hay Barack Obama, họ thường coi trọng các vai trò này và chính chính quyền Obama đã khởi xướng, đề xuất nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN.
Vì vậy, nếu ông Biden nắm quyền, các chính sách châu Á của Mỹ vẫn tiếp tục. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được đánh giá cao, là nhân tố rất quan trọng, có vị trí địa chiến lược tại khu vực này. Quan hệ với Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường dưới thời ông Joe Biden, chỉ có tiến, không lùi.
– Vậy quan hệ Mỹ – Việt sẽ phát triển ở mức độ nào sau khi ông Biden nắm quyền?
Nếu ông Biden nắm quyền, rõ ràng quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian qua. Dưới thời ông Obama, chính quyền Mỹ đã nâng tầm quan hệ hai bên thành đối tác toàn diện, thậm chí nhiều quan chức Mỹ còn muốn nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược.
Dưới thời ông Biden, Mỹ sẽ vẫn đề cao vai trò của ASEAN trong khu vực và vị thế của Việt Nam trong tổ chức này. Washington sẽ thúc đẩy nhiều kênh để tăng cường hợp tác với Hà Nội.
Ở phương diện kinh tế, Mỹ tiếp tục đẩy mạng quan hệ thương mại với Việt Nam, đảm bảo tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam và ngược lại. Hiện nay, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mức độ hợp tác song phương. Điều này sẽ được cải thiện dưới thời Biden.
Trong khi đó, trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, hai nước đã đạt được rất nhiều tiến triển. Với chính sách hướng về châu Á, ngăn chặn và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, Washington dưới thời ông Biden sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ với Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.
Nền tảng hợp tác quốc phòng đã có và điều này sẽ được phát huy trong thời gian tới. Thời gian qua, Mỹ đẩy mạnh viện trợ, đào tạo, huấn luyện phi công cho Việt Nam, tăng cường sức mạnh cảnh sát biển Việt Nam, mua bán vũ khí trong khuôn khổ tầm nhìn chung quốc phòng hai nước, đối thoại quốc phòng thường niên, cấp thứ trưởng hai năm/lần. Thời gian tới, Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các nội dung mà hai bên đã cam kết thực hiện theo kế hoạch hợp tác quốc phòng 5 năm, giai đoạn 2020 và 2025.
Các tàu chiến Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn với Việt Nam trên cơ sở các hoạt động trao đổi, thăm viếng hoặc sửa chữa. Dưới thời ông Trump, 2 tàu sân bay Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng. Ông Biden có thể tiếp tục theo đường lối này, sẽ có nhiều hơn các hoạt động thăm viếng của tàu chiến Mỹ sang Việt Nam.
Đối với tình hình Biển Đông, quan điểm của Mỹ dưới thời ông Trump đã thay đổi với chiều hướng can dự mạnh mẽ hơn. Nếu đắc cử, ông Biden cũng sẽ tiếp tục các cam kết của Mỹ đối với Việt Nam trong vấn đề về tự do hàng tại khu vực. Mục tiêu của Mỹ là đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực với sự hiện diện nhiều hơn của Mỹ thông qua các hoạt động tự do hàng hải.
– Sau khi ông Biden lên nắm quyền, liệu Mỹ có đẩy mạnh việc giảm thâm hụt thương mại trong quan hệ với Việt Nam, thưa ông?
Thương mại có lẽ không phải vấn đề lớn trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Dưới thời Bill Clinton hay Barack Obama đã cho thấy điều này. Về cơ bản, quan hệ Việt – Mỹ dưới thời của ông Biden có lẽ vẫn tiếp tục theo xu hướng hiện nay. Thế nhưng, mức độ quan tâm của chính quyền Biden đối với vấn đề này còn tùy thuộc vào đội ngũ cố vấn, hoạch định sách trong chính quyền Mỹ tới đây, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ.
Các chính sách được đưa ra trong chính quyền Mỹ sẽ cần ít nhất một năm đầu để định hình. Thời điểm đó, Washington mới có kế hoạch toàn diện về chính sách an ninh quốc gia, chính sách đối với khu vực và dựa trên cơ sở đó để có sự điều chỉnh trong quan hệ đối với Việt Nam.
