Theo bản tin hãng thông tấn UPI, số tiền phạt này là một phần trong thỏa thuận có từ năm 2012 với Bộ Tư Pháp, cũng như theo lệnh của cơ quan Federal Trade Commission (FTC), cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng.
Vào năm 2012, công ty MoneyGram bị Bộ Tư Pháp cáo buộc là không tuân hành một thỏa thuận có trước đó, buộc công ty này có trụ sở chính đặt tại Dallas, Texas, phải có các biện pháp chống gian lận và chống rửa tiền.
Thỏa thuận ký năm 2012 cũng đòi hỏi công ty chuyển tiền quốc tế này phải có người trách nhiệm theo dõi việc tuân hành này và thường xuyên báo cáo cho Bộ Tư Pháp trong thời gian năm năm sau đó.
MoneyGram phải ký thỏa thuận này vì đã vi phạm lệnh của FTC đưa ra từ năm 2009.
Lệnh của FTC đòi MoneyGram phải kịp thời mở cuộc điều tra ở các chi nhánh bị từ hai báo cáo gian lận trở lên, trong thời gian 30 ngày. Công ty cũng phải nhanh chóng điều tra nếu nhận báo cáo gian lận liên quan tới số tiền trị giá ít nhất 5% hay cao hơn, trên tổng số tiền mà chi nhánh đó chuyển gửi trong tháng.
Công ty cũng phải đóng cửa những nơi bị tố cáo là “hỗ trợ” sự lường gạt tài chánh khi chuyển tiền.
Từ năm 2004 đến 2009, công ty MoneyGram đã nhận tiền lệ phí và những món tiền khác có được từ các cuộc giao dịch của các chi nhánh mà họ biết là có liên hệ tới các nhóm lừa gạt tiền bạc quốc tế.
Các kế hoạch lừa gạt này nhắm vào người cao niên hay những nhóm người nhẹ dạ khác, bằng cách giả là thân nhân cần tiền, và nói rằng nếu gửi qua MoneyGram thì sẽ được giảm chi phí hay có thể còn được thưởng tiền.
Công ty MoneyGram, ngoài việc trả số tiền phạt, còn phải thi hành quy định là đòi những ai gửi hoặc nhận tiền, cho dù ở quốc gia nào, cũng phải xuất trình thẻ nhận diện. (V.Giang)