Việc các công ty công nghệ như Uber, Airbnb, Lyft và Pinterest chuẩn bị lên sàn dẫn tới sự bùng nổ thế hệ triệu phú mới ở thung lũng Silicon khiến giá nhà đất tăng phi mã.
Tại thung lũng Silicon, một ngôi nhà đôi khi còn hơn cả một ngôi nhà.
Trong một biệt thự 6 phòng ngủ, 7 phòng tắm tại thị trấn Menlo Park, một vũ công flamenco đang nhảy trên nền nhạc được thể hiện bởi một nghệ sĩ guitar.
Bên ngoài sân, những chiếc pizza pesto được kéo ra từ lò nướng chuyên dụng. Nhân viên pha chế đang làm những cốc latte hấp dẫn trong nhà. Đồ chơi dành cho trẻ em đầy ắp các căn phòng. Trong khi đó, đoạn băng giới thiệu về các chi tiết của ngôi nhà được lưu trên chiếc máy tính bảng.
Đây là một phần trong “tour” giới thiệu căn nhà cho những người muốn mua. Khách đến coi nhà có thể mang chiếc máy tính bảng về để xem xét kỹ hơn, hoàn toàn không phải trả lại.
Nhạc công và vũ công biểu diễn nghệ thuật, một phần trong “tour” xem nhà dành cho những người siêu giàu muốn sở hữu bất động sản hạng sang ở San Francisco. Ảnh: DeLeon Realty. |
“Chúng tôi gửi video giới thiệu về căn nhà tới 5.000 khách hàng, bao gồm cả đoạn băng bằng tiếng Quan thoại”, ông Michael Repka, CEO của hãng bất động sản DeLeon Realty, cho biết. Ba ngày sau, ngôi nhà được bán với giá 6,82 triệu USD, cao hơn 332.000 USD so với giá chào bán ban đầu.
Khi những người mua nhà quá giàu
Những phi vụ như thế này sẽ diễn ra thường xuyên hơn ở San Francisco. Những công ty công nghệ thế hệ mới như Uber, Airbnb, Lyft và Pinterest chuẩn bị lên sàn, kéo theo sự xuất hiện của hàng nghìn triệu phú mới ở thung lũng Silicon. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu và nghèo khó ở khu vực đang ngày càng khó khăn trong việc kiếm chỗ ở.
Mặc dù không nằm trong top 10 thành phố đông dân nhất nước Mỹ, San Francisco đang thiếu hụt nhà đất nghiêm trọng. Không giống như Houston hay Chicago, những nơi có địa hình bằng phẳng, San Francisco có những hạn chế về mặt địa lý, khi bị bao quanh 3 phía bởi biển và núi ở phía còn lại, khiến thành phố không thể mở rộng. Trong khi đó chính quyền thành phố ban hành quy định cấm xây nhà cao quá 12 mét (6 tầng), khiến nguồn cung nhà đất bị hạn chế.
Những cuộc IPO trị giá hàng chục tỷ USD sẽ mang tới “sự tăng vọt số lượng người mua nhà tự tin bước vào thị trường”, bà Judy Citron, nhà tư vấn bất động sản hàng đầu khu vực, nhận định.
Ở khu Atherton cạnh đó, các cặp đôi và gia đình đang cùng nhau tham quan một biệt thự có giá 26,5 triệu USD. Nó bao gồm thang máy, nhà hát riêng, bể bơi, phòng massage, 6 phòng ngủ và 11 phòng tắm. Trong phòng tắm chính, một cặp đôi nhảy theo những điệu nhạc năm 1980, họ không đến đây để mua nhà, nhưng muốn có một trải nghiệm tuyệt vời.
Một nửa những tỷ phú công nghệ thế giới sống tại thung lũng Silicon, và theo Cary McClelland, tác giả cuốn sách Silicon City: San Francisco in the Long Shadow of the Valley, văn hóa mà họ tạo ra “có thể so sánh với thời kỳ cách mạng công nghiệp”. Những người như Zuckerberg hay Musk là Carnegie và Rockefeller của thời đại này. Và những lái xe của Lyft hay Uber cũng giống như những công nhân nhà máy thời kỳ trước, “làm việc cật lực từ sáng đến tối”, theo ông McClelland.
“Khu vực này có lẽ tập trung nhiều của cải nhất trong lịch sử loài người”, ông Lenny Siegel, cựu thị trưởng Mountain View nhận định. Ngôi nhà của ông được định giá 2,5 triệu USD, ông mua nó cách đây 40 năm với giá chỉ 112.000 USD.