Dưới thời ông Trump, thâm hụt về thương mại Mỹ và Việt Nam tăng. Điều này một phần là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, Việt Nam đang thực hiện rất tốt để giảm thâm hụt thương mại đối với Mỹ với cam kết mua thêm sản phẩm, hàng hóa của Mỹ.
– Liệu có một chuyến thăm sớm của ông Biden tới Việt Nam trong giai đoạn đầu trên cương vị Tổng thống Mỹ, thưa ông?
Tôi cho rằng sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng ông Biden sẽ lựa chọn châu Âu là điểm đến đầu tiên. Quan hệ Mỹ và khu vực này đang rạn nứt, có nhiều bất đồng cần tháo gỡ nên ông Biden cần thực hiện chuyến đi như vậy để tìm cách để hàn gắn quan hệ Washington và các đồng minh NATO.
Còn trong trường hợp công du châu Á, ông Biden có thể sẽ chọn Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ để đến thăm. Sau khi lên nắm quyền, ông Biden muốn thể hiện chính sách hướng đến châu Á, đồng thời Washington cũng muốn thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản trong bối cảnh nước này có thủ tướng mới.
Ngoài ra, tùy theo bối cảnh tình hình, ông Biden cũng sẽ có chuyến thăm Trung Quốc để hai bên tái khởi động lại các đàm phán về thỏa thuận thương mại cũng như thảo luận về các vướng mắc, bất đồng hiện nay. Thế nhưng, điều này cũng sẽ tùy thuộc vào tiến triển trong vấn đề thương mại cũng như các vấn đề khác giữa Bắc Kinh và Washington trong thời gian tới đây.
Còn đối với Việt Nam, không ngoại trừ khả năng ông Biden lựa chọn Việt Nam là điểm đến song sẽ có sự cân nhắc về thời điểm. Tuy nhiên, theo truyền thống từ trước đến nay của Tổng thống Mỹ là người đảng Dân chủ, từ Bill Clinton cho đến Barack Obama, Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ đến Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ. Do đó, khả năng ông Biden chọn Việt Nam để đến thăm sau khi nhậm chức là khó xảy ra.
Tuy nhiên, khác với thời kỳ trước đây, giờ đây uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, Mỹ coi trọng, đánh giá cao Việt Nam. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Philippines và Thái Lan có nhiều vấn đề, bất ổn trong nước. Cho nên nếu đến Đông Nam Á, ông Biden có thể chọn Việt Nam là điểm đến và điều này có thể xảy ra trong nửa nhiệm kỳ đầu của ông.
– Theo ông đâu là khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ dưới thời ông Biden?
Quan hệ Việt – Mỹ hiện có một số vấn đề nổi lên, trong đó có việc Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nước này như thép, nhôm, nông sản (cá tra, cá ba sa)… Mỹ yêu cầu những mặt hàng này phải đảm bảo theo yêu cầu, tiêu chuẩn của Mỹ. Điều này đã xảy ra dưới thời chính quyền Trump và chính quyền Biden cũng vậy, bởi họ chịu sức ép từ nông dân Mỹ.
Bên cạnh đó, hiện nay, còn có nhiều người Việt bị xét xử, kết tội trên nước Mỹ. Chính quyền Mỹ muốn gửi, trả những người này về Việt Nam. Đây là vấn đề nóng mà trong chính quyền Trump, Mỹ và Việt Nam vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Do đó, chính quyền Biden sẽ phải tiếp tục di sản này trong quan hệ đối với Việt Nam.
Một vấn đề được đảng Dân chủ Mỹ hết sức coi trọng đó là dân chủ và nhân quyền. Trong cương lĩnh tranh cử, Joe Biden nhấn mạnh rằng nếu ông trở thành Tổng thống Mỹ, ông sẽ xây dựng một thế giới dân chủ, đối phó với thách thức của thế kỷ 21. Thậm chí Biden còn tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh dân chủ trên toàn thế giới. Chính vì vậy, vấn đề dân chủ, nhân quyền sẽ được chính quyền Biden hết sức quan tâm trong nhiệm kỳ của mình.
