Birtwistle từng nghĩ Covid-19 không quá nguy hiểm. Đến khi mắc bệnh và mất nhiều thời gian để hồi phục, ông nhận ra mối đe dọa sự sống từ virus SARS-CoV-2.
Trong số 17 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng được xuất viện ngày 26/7 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM, có một người nước ngoài lớn tuổi.
Ông mặc chiếc áo thun đen, tóc hoa râm, hai tay còn hiện rõ vết kim tiêm, đưa tay làm biểu tượng “số 1” và luôn miệng nói lời cảm ơn các y bác sĩ.
Đó là ông Piers Birtwistle (63 tuổi, quốc tịch Anh), chuyên viên truyền thông của Hiệp hội Christina Noble Children’s Foundation tại Việt Nam. Hiện ông sống ở chung cư Fideco Riverview, phường Thảo Điền (TP Thủ Đức).
Đừng chủ quan
Từ đầu tháng 7, Birtwistle hạn chế đi lại, cùng người dân ở TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19.
Ngày 12/7, Birtwistle bỗng nhiên ho, sốt, đổ mồ hôi nhiều nên gọi điện tới một phòng khám gần nhà. Nơi này điều xe cấp cứu đến đưa ông đi xét nghiệm. Kết quả đúng như lo lắng của Birtwistle, ông dương tính với SARV-CoV-2.
Sau đó, vị chuyên gia người Anh được đưa đến cách ly tại một khách sạn trong 2 ngày. Những tưởng bệnh tình sớm ổn, nhưng không. Tình trạng ông Birtwistle chuyển nặng nhanh chóng, hôn mê và suy hô hấp.
Ngay lập tức, ông được đội ngũ y tế đưa đến điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM ở TP Thủ Đức.
“Cảm giác khi nghe tin mắc Covid-19 thật sự bất an. Tôi cũng không ngờ bệnh của mình chuyển biến xấu nhanh đến vậy”, Birtwistle chia sẻ.
Những ngày nằm viện, Birtwistle đã được các bác sĩ và y tá tại bệnh viện chăm sóc rất chu đáo. Ông không rành tiếng Việt và may mắn được một bác sĩ giỏi tiếng Anh hỗ trợ giao tiếp.
Căn bệnh khiến Birtwistle không ăn được cơm hay những suất ăn mà bệnh viện cung cấp. Các bác sĩ đã tìm chuối – món mà Birtwistle rất thích – cho ông. Lúc nằm viện, cơ thể Birtwistle rệu rã, không thể bắt chuyện với bất cứ bệnh nhân nào.
“Công việc của y bác sĩ cực nhọc vì phải mặc đồ bảo hộ nóng nực, ngột ngạt nhưng họ không nề hà. Đội ngũ y tế đã làm nhiều hơn trách nhiệm mà mình được giao. Tôi rất cảm kích các y bác sĩ đã giúp tôi hết bệnh”, ông Birtwistle nói với Zing.
Sau 12 ngày, nhà hoạt động xã hội người Anh đã vượt qua “cửa tử” khi xét nghiệm âm tính với nCoV và được trao giấy xuất viện trở về nhà.
Hiện hệ hô hấp của Birtwistle chưa phục hồi hẳn. Trong nhà vẫn có sẵn bình oxy phòng trường hợp cấp thiết. Mỗi khi muốn ngồi dậy hoặc đi lại, người đàn ông này cần vài phút để lấy lại nhịp thở bình thường.
Phần lớn thời gian Birtwistle nằm trên giường. Ông ngủ rất nhiều nhưng luôn cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Người đồng nghiệp cùng tòa nhà hàng ngày mua giúp thức ăn và đặt ngoài cửa cho Birtwistle. Vì sống một mình, ông phải nấu ăn và dọn dẹp trong khi cơ thể chưa khỏe hẳn.
Người đàn ông ở tuổi lục tuần nhưng dáng đi nhanh nhẹn, khuôn mặt trẻ so với tuổi, chơi quần vợt 2 tiếng mỗi tuần vốn luôn tự tin với sức khỏe của bản thân.
Song, chính lần bạo bệnh lần này đã khiến Birtwistle và nhiều bạn bè của ông nhận ra rằng từ trước tới nay họ đã chủ quan với Covid-19.
“Tôi hay chơi thể thao nên nghĩ sức khỏe của mình rất tốt. Tôi chủ quan và nghĩ Covid-19 cũng giống như cảm sốt thông thường. Trải qua rồi tôi mới nhận ra virus nCoV thực sự nguy hiểm, có thể cướp đi sự sống của bất cứ ai”, Birtwistle nói.
8 năm gắn bó với hoạt động xã hội ở Việt Nam
Birtwistle từng là một nhiếp ảnh gia thời chiến. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục bén duyên với máy ảnh trong lĩnh vực thời trang tại các nước châu Âu.
Năm 2013, Birtwistle được mời làm việc cho Hiệp hội Christina Noble Children’s Foundation (CNCF) tại Việt Nam. Hiệp hội CNCF được thành lập vào năm 1991, với sự hỗ trợ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tổ chức này hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận, giúp những trẻ em nghèo tại TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long vượt khó vươn lên.
Khi nhận được lời mời làm việc cho hiệp hội này, ông tạm biệt gia đình, bay sang Việt Nam và bắt đầu công việc mà từ trước tới nay chưa từng thử sức. Birtwistle phụ trách marketing và truyền thông, đảm nhận việc chụp hình, viết báo cáo rồi thuyết trình về tổ chức với các nhà đầu tư tiềm năng để kêu gọi tài trợ.
8 năm qua, công việc từ lạ lẫm rồi dần quen, ông tiếp xúc với vô số trẻ em Việt bất hạnh và giúp họ thay đổi số phận. Điều này khiến ông cảm thấy bản thân sống có ý nghĩa.
“Tôi sống một mình ở Việt Nam, một năm rưỡi mới về thăm gia đình một lần. Dịch bệnh khiến việc bay về Anh ngưng lại 2 năm nay. Chính những em bé Việt Nam giúp tôi vơi nỗi nhớ quê hương”, Birtwistle cho biết.
Birtwistle yêu mọi thứ ở Việt Nam và nhớ nhất hình ảnh những người dân lạc quan, hiếu khách. Người Việt thường giao tiếp với ông qua nụ cười vì không phải người nào cũng giỏi ngoại ngữ.
Ẩm thực ở TP.HCM cũng là điều làm ông ấn tượng. Birtwistle thường tới hai nhà hàng ven sông ở Thảo Điền để thưởng thức món ăn Tây và ăn các món Việt Nam tại một nhà hàng khác.
Khu Thảo Điền gắn bó với Birtwistle từ khi qua Việt Nam. Ông chọn nơi này để ở vì nhiều người nước ngoài sinh sống, có những dịch vụ đi kèm phù hợp với người ngoại quốc.
“Việt Nam là đất nước có nhiều cảnh đẹp. Tôi cùng bạn bè đi bộ xuyên rừng ở Sapa hay ngắm biển Phú Quốc. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh phong cảnh làng mạc, khu rừng, bãi biển trong những chuyến đi tuyệt vời, trước khi đại dịch ập đến”, ông Birtwistle chia sẻ.
Điều Birtwistle mong muốn nhất là dịch sớm qua đi, ông khỏe mạnh lại, tiếp tục làm việc và khám phá văn hóa Việt Nam.