Nhiều người sẽ hạnh phúc khi sở hữu ngôi nhà như của ông, nhưng Siegel thì không cảm thấy thế. Không còn chỗ ở phù hợp cho giáo viên, nhân viên y tế, lính cứu hỏa hay công nhân xây dựng, hầu hết họ sẽ phải lái xe hơn 2 tiếng và thậm chí phải ngủ trong xe để đến làm đúng giờ. “Mọi thứ không bền vững”, ông Siegel cho biết.
Không còn chỗ cho người nghèo
Bà Maria Marroquin, giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Trung tâm Người lao động Ban ngày ở Mountain View, cho biết việc thuê một tấm đệm bên trong xe van làm chỗ ngủ có giá từ 500-900 USD một tháng. Những người làm vườn, lau dọn, trông trẻ hoặc những người làm công việc tương tự sẽ phải chen chúc trong căn nhà nhỏ, đôi khi lên tới 12 người cho một căn 2 phòng ngủ.
Trong khi đó tại khu đông Palo Alto, nơi từng là cộng đồng có thu nhập thấp với nhiều người da màu sinh sống, giá nhà trung bình đã lên tới 953.000 USD. Trường học của khu vực cho biết hơn nửa số học sinh của họ là người vô gia cư, và một số giáo viên phải lái xe hơn 4 giờ mỗi ngày để đi làm vì không thể tìm được chỗ ở giá phù hợp gần nơi làm việc.
Nhiều gia đình thu nhập thấp ở Palo Alto phải sống trong những chiếc xe RV vì họ không thể tìm được chỗ ở. San Francisco là một trong những thành phố có giá bất động sản đắt nhất thế giới. Ảnh: New York Times. |
Cơn lốc IPO mới sẽ không chỉ mang tới khách hàng cho những căn biệt thự hạng sang. Nhiều tỷ phủ công nghệ chọn những ngôi nhà bình thường ở Menlo Park hoặc Palo Alto, nơi có vỉa hè để người dân đi bộ tới trung tâm thị trấn và trẻ em có thể đạp xe tới trường.
Brian Acton, đồng sáng lập WhatsApp, người có tài sản trị giá 3,6 tỷ USD, sống trong căn nhà nhìn bên ngoài giống như của tầng lấp trung lưu. Căn nhà của đồng sáng lập Yahoo David Filo không khác nhiều so với căn nhà của một giáo sư văn học.
Những chiếc xe an ninh là một phần của cảnh quan nơi đây. Trên những cây cam trước cửa nhà của Laurene Powell Jobs (vợ Steve Jobs), camera an ninh được đặt trên cành. Với số tiền mình có, các tỷ phú thung lũng Silicon thường mua một loạt những căn nhà liền kề cho thành viên gia đình hoặc nhân viên. Họ cũng dùng chúng để lưu giữ những bộ sưu tập nghệ thuật hoặc tổ chức các sự kiện chính trị và từ thiện.
Ông Michael Repka tiết lộ các nhân viên của Mark Zuckerberg gõ cửa hàng xóm và đề nghị mua lại căn nhà của họ với giá “cao hơn rất nhiều giá thị trường của chúng, thậm chí là gấp đôi”. CEO của công ty bất động sản DeLeon nhận định ông chủ Facebook làm vậy để đảm bảo sự riêng tư cho gia đình.
Trong khi đó những người khác thì lại không như vậy, khi cựu CEO Yahoo Marissa Mayer mở một bữa tiệc tại tư gia ở Palo Alto cho hàng trăm khách, sẽ có một đoàn dài xe tải chở theo thực phẩm, nhân viên phục vụ, trang trí và người trông xe. Cứ đến bữa tiệc giáng sinh hàng năm của bà Mayer, một chiếc máy phát điện lớn bằng chiếc container được sử dụng để giữ lạnh cho sân trượt băng trong nhà.
Ông Victor Ojakian, cựu thị trưởng Palo Alto, sống ở phía đối diện cho rằng hành vi của bà Mayer là “kỳ cục” và nhận định: “Nó được làm theo cái cách thể hiện rằng ‘tôi muốn làm gì cũng được'”.
Gần đây, trước khi có thông tin về đợt IPO mới, hàng nghìn người dân San Francisco đã rời khỏi thành phố để đến sống ở một khu vực ít đắt đỏ hơn như Sacramento. Đối với phần lớn lực lượng lao động, có được “căn nhà dành cho một gia đình dường như là điều không thể”, theo chuyên gia quy hoạch đô thị Peter Calthorpe, người lớn lên ở Palo Alto.