“Tôi đọc báo thấy nhà ở ngay Little Saigon 3 phòng ngủ 2 phòng tắm cho thuê với giá $1,650. Tôi đến coi, đặt cọc tiền, hẹn một tháng sau sẽ dọn đến.
Ngay trước ngày chúng tôi dọn vào thì người cho thuê nhà bảo sẽ trả tiền lại vì nhà chưa sửa xong, không vô ở được. Nhưng sau đó thì người này cứ hẹn lần lữa, và rồi đến lúc không nghe điện thoại luôn.”
Câu chuyện của cô An Phan kể tại tòa soạn nhật báo Người Việt tương tự như chuyện của Kayley Vũ, của Michelle Huỳnh và một số người nữa gặp phải trong thời gian qua khi đến thuê cùng một căn nhà trên đường Van Buren thuộc Midway City.
Riêng gia đình bà Melinda hiện đang ở thuê trong căn nhà trên thì cho rằng gần 6 tháng qua đã có khoảng 50 gia đình tìm đến đó và kể rằng họ cũng bị tình trạng tương tự.
Hợp đồng thuê nhà ở block 14000 Van Buren St, Midway City, CA 92655 với nhiều người (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Kịch bản: Lấy tiền cọc, hủy hợp đồng trước ngày dọn, từ chối trả lại tiền
Người đầu tiên tìm đến nhật báo Người Việt để trình bày câu chuyện là An Phan, một cô gái ngoài 20 tuổi, mới đến Mỹ được 2 năm rưỡi.
Như lời cô kể ở trên, khoảng giữa Tháng Mười Hai, 2014, cô đọc quảng cáo thấy “Khu yên tĩnh, nhà Westminster. Home, 3PN/2PT, sạch sẽ, remodel, không nhận housing. Dọn vô Jan. 2015. $1,650/month and deposit. L/L 714-000-0000.”
Gọi ngay số điện thoại liên lạc để hỏi thuê và An biết tên người cho thuê là Đoàn Trần.
Khi đến xem nhà, An nhận thấy “đó là căn nhà trống, nhưng trong phòng tắm không có vòi nước tắm, không có bồn rửa mặt, không có bồn cầu, không có gì hết. Người cho thuê thì ở căn nhà phía sau.”
Dù vậy, theo cô An kể, cô vẫn ký hợp đồng thuê nhà với giá là $1,600/tháng và ông Đoàn hứa sẽ sửa chữa mọi thứ trước khi gia đình An dọn vào ở.
Hợp đồng An Phan và Đoàn Trần ký là 18 Tháng Mười Hai, 2014, ngày dọn vào ở là 18 Tháng Giêng, 2015, tiền đặt cọc là $1,600.
“Đến lúc này tôi mới nhận ra là trên tờ hợp đồng chỉ ghi có $1,600 tiền đặt cọc, nhưng thực tế là tôi đưa ông ta đến $3,200, bao gồm đặt cọc $1,600 và tiền nhà tháng đầu tiên $1,600 nữa. Ông đã không ghi tiền nhà tháng đầu, mà tiền tôi đưa lại là tiền mặt chứ không phải chi phiếu,” cô nói, khi đến gặp nhật báo Người Việt lần thứ nhất vào ngày Thứ Hai, 19 Tháng Giêng, 2015.
Tuy nhiên, ngày 15 Tháng Giêng, tức ba ngày trước ngày cô An dọn vào ở theo hợp đồng thì ông Đoàn gọi đến báo “nhà sửa chưa xong, hẹn đến Thứ Tư, 21 Tháng Giêng mới dọn,” theo lời kể của cô.
“Do nhà chúng tôi đang ở đã thông báo trả nên tôi đề nghị với ông là chỗ nào sửa cứ sửa, còn lại thì chúng tôi ở tạm, quan trọng là có chỗ cho chúng tôi dọn đến. Ông đồng ý,” cô An kể.
“Thế nhưng,” cô tiếp tục, “đến tối Thứ Bảy, 17 Tháng Giêng, tức ngay trước hôm dọn nhà thì ông lại nhắn Thứ Hai đến lấy lại tiền vì nhà chưa xong.”
