Nội dung được đề cập trong công văn về việc mở lại dịch vụ ăn uống bán tại chỗ do Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng ký, chiều 27/10. Đến nay, các quán hàng ăn uống ở thành phố phải ngừng phục vụ tại chỗ đúng 5 tháng.
Theo đó, các quán được mở bán tại chỗ nếu đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 và đảm bảo điều kiện: đóng cửa trước 21h hàng ngày, công suất phục vụ tối đa 50% và không được bán đồ uống có cồn (trừ các nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng tại cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ khách du lịch).
Tuy vậy, căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch, thành phố cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm bán đồ uống có cồn đến ngày 15/11. Địa bàn cụ thể do người đứng đầu chính quyền hai địa phương quyết định.
Ngày 24/10, UBND TP HCM đã công bố cấp độ dịch ở 22 quận, huyện trên địa bàn. Theo đó, có 9 quận huyện đạt cấp 1 (bình thường mới); 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và Bình Tân là đơn vị duy nhất còn ở cấp 3 (nguy cơ cao).
Chính quyền thành phố đề nghị các sở ngành, địa phương căn cứ mức độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.
Theo Sở Công Thương TP HCM, thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng nghìn hộ kinh doanh ăn uống. Hình thức bán mang về và tại chỗ phải dừng nhiều tháng qua để phòng chống dịch khiến doanh thu của ngành ẩm thực giảm mạnh.
Thống kê cho thấy, doanh thu ăn uống ở thành phố 8 tháng qua đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Kinh doanh sụt giảm, hàng loạt doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, nhà hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng, thu hẹp kinh doanh.