Sinh non khi bào thai mới 7 tháng, cậu bé Khinh chỉ nặng vỏn vẹn 1,7kg. Bị cắt rốn bằng cật nứa, Khinh nhiễm trùng uốn ván và tưởng như đã chết sau 7 ngày chào đời.
Cậu bé Khinh sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn thuộc huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ).
Vào thời đó, những gia đình làm nông thường không đủ gạo ăn, phải độn thêm khoai, sắn và đôi lúc có thêm mì trợ cấp. Cũng bởi thế, những đứa trẻ được sinh ra thường thiếu tháng, còi cọc.
Ảnh chụp năm 1973, lúc cậu bé Khinh 7 tuổi, biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội phục vụ Quốc hội |
Mẹ Khinh, bà Nguyễn Thị Tuấn khi mang thai cậu đến tháng thứ 7 vẫn gầy gò, khẳng khiu, luôn chân luôn tay làm việc quần quật. Khinh là con thứ 5.
Khoảng 4h sáng ngày 23/9/1966, bà Tuấn chợt cảm thấy nhói bụng, khó chịu. Dò dẫm từng bước tìm chỗ vệ sinh, bà tiến đến cửa chuồng trâu và khuỵu luôn tại đó. Một tiếng khóc vọng lên, bà đã sinh non con trai ngay trước cửa chuồng.
Nghe tiếng trẻ con khóc dưới chân, bà Tuấn sợ hãi kêu cứu, may sao khi ấy một người hàng xóm sang xin lửa thổi cơm. Người hàng xóm vội gọi thêm người rồi nhanh tay bế lấy đứa trẻ, tuốt cật nứa trên nóc chuồng trâu cắt rốn rồi đem vào nhà tắm rửa.
Do bị sinh non, nặng vỏn vẹn 1,7kg, cộng thêm việc cắt rốn bằng cật nứa, cậu bé Khinh bị nhiễm trùng uốn ván. 3 ngày sau sinh, Khinh lên cơn sốt, quấy khóc ngằn ngặt. Cả nhà cho rằng con trai bị sài giật nên tìm cách chữa theo mẹo dân gian: người bố nhảy xuống ao nhổ hết cọc lên, nhưng cọc được nhổ hết, con vẫn chưa khỏi.
Đến ngày thứ 7 thì Khinh tắt thở. Các y tá gần nhà đến khám đều cho rằng cậu đã chết, mạch ngừng đập. Cả nhà đau lòng đem con đi chôn. Khi ấy, cụ Nguyễn Thị Tỵ, bà nội Khinh vẫn đang lặn lội từ Hải Phòng về.
Một chiếc huyệt nhỏ đào sâu 40cm xuống lòng đất, mẹ Khinh quấn con trong chiếc áo mưa cũ. Đất đang được lấp xuống thì bà nội Khinh xuất hiện. Xót đứa cháu nhỏ, bà Tỵ đòi bới đất xem mặt. Từng vốc đất vừa hất xuống được nhanh chóng gạt ra.
Kỳ diệu thay, khi lật lớp áo mưa, bà phát hiện miếng tã lót đặt trên mặt phập phồng nhè nhẹ.
Bà Tỵ vội day ngực sơ cứu, nắn chân tay rồi kêu cả nhà ngay lập tức đưa cháu đến bệnh viện Gồ (Sơn Tây) cách đó 18 cây số. Tại đây, Khinh được một bác sĩ người Đức tận tình cứu chữa, tiêm thuốc, truyền dinh dưỡng. Sau 3 tháng, cậu bé Khinh qua cơn nguy kịch, nhưng lại rơi vào tình trạng liệt cứng toàn thân.
Trở thành võ sư vinh danh thiên hạ
Khinh được các bác sĩ tại bệnh viện Gồ làm khai sinh với cái tên Ngọc Huỳnh. Dù đã thoát khỏi bàn tay thần chết, Huỳnh vẫn nằm liệt giường trong tư thế co quắp. Thương cháu, mỗi ngày bà nội đều vào trò chuyện, xoa nắn chân tay.
Nghe ở đâu có bài thuốc hay, thầy thuốc giỏi, bà đều tìm đến. Bà thường xuyên vào rừng Phú Mãn cách nhà 13 cây số hái lá cây thuốc Nam sắc cho cháu uống.
Không ai biết những lá thuốc ấy tên gì, nhưng ròng rã suốt hơn 4 năm trời, bà vui mừng thấy chân tay cháu có dấu hiệu mềm, mở ra, không còn co quắp.
Đến năm 5 tuổi, Huỳnh đã có thể chập chững tập đi những bước đầu tiên, và sau 7 tháng cậu đi lại bình thường như những đứa trẻ khác dù còn hơi yếu.
Thương cháu nội ốm yếu, năm Huỳnh lên 7 tuổi, bà Tỵ quyết định thắp hương xin phép tổ tiên rồi truyền dạy võ thuật cho cháu.
Không chỉ các động tác võ, bà nội còn dạy Huỳnh cách thở, vận khí công, các huyệt đạo quan trọng trên cơ thể. Huỳnh say sưa tiếp thu tất cả tinh hoa của bà truyền lại, sức khỏe ngày càng dẻo dai, tiến bộ rõ rệt.
GS.VS Lương Ngọc Huỳnh (bên trái) cùng lãnh đạo Học viện An ninh quốc gia LB Nga |
Ngày 23/9/1990, năm tròn 24 tuổi, chàng thanh niên Lương Ngọc Huỳnh đã có quyết định đáng nhớ nhất trong đời. Được sự cho phép và ủng hộ của chính quyền tỉnh Hà Tây (cũ), anh sáng lập ra môn phái Lương Sơn Động.
Nhiều võ đường được mở ra, thu hút hàng ngàn võ sinh. Danh tiếng của võ sư Lương Ngọc Huỳnh lan rộng, vượt ra ngoài biên giới.
Không ngừng học hỏi, võ sư Lương Ngọc Huỳnh tìm sang Trung Quốc mày mò võ học tinh hoa.
Năm 1998, 1999, anh được mời sang Pháp dạy võ tại Trung tâm Võ thuật Paris.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực võ thuật, Lương Ngọc Huỳnh còn tìm tòi, theo đuổi lĩnh vực y khoa, chữa khỏi bệnh cho nhiều người đặc biệt là nhóm bệnh xương khớp. Tên tuổi của giáo sư, viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh đã vượt ra ngoài biên giới nước Việt.
Hải Dương