Cô giáo, học trò vượt suối đến trường trong túi ni lông

Không có cầu, không có xuồng, các cô giáo và học trò ở một huyện miền núi tỉnh Điện Biên phải vượt suối nước chảy xiết đến trường bằng một cách nguy hiểm thật dễ chết là nín thở ngồi trong bao ni lông rồi nhờ người kéo.

Vào mùa lũ, các cô giáo ở bản Sam Lang phải chui vào túi nilông và nhờ người biết bơi kéo qua suối. (Hình báo Tuổi Trẻ trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh)

“Các cô giáo chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao “đựng” cô giáo và kéo các cô bơi vượt qua suối.” Báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Hai 17/4/2014 kể câu chuyện vượt suối “kiếm con chữ” như vậy của học trò miền núi tỉnh Điện Biên mà có độc giả báo này bình luận “rơi nước mắt” hay “quá sức tưởng tượng.

 

Bài viết kèm theo cả video clip về cảnh vượt suối của các cô giáo lớp mẫu giáo ở bản Sam Lang, xã Nà Hỷ huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên vào mùa mưa lũ. Ký giả báo Tuổi Trẻ được cô giáo Tòng Thị Minh cho coi video clip mạo hiểm vượt qua suối nước chảy xiết bằng cách chui vào bao nilong, bịt kín.

“Trong chiếc điện thoại của cô giáo Tòng Thị Minh, đoạn clip quay cảnh các cô giáo đứng bên bờ suối, nước xiết cuồn cuộn. Rồi các cô chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao “đựng” cô giáo và kéo các cô – lúc này nằm im trong túi nilông ấy – để bơi vượt qua suối. Một tay túm miệng bao, một tay sải nước bất chấp con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết.” Báo Tuổi Trẻ kể. “Tất nhiên các cô giáo nằm im và nín thở khi nằm trong cái “phao túi bóng” ấy. Nói dại, nước thì xiết, cái túi nilông mỏng manh, nhỡ tuột tay hay các cô cựa quậy vì ngộp làm cái túi mỏng manh kia rách thì tính mạng các cô giáo sẽ thế nào giữa dòng suối ấy đây?”

Tờ Tuổi Trẻ kể tiếp: Thấy chúng tôi quá quan tâm tới đoạn phim quay cảnh vượt suối mùa lũ có một không hai này, cô Minh bảo: “Ôi chuyện bình thường mà, chúng em chỉ có cách đó qua suối thôi chứ chả cây cầu nào chịu được lũ rừng cả”.

Con suối cô Minh quay cảnh tượng “rùng rợn” kia là suối Nậm Pồ, đoạn giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang, trên trục đường từ trung tâm xã vào tận đường biên giới Việt – Lào. Cô Minh nói với nhà báo: “Hồi tháng 9-2013 em bắt đầu chuyển từ Nà Bủng về điểm trường này. Lần đầu gặp lũ không biết làm thế nào để đi qua thì thấy dân bản đều “vượt lũ” bằng cách này nên cũng liều mình làm theo”.

Nguồn tin trên kể, hôm đó cô Minh đi cùng với cô giáo Huệ, dạy ở Nậm Chua. “Cô Huệ nhìn thấy thế hơi hãi không dám qua, vậy là cô Minh đánh bạo chui vào bao và nhờ dân bản đưa qua suối. Qua tới bờ bên kia, cô Minh vừa gọi với sang động viên cô Huệ, trong clip còn có tiếng của cô Minh: “Chui vào đi, chui vào đi, chị to hơn em mà còn chui được vào cơ mà…”.

 

Cô giáo Tòng Thị Minh và học sinh của mình tại bản Sam Lang (Hình: Tuổi Trẻ)

 

“Vừa gọi cô vừa lấy chiếc điện thoại quay cảnh cô Huệ qua suối trong túi nilông làm kỷ niệm vì quá… ấn tượng. Nhìn cô Huệ vừa được đưa qua suối, chừng ngộp thở bởi bị nhốt kín trong bao, nét mặt thất thần.” Báo Tuổi Trẻ kể.

Những năm gần đây, nhiều ký sự, bài viết mô tả cảnh vượt sông của người dân và học trò các vùng núi miền trung, Tây nguyên, miền bắc phải đu dây hay thậm chí cởi quần áo đội trên đầu rồi bơi qua sông cho khỏi ướt và khỏi chết trong mùa lũ, dù là mùa đông giá buốt. Tưởng như vậy đã là nguy hiểm lắm rồi, không ngờ lại còn chuyện liều mạng qua suối trong bao ni lông bịt kín có thể có một không hai trên thế giới.

Ngày 24/2/2014, tin tức cho hay có 8 người thiệt mạng và 41 người bị thương khi một đám ma đi qua một chiếc cầu treo ở xã Sơn Bình huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu. Các cuộc điều tra đang ỳ ạch tiến hành mà người ta chưa cho biết lý do đích thực làm chiếc cầu xây dựng với tiền viện trợ của nước Đan Mạch tại sao lại sập. Hiện mới chỉ có các kết luận ban đầu là “đứt đột ngột phần ắc neo tăng đơ”.

Còn rất nhiều cầu treo tương tự như vậy tại Việt Nam mà nhà cầm quyền loan báo cho kiểm tra vấn đề an toàn trong khi nhiều nơi khác thì người dân gồm cả học sinh đi học cũng vẫn còn phải đu dây hoặc tệ hơn, phải vượt suối nước xiết trong bao nilong như ở Điện Biên. (TN)

Leave a Reply