Chưng hửng trước điều này, sáng hôm sau, An cùng người nhà của cô tới căn nhà trên thì thấy đã có một gia đình người Mỹ đang ở trong đó, theo cô cho biết.
Đó là gia đình bà Melinda. “Họ cho biết họ dọn vào hôm Thứ Năm, 15 Tháng Giêng, nhưng cũng phải làm áp lực dữ lắm anh Đoàn mới cho họ vô,” cô An nói.
Cô cho biết, thế là cô đi ra căn nhà phía sau hỏi tên Đoàn Trần thì “những người ở nhà đó nói không có ai tên giống như vậy.”
Sau nhiều lần gọi điện thoại, cuối cùng cô nói chuyện được với ông, cùng lời hứa Thứ Hai sẽ trả lại số tiền đã đưa. Tuy nhiên, khi người nhà của An yêu cầu phải viết giấy cam kết trả tiền vào ngày Thứ Hai, thì ông Đoàn từ chối, vẫn theo cô kể.
Gia đình cô gọi báo cảnh sát. “Cảnh sát có tới nhưng họ cho rằng đây là chuyện riêng tự giải quyết, mặc dù họ cũng lấy report,” cô cho biết.
Đầu Tháng Ba, cô liên lạc với nhật báo Người Việt và cho biết, sau khi liên tục gọi điện thoại với bao nhiêu lần hẹn sẽ trả, cuối cùng, cô được ông Đoàn trả lại $600, và hứa phần tiền còn lại sẽ trả hết vào đầu Tháng Ba. Tuy nhiên, cô cho biết, đúng ngày hẹn, cô không gọi được cho ông theo số điện thoại đó nữa.
Tài liệu cho thấy các nạn nhân đưa tiền đặt cọc thuê nhà với “Doan Tran” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Nhật báo Người Việt có tìm đủ cách để liên lạc với người tên Đoàn Trần nhiều lần, nhưng không thành công.
Những nạn nhân tương tự
Gia đình cô Kayley Vũ cũng rơi vào kịch bản đưa tiền cọc, nhưng đến ngày nhận chìa khóa thì nhà “chưa sửa xong,” và người cho thuê biến mất, không liên lạc được.
“Ba tôi đọc báo thấy nhà cho mướn với giá $1,600 thì đến coi. Thực ra lúc đến xem thì nhà nhìn rất tệ, không điện, không nhà vệ sinh, không bồn tắm… nhưng chủ nói sẽ sửa sang lại. Vả lại, nhà ở khu này mà cho thuê giá đó là quá rẻ, nên ba tôi đặt cọc $1,000 vào ngày 8 Tháng Tháng Mười Một, 2014, hẹn ngày 1 Tháng Giêng, 2015 sẽ dọn vào,” cô Kayley nhớ lại chuyện đã xảy ra từ hơn nửa năm.
Người ký hợp đồng cho thuê nhà với gia đình cô Kayley cũng là người đàn ông tên Đoàn Trần và cũng là căn nhà được nhắc ở trên.
Cô Kayley cho biết thêm, “Lúc đó ông đòi phải đưa trước luôn tiền nhà tháng đầu, nhưng tôi nói chừng nào dọn vô ở thì mới đưa.”
Cô kể, “Đến ngày đầu Tháng Giêng, khi chúng tôi đến thì tất cả vẫn y như cũ, tức không điện, không nhà vệ sinh, không bồn tắm… nghĩa là không hề có một sự sửa sang gì hết, tất cả vẫn chưa có sẵn sàng để ở. Thế là tôi đòi tiền lại thì ông không xuất hiện nữa.”
Giống như trường hợp của An, cô Kayley cũng báo cảnh sát, và “cảnh sát cũng làm báo cáo, nhưng họ cũng không làm gì hơn,” cô Kayley cho biết.
Sau nhiều lần tới lui ngôi nhà đó để tìm ông Đoàn Trần đòi lại số tiền đã đặt cọc, cho đến lúc biết gia đình bà Melinda đã dọn vào ở, và qua bà Melinda, cô Kayley biết thêm có rất nhiều người khác cũng rơi vào trường hợp giống cô.
