Nhưng nhiều nhà lãnh đạo trong các lãnh vực chính trị, kinh doanh, và các tổ chức phi lợi nhuận đều không hiểu được mức độ đa dạng và phức tạp của cộng đồng gốc Á Châu này. Một bản phúc trình do đại học University of California, Irvine, và nhóm vận động Asian American Advancing Justice (Người Mỹ gốc Á Châu Thăng Tiến Công Lý) cho biết vào cuối tháng Giêng vừa qua.
Bản phúc trình “Một Quận Cam Đang Thay Đổi” (Transforming Orange County) bao gồm các cuộc phỏng vấn với 20 nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu, người bản xứ Hawaii, và người Hải Đảo Thái Bình Dương, trên toàn Quận Cam, và nhấn mạnh đến những rào cản mà các nhánh nhỏ Á Châu khác gặp phải, trong các vấn đề như nhà ở, chăm sóc y tế và giáo dục.
Trong số 600,000 người Mỹ gốc Á Châu ở Quận Cam, người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Hàn là hai nhánh sắc dân lớn thứ nhất và thứ nhì. Người Mỹ gốc Việt tập trung ở Garden Grove và Westminster, còn người Mỹ gốc Hàn cư ngụ đông đảo ở những thành phố như Buena Park và Fullerton. Theo số liệu của Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ năm 2010, có hơn 200,000 người gốc Việt Nam ở Quận Cam và 94,000 người gốc Đại Hàn.
Những nhóm dân số lớn khác sống ở Quận Cam, nhưng không xuất hiện rõ nét vì họ không tập trung ở một nơi. Chẳng hạn như gần 89,000 người Mỹ gốc Phi Luật Tân tạo thành một nhánh những người gốc Á Châu lớn đứng hạng thứ ba ở Quận Cam.
Và trong bất kỳ một nhóm sắc dân nào, có những điểm khác biệt giữa các thế hệ và về mặt di cư. Nhóm người Mỹ gốc Trung Hoa ở Quận Cam bao gồm từ những người nhập cư mới đây cho tới những người mà gia đình họ đã di cư cách đây năm thế hệ. Theo bản phúc trình, họ có thể đến từ Trung Hoa lục địa, Đài Loan, Hồng Kông, hoặc di cư từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Cam Bốt, Mã Lai, và Singapore.
Theo bản phúc trình cho biết, nhiều nhóm, như những người bản xứ Hawaii và Các Đảo Thái Bình Dương (NHPI), không được công nhận trong số liệu thống kê nhân số thường gộp chung họ lại thành một nhóm “khác” rộng lớn hơn. Mặc dù họ chiếm chưa tới một phần trăm trong tổng số cư dân Quận Cam, những vùng này có số cư dân NHPI đông thứ năm ở California.
Số lượng của các sắc dân gốc Á Châu, và những điểm dị biệt về văn hóa, chính trị, và ngôn ngữ đi kèm với mỗi nhóm, thường là một thách thức đối với những nhà lãnh đạo tìm cách tổ chức cộng đồng của họ hoặc cung cấp các dịch vụ, từ việc chăm sóc y tế cho tới các thông dịch viên cho các cuộc bầu cử.
Bản phúc trình đề nghị nên có thêm các tổ chức thu thập những dữ liệu từ nhiều nguồn về người Mỹ gốc Á Châu, hơn là gộp chung những nhóm nhỏ thành những nhóm lớn hơn.
Chăm sóc y tế là một mối quan tâm đặc biệt. Mặc dù nhiều người Mỹ gốc Á Châu theo ngành y khoa, những đối với các nhóm nhỏ hơn, thì việc tìm được một chuyên gia y tế, hoặc một thông dịch viên có giấy chứng nhận nói cùng ngôn ngữ của họ, có thể là điều khó khăn.
Các nhóm như người Việt Nam, người Cam Bốt, và người Lào, cũng gặp phải những mức tỷ lệ cao hơn của bệnh tâm thần, do chấn thương từ chiến tranh và do việc di cư với tư cách là người tị nạn.
Tại Quận Cam hiện thời, chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ y tế và phụ tá bác sĩ biết nói tiếng Khmer, và không có nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mào nói tiếng Khmer cho 7,471 người Mỹ gốc Cam Bốt.
Có 12 phần trăm trong tổng số người Mỹ gốc Á Châu ở Quận Cam sống trong cảnh nghèo túng, thấp hơn mức 13 phần trăm cho dân số nói chung, và một số nhóm sắc dân gặp phải những mức tỷ lệ nghèo khổ cao hơn. Hai mươi phần trăm người Mỹ gốc Thái Lan, 16 phần trăm người Mỹ gốc Việt, và 15 phần trăm người bản xứ Hawaii và người gốc Các Đảo Thái Bình Dương, đang sống dưới mức nghèo túng.
Bản phúc trình cũng ghi nhận rằng người Mỹ gốc Á Châu là một lực lượng đang tăng trong chính trị địa phương, thế nhưng người Mỹ gốc Á châu chỉ chiếm 14 phần trăm trong tổng số cử tri của Quận Cam, mặc dù lẽ ra có thể chiếm 20 phần trăm.
Việc tiếp xúc với các cử tri thường có xu hướng tập trung vào các nhóm sắc dân đông hơn, chẳng hạn như người Mỹ gốc Việt, gốc Hàn và gốc Hoa, phớt lờ các nhóm nhỏ hơn trong đó có những mức tỷ lệ cao hơn về khả năng giới hạn tiếng Anh.
Người Mỹ gốc Á Châu, người Bản Xứ Hawaii và người gốc Các Đảo Thái Bình Dương, cũng có khuynh hướng không tự xác định một mạnh mẽ rằng họ thiên về đảng nào trong hai đảng chính trị lớn, với 35 phần trăm ghi danh là Cộng Hòa, 27 phần trăm Dân Chủ, và 34 phần trăm Độc Lập.
Bản phúc trình đó kêu gọi các đảng chính trị và các nhóm giáo dục cử tri khác hãy thực hiện việc tiếp xúc bằng nhiều ngôn ngữ, và nhắm mục tiêu vào thêm các cử tri không thuộc đảng phái, vì nhiều người Mỹ gốc Á Châu không liên quan tới một đảng nào cả.