Julian Assange – Nhà sáng lập WikiLeaks – vào hôm thứ tư xác nhận, ông từ chối yêu cầu hỗ trợ từ lãnh đạo công ty dữ liệu làm việc cho ban vận động tranh cử của ông Trump vào năm ngoái.
Trên Twitter, Assange cho hay, Alexander Nix – Tổng Giám đốc Cambridge Analytica, công ty làm việc cho ban vận động tranh cử của ông Trump vào những tháng cuối cùng trong mùa tranh cử – đã tiếp xúc ông ta. Ông Assange không tiết lộ ông Nix muốn WikiLeaks giúp gì, chỉ khẳng định đã từ chối lời yêu cầu. “Tôi có thể xác nhận, Cambridge Analytia có tiếp xúc,” ông Assange đăng trên Twitter, “và có thể xác nhận WikiLeaks đã từ chối.”
Tuy nhiên, theo tường trình được Daily Beast đăng vào hôm nay, ông Nix đã gởi email cho ông Assange, yêu cầu được chia sẻ bản sao của hơn 30.000 email bị xoá trong máy chủ cá nhân của bà Hillary Clinton trước đây chưa từng được công bố. Bà Hillary tuyên bố, những email này đều mang tính cá nhân riêng tư.
Cambridge Analytica hiện giữ im lặng trước bản tin này.
Chưa rõ thời gian hai bên trao đổi email, nhưng theo CNN tường trình thì email trao đổi diễn ra vào mùa hè năm 2016. Cambridge Analytica ban đầu làm việc cho ban vận động tranh cử của Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hoà-Texas) cho đến đầu tháng 6 năm ngoái, theo hồ sơ Uỷ ban Bầu cử Liên bang. Nhưng không lâu sau đó, Cambridge Analytica từ tháng 6 bắt đầu hợp tác với ban vận động tranh cử của ông Trump. Ông chủ của công ty này là tỉ phú bảo thủ Robert Mercer, người yểm trợ ông Cruz trong vòng sơ bộ nhưng sau đó chuyển sang làm đồng minh với ông Trump.
Hiện cũng chưa rõ, tại sao ông Nix lại tin rằng WikiLeaks có bản sao của những email này. Hồi đầu năm ngoái, WikiLeaks đăng một cơ sở dữ liệu tìm kiếm gồm hơn 50.000 email của bà Hillary, những email từng được Bộ Ngoại giao công bố. Nhưng bản thân ông Trump dường như rất phấn khích muốn tìm ra những email bị xoá. Trong một buổi vận động tranh cử hồi tháng 7 năm ngoái, ông Trump công khai kêu goi Nga nên tìm kiếm những email này. “Nga, nếu quý vị đang lắng nghe, tôi hy vọng quý vị có thể tìm được 30.000 email bị xoá,” ông Trump nói.
Trao đổi của ông Nix có thể cho thấy mối liên quan chặt chẽ hơn giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với WikiLeaks, trang mạng công bố hàng ngàn email bị trộm từ các viên chức đảng Dân chủ. Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin rằng tin tặc Nga ban đầu đã trộm những tài liệu này. Một cố vấn chính trị của ông Trump là Roger Stone đã tiết lộ có liên lạc với ông Assange qua những người trung gian. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Stone thường xem những email của các viên chức Dân chủ được đăng trên WikiLeaks.
Cambridge Analytica bị chỉ trích từ cả bên trong và ngoài đảng Cộng hoà, vì họ tuyên bố có thể phân loại cử tri theo tâm lý, và phóng đại vai trò bản thân trong chiến thắng của ông Trump.
Các cựu viên chức vận động tranh cử của ông Trump vào năm ngoái từng công khai hay bí mật cho rằng, vai trò của Cambrige Analytica cũng giống như một số nhà thầu dữ liệu và phân tích khác. Trong khi Uỷ ban Quốc gia Cộng hoà (RNC) cung cấp dữ liệu cử tri cốt lõi cho chiến dịch tranh cử, thì Cambridge cung cấp nhân sự và giúp phát triển danh sách cử tri mục tiêu để quảng cáo hoặc vận động gây quỹ trên mạng trực tuyến, bên cạnh một số nhiệm vụ khác.
Trao đổi giữa ông Nix và ông Assange khiến Cambridge Analytic bị bị săm soi kỹ hơn. Công ty lâu nay đã cung cấp tài liệu cho các nhà điều tra quốc hội về vấn đề thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga.
Vào hôm thứ ba, ông Brad Parscale – cựu cố vấn vận động tranh cử của ông Trump, người giám sát các nhà thầu phân tích – đã ra điều trần trước Uỷ ban Tình báo Hạ viện. Vào hôm nay, ông Michael Glassner – Giám đốc điều hành Uỷ ban tái tranh cử của ông Trump – đã đưa ra tuyên bố rõ ràng không đả động đến Cambridge Analytica, với mục đích giữ khoảng cách giữa Tổng thống với công ty này.
Hương Giang (Theo New York Times)