Tuy nhiên, trong Hạ viện Mỹ hiện nay, đặc biệt là phe Dân chủ, có những người chưa hiểu hết về Việt Nam, chưa hiểu được thành tựu về nhân quyền con người ở nước ta. Những nghị sĩ này chưa hiểu hết về Việt Nam song họ vẫn đưa những thông tin không chính xác về tình hình ở Việt Nam. Có thể chính quyền Biden có chủ trương, đường lối riêng song việc nghị sĩ Mỹ có quan điểm không tích cực về Việt Nam trong vấn đề này là điều khó tránh khỏi.
Một số nghị sĩ ở Mỹ cố tình lợi dụng chủ trương của chính đảng để gây sức ép về vấn đề dân chủ, nhân quyền đối Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc nhiều Hạ nghị sĩ chịu sức ép về đảng phái, sức ép từ cử tri và họ buộc phải có những tính toán để duy trì vị thế ở trong Hạ viện.
Vấn đề hỗ trợ tư pháp, tạo cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch có lẽ cũng sẽ là trở ngại trong quan hệ Mỹ – Việt dưới thời ông Biden. Các nhà đầu tư Mỹ mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho họ trong việc tham gia vào thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
– Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy quan hệ với Mỹ trong nhiệm kỳ ông Biden, thưa ông?
Việt Nam và Mỹ đã đạt được những thành tựu trong quan hệ song phương, hợp tác hai bên được tăng cường trong những năm gần đây với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Tuy nhiên, hai nước vẫn cần phải tiếp tục xây dựng niềm tin, cùng vượt qua những trở ngại và thách thức phía trước.
Điều quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ hiện nay là cần đặt sự ổn định lên hàng đầu. Sự ổn định của Việt Nam có vai trò rất lớn đến lợi ích của Mỹ trong khu vực. Vì thế, Mỹ luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với đường lối, chính sách phát triển của nước ta, đặc biệt là ủng hộ vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế.
Quan hệ hai nước trong thời gian tới cần tăng cường ngoại giao nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân sẽ giúp hai nước hiểu rõ về nhau, giúp cho các đảng phái chính trị ở Mỹ hiểu về Việt Nam. Đồng thời, giúp cho kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, việc hòa giải dân tộc đã đạt được nhiều tiến triển. Người Việt tại Mỹ hiện nay ủng hộ rất nhiều công cuộc xây dựng, phát triển của Việt Nam. Họ nắm, hiểu được chính sách, mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ hạn chế được những hình ảnh mà một bộ phận kể cả người Việt và người Mỹ chưa hiểu hết về Việt Nam.
Mỹ và Việt Nam cũng cần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương, nhất là 9 lĩnh vực mà hai bên đang trao đổi, trong đó, có các lĩnh vực như đào tạo, năng lượng…
Đối với Việt Nam, để tăng cường quan hệ với Mỹ, chúng ta cần phải xác định được các vấn đề ưu tiên. Trong đó, Việt Nam cần tiếp tục làm việc với Mỹ để Washington có sự chia sẻ với ta trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh để lại như giải quyết các vấn đề như di sản chất độc màu da cam, hậu quả chiến tranh.
Tiếp đó, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ vào đầu tư, kinh doanh, nhất là những tập đoàn lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ… Hiện nay, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa xứng tầm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, Mỹ đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam.
Không loại trừ khả năng Mỹ quay lại CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) dưới thời Biden. Do đó, Việt Nam cũng cần phải đổi mới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong thương mại, kể cả vấn đề công đoàn, lao động… để thúc đẩy quan hệ kinh tế với Mỹ lên mức cao hơn. Điều này cũng sẽ góp phần tạo hành trang cho nước ta trong việc tính tới xem xét, nghiên cứu khả năng ký kết thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Ngoài ra, Việt Nam cần hợp tác với Mỹ nhiều hơn trong vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông. Việc ổn định ở Biển Đông không chỉ có lợi cho Mỹ hay Việt Nam mà còn là lợi ích của cả khu vực. Do đó, nước ta nên tạo điều kiện, ủng hộ Mỹ trong các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông, đảm bảo cho hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á.