BRISBANE – Một cuộc biểu tình đã diễn ra vào sáng Chủ Nhật theo giờ tại Úc Châu. Nhiều người trong cộng đồng người tỵ nạn Việt Nam sống tại tiểu bang Queensland đã tụ tập đến trước một nhà hàng mới mở ở thành phố Brisbane.
Tiệm này do người Úc làm chủ và quản trị. Điều đáng nói là tiệm đã lấy tên của một lãnh tụ cộng sản biểu tượng cho sự tàn sát đồng bào ruột thịt và độc tài đối với hàng triệu nạn nhân Việt Nam
Quán ăn có bán bia rượu và thức ăn tên là Uncle Ho đã khai trương trong tháng Ba vừa qua tại New Farm. Theo lời của bác sĩ Bùi Trọng Cường với giới truyền thông Úc hôm thứ Bảy, có tới 200 người dự biểu tình ngay bên ngoài quán Uncle Ho sáng Chủ Nhật, 10 tháng Tư, 2016. Ông Cường là chủ tịch của cộng đồng người Việt tại Queensland. Ông cho biết cộng đồng người Việt sẽ biểu tình và thực hiện những hình thức phản đối cho đến khi tiệm ăn phải đổi tên.
Biểu tình bên ngoài quán Uncle Ho sáng Chủ Nhật 10 tháng 4, 2016. (ABC News)
Bên trong quán Uncle Ho, nơi quảng cáo bán bia hơi và các món thuần túy Việt Nam tại Brisbane. (Hình Brisbane Must Do. com)
Không chỉ lấy tên của lãnh tụ cộng sản Việt Nam, quán Uncle Ho còn trang trí trong tiệm một số hình ảnh có ý khôi hài, chẳng hạn như hình Uncle Ho uống bia hơi và hình một đoàn quân với chiến xa và phi cơ rủ nhau “bay” vào tiệm để ăn uống.
Chủ nhân của tiệm là bà Anna Demirbek, một người từ Thụy Điển và dọn đến Úc khoảng chín năm trước đây. Bà nói với báo chí địa phương rằng bà từng sống một thời gian ở Singapore, đã đến nhiều nơi ở Đông Nam Á và rất yêu thích những nơi ấy. Đầu bếp của tiệm là một người Việt Nam tên là Ngô Tuấn.
Tuy sáng kiến mở nhà hàng lấy lên lãnh tụ cộng sản và bán bia hơi Việt Nam thu hút một số khách địa phương thích tìm món lạ, đối với những người Việt tỵ nạn trong vùng từng phải bỏ nước ra đi hay có người thân chết vì cộng sản, thì Uncle Ho là một biểu tượng cho sự tàn ác không kém lãnh tụ Hitler của Đức Quốc Xã, hay dã man như nhân vật khủng bố Osama Bin Laden của Al-Qaeda.
Bác sĩ Bùi Trọng Cường đã nói với nhật báo The Sunday Mail tại Brisbane, “Người cộng sản gọi ông ta là Uncle Ho. Ông ta là một tên tàn sát tập thể, một kẻ độc tài.”
Ông nói tiếp, “Một số người có thể ủng hộ cộng sản, thế nhưng đối với người Việt Nam ở đây, những người đã phải bỏ chạy vì cộng sản, chúng tôi không muốn thấy bất cứ thứ gì liên quan đến cộng sản.” Sau năm 1975, khoảng 2 triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương, cả trăm ngàn người đã chết mất tích trên biển cả trên đường vượt biển từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980.
Bác sĩ Cường cho biết ông bày tỏ sự quan tâm của cộng đồng người Việt với bà Anna Demirbek, thế nhưng bà không muốn đổi tên nhà hàng vì lý do làm như vậy quá tốn kém. Bác sĩ nói với nhật báo, “Tôi không có điều gì chống bà áy, nhưng tôi chống cái tên Uncle Ho vì tên đó gợi nhắc những kỷ niệm buồn, những cơn ác mộng cho những người đã mất hết gia đình.”
Bà Anna Demirbek đã tránh trả lời câu hỏi của nhật báo. Ông Cường nói rằng nếu tiệm không đổi tên sau cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật thì cộng đồng người Việt sẽ biểu tình cho đến khi nào có sự thay đổi thì mới thôi.
Trên mạng xã hội, một số người đã bắt đầu chiến dịch kêu gọi tẩy chay tiệm Uncle Ho ở thành phố Brisbane, Úc. Trên một đài truyền hình địa phương, nhiều người đã bày tỏ ý kiến chống nhà hàng Uncle Ho. Một người Úc tên là Michelle Rattray nhắc đến sự việc 520 quân nhân Úc đã hy sinh mạng sống trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam chống cộng sản miền Bắc. Một phụ nữ gốc Việt tên là Kristina Vũ nói là việc đặt tên tiệm như vậy là không tôn trọng những nạn nhân đã chết vì cuộc chiến Việt Nam.