Cô Kayley liên lạc với luật sư với ý định kiện người đàn ông này ra tòa. “Nhưng mà không ai biết tên thật của ông là gì, lúc đặt cọc thì mình chỉ đưa tiền mặt rồi ký tên, đâu có coi thêm gì, nên có muốn thưa ra tòa cũng có biết tên thật đâu mà thưa,” cô Kayley chia sẻ.
Ngoài ra, theo cô Kayley, “hầu hết người thuê nhà này đều là Việt Nam, mà tâm lý người Việt cứ sợ chuyện lôi nhau ra tòa, nên ai cũng nghĩ cố gắng năn nỉ để xem ông có trả lại đồng nào hay đồng ấy.”
“Chuyện lằng nhằng bảy tháng rồi, nhà tôi quyết định bỏ, không thèm kiếm đòi nữa vì còn phải lo nhiều chuyện khác.” cô Kayley cho biết quyết định cuối cùng của cô là như vậy.
Với cô Michelle Huỳnh thì kịch bản có khác đi một chút.
Cô cũng đọc báo thấy quảng cáo “Cho mướn nhà 3 PN/2PT, $1,800/M and deposit, thành phố Westminster, gần trường học, chợ, phòng khách rộng, 2 xe garage. Không nhận housing, dọn vào 5/1/2015. L/L: 714-000-0000.”
Cô đến ký hợp đồng với ông Đoàn Trần để thuê căn nhà trên với giá $1,800 vào ngày 20 Tháng Ba, 2015 (trong khi gia đình bà Melinda đang ở đó) và hẹn dọn vào ngày 29 Tháng Tư, 2015. Dĩ nhiên, ông nói với cô Michelle rằng gia đình bà Melinda sẽ phải dọn đi nơi khác.
Thế nhưng.
Cô Michelle tiếp tục “rơi” vào “kịch bản” nêu trên, khi đến gõ cửa nhà và biết được đã có mấy mươi người khác cùng cảnh ngộ như thế.
(Số điện thoại ông Đoàn Trần đăng trên quảng cáo cả ba lần đều khác nhau. Vì sự riêng tư, nhật báo Người Việt không đưa số điện thoại này ra, mà chỉ ghi số “area code” 714 và bảy số 0.)
Người “may mắn” duy nhất
Chiều Thứ Năm, 4 Tháng Sáu, 2015, chúng tôi tìm đến căn nhà trên theo địa chỉ từ những bản hợp đồng thuê nhà mà các nạn nhân gửi đến tòa soạn.
Vừa nghe chúng tôi giới thiệu là phóng viên đến theo lời phản ánh của nhiều người bị lừa gạt, thì bà Melinda nói ngay, “Có cả trăm người đã đến đây rồi, tôi có ghi tên và chụp lại các bản hợp đồng của họ nữa.” Bà không có vẻ gì ngạc nhiên khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện này.
Bà kể, “Căn nhà này được ông thuê rồi ông ta đăng báo tiếng Việt và trên Craigslist cho cả trăm người khác mướn lại, và họ đưa tiền cọc cho ông.”
Bà Melinda theo quảng cáo trên Craigslist đến xem nhà và ký hợp đồng cũng như những người khác. Và căn nhà bà xem cũng là “một cái nhà dơ như bãi rác, không có cầu tiêu, không có vòi tắm, không có gì hết trong nhà tắm” và lời hứa sẽ sửa chữa trước khi khách dọn vào ở.
Ngày gia đình bà Melinda dọn đến là ngày 15 Tháng Giêng, 2015.
“Cùng ngày hôm đó có năm gia đình khác cũng dọn đến. Có nhiều gia đình thuê xe U-haul chở đồ đạc đến luôn,” bà kể.
Cũng là một căn nhà không hề có dấu hiệu có thể ở được khi chưa sửa chữa, như cô Kayley đã kể trên. Thế nhưng, “Làm sao những người khác không dọn vào được mà bà lại có thể lấy chìa khóa vô nhà?” Chúng tôi hỏi.
Bà Melinda cười bảo, “Chúng tôi dọn đến với một con chó rất lớn, chồng tôi cũng là một người đàn ông to lớn, con trai tôi cũng vậy. Chúng tôi nói nếu không đưa chìa khóa thì sẽ kêu người đến bẻ khóa vô nhà.”
