TTO – Chị T.T.T.Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM) chuyển hơn 91 triệu đồng từ Citibank đến NH Liên doanh Việt – Nga nhưng hơn một tháng qua khoản tiền này đã bị Citibank chặn lại với lý do Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga đang rơi vào tình trạng “bị cấm vận”.
Điều khách hàng bức xúc là Citibank chi nhánh TP.HCM không có bất kỳ thông báo nào trước đó mà vẫn cho khách hàng chuyển tiền. Sau đó Citibank chi nhánh TP.HCM yêu cầu chị T.T.T.Hà phải khiếu nại với Văn phòng Kiểm soát tài chính Hoa Kỳ để giải quyết, trong khi lệnh chuyển tiền ở trong nước.
Gần 1 tháng mới biết giao dịch bị chặn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị T.T.T.Hà cho hay lúc 13h50 ngày 29-3, chị thực hiện lệnh chuyển tiền từ internet banking của Citibank đến tài khoản của mẹ chị tại Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga chi nhánh Nha Trang với số tiền là 91.303.000 đồng. Citibank đã trừ tài khoản nhưng mẹ chị vẫn không nhận được tiền.
Sốt ruột, từ ngày 29-3 đến ngày 4-4, chị đã gọi nhiều lần đến tổng đài của Citibank chi nhánh TP.HCM để hỏi lý do, sau đó nhân viên tổng đài đã trả lời rằng khoản tiền của chị đã bị Citibank chặn lại. Nhân viên tổng đài ghi nhận thông tin và cho biết sẽ chuyển lên bộ phận có trách nhiệm giải quyết.
Do gần một tuần trôi qua mà mẹ chị T.T.T.Hà vẫn chưa nhận được tiền, ngày 6-4 chị đã đến trực tiếp văn phòng Citibank chi nhánh TP.HCM tại tòa nhà Sunwah (quận 1) để yêu cầu được gặp người có trách nhiệm. Tại đây chị Hà được một người phụ trách bộ phận dịch vụ khách hàng Citibank tiếp và đề nghị chị điền mẫu đơn khiếu nại và qua gửi thư điện tử.
Chờ đến ngày 14-4 và thêm hai lần gửi thư điện tử cho người phụ trách này nhưng vẫn không nhận được câu trả lời, ngày 18-4 chị Hà một lần nữa trực tiếp đến văn phòng Citibank chi nhánh TP.HCM. Chị được một người khác tiếp và hứa sẽ gửi thư trả lời sau khi làm việc với các bộ phận liên quan.
Đến ngày 25-4, tức gần một tháng sau khi xảy ra sự việc, chị mới nhận được lá thư gửi qua đường bưu điện của ông Kim Seungho – giám đốc khối ngân hàng cá nhân của Citibank, chi nhánh TP.HCM. Trong thư cho biết giao dịch chuyển tiền của chị bị chặn/phong tỏa theo quy định cấm vận của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ (OFAC) đối với Nga.
Khách hàng không được cảnh báo trước
Citibank cũng yêu cầu chị T.T.T.Hà gửi đơn cho OFAC để yêu cầu OFAC hủy bỏ giao dịch bị chặn.
“Tôi rất bức xúc vì trước khi chuyển khoản tôi không nhận được bất kỳ thông báo/cảnh báo nào từ Citibank về việc cấm vận chuyển khoản đến Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga. Vì lý do này, tôi đã thực hiện lệnh chuyển khoản bình thường và Citibank vẫn cắt tiền của tôi một cách bình thường như những giao dịch khác.
Mặt khác, giao dịch của tôi là giao dịch chuyển tiền trong nước, không liên quan gì đến việc Mỹ cấm vận Nga, do vậy việc chặn giao dịch của tôi là vô lý. Tôi yêu cầu Citibank làm các thủ tục cần thiết để trả lại số tiền đang bị phong tỏa cho tôi”, chị T.T.T.Hà đề nghị.
Cũng theo chị Hà, mẫu đơn yêu cầu mà Citibank gửi và yêu cầu chị điền khá phức tạp vì có quá nhiều thông tin mà OFAC yêu cầu khách hàng phải chọn lựa và cung cấp chính xác theo thuật ngữ của OFAC.
Do vậy, chị đã đề nghị ngân hàng hỗ trợ chị điền thông tin, nhưng cho đến ngày hôm nay, 16-5-2022, chị vẫn không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ Citibank cho việc điền đơn này. Quá trình giải quyết cũng kéo dài và việc Citibank đẩy việc khiếu nại này sang cho phía OFAC, theo chị Hà, là không hợp lý.
Chị đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thẩm tra, xác minh sự việc và giải quyết theo đúng chính sách pháp luật, đúng quyền lợi hợp pháp.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với Citibank nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có câu trả lời chính thức từ Citibank.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Lệnh – phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM – cho biết chị T.T.T.Hà có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để khiếu nại về vụ việc này.
Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga là liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng VTB (trước là Ngân hàng Ngoại thương Nga Vneshtorgbank), chính thức khai trương và đi vào hoạt động vào ngày 19-11-2006.
Vốn điều lệ của Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga đã tăng từ 10 triệu USD khi mới thành lập lên 30 triệu USD năm 2007, 62,5 triệu USD năm 2008, 168,5 triệu USD (tương đương 3.000 tỉ đồng) vào đầu năm 2011, với tỉ lệ góp vốn ngang nhau giữa BIDV và VTB.
Hiện ngân hàng này có 6 chi nhánh ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, TP.HCM.