Ông Dwyer là một trong các thành viên nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đi thực địa ở Trung Quốc. Với tư cách là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, ông Dwyer khẳng định sẽ còn nhiều nghiên cứu nữa cần được tiến hành để biết được nguồn gốc COVID-19.
Dwyer cho biết nhóm đã hoàn thành các chuyến thăm thực địa và đang chuẩn bị trình bày những phát hiện của mình một cách rõ ràng nhất có thể, trước khi thị thực 28 ngày của nhóm hết hạn vào cuối tuần tới.
Trong thời gian ở Trung Quốc, nhóm chuyên gia WHO đã đến chợ Hoa Nam tại Vũ Hán, nơi được xem là “địa điểm số 0” của đại dịch. Các chuyên gia cũng đến Viện Virus học Vũ Hán, nơi bị nghi ngờ đã phát tán virus SARS-CoV-2 ra ngoài môi trường.
Ông Dwyer khẳng định sẽ cần phải có thêm nhiều cuộc nghiên cứu nữa để xác định cách thức lây nhiễm từ động vật sang người, vì sao lại có những người bệnh không triệu chứng và kháng thể của họ đã xuất hiện như thế nào.
Cũng theo chuyên gia này, vấn đề hóc búa là không ai biết chính xác bệnh nhân số 0 là ai bởi có nhiều người đã mang mầm bệnh trong người nhưng không biểu hiệu triệu chứng.
“Trong ngắn hạn, đó chỉ là xem xét lại những gì chúng ta biết bây giờ và tập hợp tất cả dữ liệu đó lại với nhau cho một loạt dự án trong dài hạn. Có thể mất tới vài năm”, chuyên gia Dwyer nêu quan điểm.
Theo ông Dwyer, ngay cả một chuyên gia khác là Peter Daszak cũng cảm thấy khó khăn và phức tạp trong việc tìm hiểu nguồn gốc COVID-19. Ông Daszak chuyên nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm ở người lây từ động vật và thuộc nhóm chuyên gia WHO đi thực địa Trung Quốc.
Chuyến đi kéo dài chưa đầy 1 tuần đã bị kéo dài tới gần 1 tháng do nhóm chuyên gia phải cách ly bắt buộc 14 ngày khi tới Trung Quốc. Họ cũng không được tiếp xúc với báo giới nước ngoài và luôn bị lực lượng an ninh để mắt ở các nơi đến thăm.
Nguồn gốc của COVID-19 đã bị chính trị hóa sau những cáo buộc nói rằng Trung Quốc không minh bạch trong việc xử lý sớm ổ dịch. Đáp lại, Bắc Kinh thúc đẩy giả thuyết rằng virus có thể bắt nguồn từ nơi khác không phải Trung Quốc.