“Có lẽ ông nhìn tôi cũng cảm thấy ái ngại nên nhượng bộ cho gia đình tôi vô,” anh John, con trai bà Melinda, góp chuyện.
Bà Melinda phải sửa chữa lại nhiều thứ trong nhà thì mới có thể ở được. Anh John cho biết thêm, “Từ lúc chúng tôi ở đến giờ, có khoảng 50 gia đình đã đến đây để nói về chuyện dọn vào và chuyện của họ giống nhau. Cứ khoảng một hoặc hai tuần lại có vài người đến hỏi.”
Bà Melinda nói là cảnh sát vẫn hay tới đây để làm báo cáo nhưng bà không biết tại sao họ không bắt ông.
Cũng theo người đang ở thuê trong căn nhà này thì chỉ ít lâu sau khi thuê, bà khám phá ra rang ông Đoàn Trần không phải là chủ nhà, mà cũng chỉ là một người thuê nhà mà thôi.
Bà tìm được chủ nhà thật sự, cũng là một người Việt Nam, và trả tiền thuê hằng tháng trực tiếp với người đó.
Thông tin từ chủ nhà thật sự
Khi nghe bà Melinda nhắc đến chủ nhà thật sự, chúng tôi xin số điện thoại liên lạc thì bà từ chối với lý do “người chủ thật sự không muốn liên can vào vụ này.”
Nhưng rất ngẫu nhiên, trong khi chúng tôi đang trò chuyện với bà Melinda thì có một cặp vợ chồng từ căn nhà phía sau bước ra và bà Melinda giới thiệu cho chúng tôi biết “đó là chủ nhà chính.”
Người phụ nữ giới thiệu tên của bà là Kim Hồ, và con gái bà là chủ căn nhà phía sau.
Theo lời bà Kim, bà cho người đàn ông “còn trẻ” mà bà “không biết gọi tên ông là gì vì tùm lum tên hết, trong đó có cả tên Đoàn Trần hay Anthony Trần, Antonie Đoàn” thuê nhà đã sáu năm nay.
“Người mướn nhà đó làm gì chúng tôi không biết, cho đến mới hôm đầu Tháng Sáu này có người đến để dọn vào thì không vô được, lúc đó chúng tôi mới phát hiện ra chuyện có những người đặt cọc tiền bị lừa và họ báo cảnh sát. Khi đó tôi cũng phối hợp với họ đến trình cảnh sát luôn,” bà Kim nói.
Theo hướng dẫn của cảnh sát, bà Kim lên tòa làm một tờ giấy đề nghị “Đoàn Trần” phải dọn ra khỏi nhà trong vòng ba ngày.
“Tôi có gặp mặt anh ta đâu, chỉ để giấy lại. Và hẹn ngày hôm nay, Thứ Năm, 4 Tháng Sáu, lấy nhà lại. Thì hôm nay đến thấy anh ta để chìa khóa lại và báo sẽ dọn đồ đạc trong vài ngày tới,” bà Kim cho biết.
Ý kiến của cảnh sát, giám sát viên
Hai người thuê nhà nêu trên có đưa cho nhật báo Người Việt hai danh thiếp của hai nhân viên cảnh sát thuộc Sở Cảnh Sát Orange County được báo chuyện này, vì Midway City không thuộc thành phố nào mà thuộc quận hạt quản trị về mặt hành chánh và an ninh.
Khi nhật báo Người Việt gọi đến hai cảnh sát viên này, M. Carrillo và G. Rollins, để cập nhật sự việc, cả hai đều nói: “Trong trường hợp này, chỉ có nạn nhân liên quan đến sự việc mới được quyền hỏi thông tin cập nhật.”
Khi được hỏi chuyện này, Giám Sát Viên Orange County Andrew Đỗ, đại diện Địa Hạt 1, có bao gồm Midway City, khuyên “những ai là nạn nhân nên đến báo với cảnh sát. Khi một người nói cảnh sát có thể không làm gì, hai người nói họ không làm gì, nhưng năm người, 10 người thì phải trở thành một chuyện lớn không thể bỏ qua được. Họ phải điều tra thôi.”
NV