TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Điều dưỡng phát hiện một cụ bà 81 tuổi từ Úc về, đang cách ly tập trung tại Trường Quân Sự tỉnh Tiền Giang, không có ở trong phòng nên đi tìm thì thấy bà đã chết trên sàn nhà vệ sinh.
Khu cách ly tập trung Trường Quân Sự tỉnh Tiền Giang, nơi tiếp nhận 239 công dân Việt Nam từ Úc về cách ly tối 22 Tháng Ba. (Hình: H.T/Tuổi Trẻ)
Chiều 28 Tháng Ba, Công An huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cho biết đang điều tra nguyên nhân chết của cụ bà Triệu Ánh T. (81 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) khi đang cách ly tập trung tại Trường Quân Sự tỉnh Tiền Giang.
Theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 11 giờ khuya 22 Tháng Ba, khu cách ly tập trung trên có tiếp nhận cách ly 239 công dân Việt Nam từ Úc về để phòng chống dịch COVID-19, trong đó có bà T. “có tiền sử bệnh tăng huyết áp và hen phế quản đang uống thuốc hằng ngày.”
Đến khoảng 8 giờ tối 26 Tháng Ba, bà T. có than “ăn uống kém, mất ngủ, đau ngực, mệt,” nhưng vẫn sinh hoạt và đi lại bình thường, bác sĩ trực có khám ghi nhận huyết áp 14/9 cmHg và phát thuốc điều trị.
Khoảng 9 giờ sáng 27 Tháng Ba, tổ y tế khi đến đo nhiệt độ thì bà T. “than mệt, khó thở,” điều dưỡng báo cáo cho bác sĩ trưởng ca trực cùng ngày vào khám, sau đó cho bệnh nhân thở oxy và uống thuốc và xin hỗ trợ hội chẩn.
Đến 10 giờ sáng cùng ngày, bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm Tiền Giang cử hai bác sĩ chuyên khoa Tim Mạch và chuyên khoa Nội Tổng Quát đến khám và hội chẩn, cho thấy bà T. “có vấn đề về hô hấp, tim mạch” nên quyết định chuyển bà T. về bệnh viện điều trị.
Thời gian chuẩn bị hồ sơ, điều dưỡng phát hiện bà T. không có ở phòng cách ly nên đi tìm và phát hiện bà đã chết trên sàn nhà vệ sinh.
Sau đó, bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm Tiền Giang xác định bà T. đã chết với chẩn đoán ban đầu “do nhồi máu cơ tim cấp, tăng huyết áp, tiền căn hen phế quản.”
Lúc 12 giờ cùng ngày, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp với giới hữu trách “thống nhất lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Sài Gòn” và rồi nơi này cho kết quả xét nghiệm “Âm tính với virus COVID-19.”
Kết quả chẩn đoán sơ bộ sau khi mổ tử thi là do “suy hô hấp, phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi kèm bệnh lý cơ tim (chờ kết quả vi thể – độc chất).” Gia đình bà T. đồng ý cho hỏa táng để mang tro cốt về quê.
Liên quan đến người tử vong vì dịch bệnh, theo chiều 28 Tháng Ba, mạng xã hội ở Việt Nam đang lan truyền thông tin cho rằng đã có một bệnh nhân COVID-19 ở Sài Gòn bị chết.
Ngay lập tức, Bộ Y Tế CSVN phản bác khẳng định “cho đến 2 giờ 30 chiều ngày 28 Tháng Ba, tại 20 cơ sở y tế đang điều trị các ca bệnh COVID-19, không ghi nhận trường hợp nào tử vong.”
Cùng lúc, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y Tế ở Sài Gòn, khẳng định “sai sự thật” tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Bỉnh, Sài Gòn hiện đang điều trị 42 ca, trong đó có 41 người Bộ Y Tế đã công bố, một trường hợp phát hiện sáng 28 Tháng Ba. “Hiện tại sức khỏe của tất cả các bệnh nhân đều ổn định, không cần thở máy. Không có người chết như mạng xã hội lan truyền,” ông Bỉnh cho biết.
Ông Bỉnh cho biết thêm Sài Gòn “đang kiểm soát tốt tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không có việc lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.”
Trong khi đó, Sở Thông Tin Truyền Thông thành phố, đang phối hợp với các cơ quan liên quan để “làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân đưa tin thất thiệt.” (Tr.N)