Sở hữu nhan sắc quyến rũ làm say đắm biết bao chàng trai, sống cuộc đời nhung lụa nhưng cuối đời, mỹ nữ nổi tiếng này lại bỏ thân nơi đất khách quê người trong tình trạng nghèo khổ, bệnh tật.
Tôi gặp ông ngay trước cổng chùa Tam Bảo (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) vào một buổi sáng. Trên tay ông, một xấp vé số khá dày.
Trước mong muốn được biết về câu chuyện về một người phụ nữ mù bán vé số của tôi, ông gật đầu và nói: “Anh có đủ kiên nhẫn chờ tôi bán hết xấp vé số này không? Nếu được tôi sẽ kể cho nghe…”.
Đám ma ở xóm nghèo
Quá trưa, tờ vé số cuối cùng trên tay ông không còn nữa. Ông nở nụ cười bước vào quán – nơi tôi đang ngồi đợi ông.
Ông bắt đầu kể: “Cách nay khá lâu, tôi không còn nhớ rõ là năm nào, trong xóm xuất hiện người phụ nữ đứng tuổi, mù lòa. Với cây gậy trong tay, bà mò mẫm từng bước hàng ngày cùng chúng tôi bán vé số chung quanh các ngôi chùa, nhưng điểm chính vẫn là chùa Tam Bảo này.
Vũ nữ Cẩm Nhung sau khi bị tạt axit phải sống cuộc đời nghèo khổ, lang thang bán vé số. (Ảnh Internet). |
Thú thật với anh, tôi chưa từng một lần dám nhìn thẳng vào mặt bà. Bà có vóc dáng cao ráo nhưng gương mặt bà đầy những vết sẹo lồi lõm. Đôi mắt bà đã mù, có một bên bị lồi ra. Lúc mới đến, bà đắt theo một đứa con trai nhưng khoảng vài năm sau không ai thấy nó nữa…
Bà sống khép kín. Có lần trò chuyện với bà, nghe giọng nói lơ lớ, tôi mới biết bà người Bắc vào miền Nam đã lâu. Bà cứ sống như thế, một thân một mình. Ban ngày đi bán vé số, tối về nhốt kín trong phòng và ít ai biết được bà sống ra sao trong đó.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua. Bà vẫn lam lũ và sống lủi thủi một mình. Những lúc trái gió trở trời không đi bán được thì nằm vùi ở nhà. Có lần, những người cùng cảnh ngộ thấy vậy lo lắng không biết bà thế nào. Họ vào phòng thấy bà nằm im, người sốt cao nên vội vàng hô hoán mọi người vào giúp bà.
Sau nhiều lần như vậy, cho đến một hôm vào đầu năm 2013 bà trở bệnh rất nặng. Sự giúp đỡ của những người chung quanh chỉ có giới hạn vì ai cũng nghèo. Bà trút hơi thở cuối cùng. Chung quanh bà, không một người thân thích…”.
Ông kể tiếp: “Bà mất. Những người bạn đồng cảnh ngộ như bà đã vận động quyên góp mua cho bà một chiếc áo quan rẻ tiền để tẩm liệm. Trong lúc lục lọi trong mớ hành lý của bà để lại, mọi người phát hiện một tấm hình khổ lớn đã cũ có chỗ bong tróc. Trong hình, một cô gái đôi mươi rất đẹp cạnh người đàn ông lịch lãm.
Chùa Tam Bảo, nơi Cẩm Nhung thường lui tới vào lúc cuối đời để bán vé số. (Ảnh Internet). |
Tấm hình đã gợi cho tôi nhớ lại câu chuyện ngày xưa. Đã hơn 50 năm trôi qua, không ngờ con người ấy bây giờ lại ở cạnh chúng tôi và khi từ giã còi đời cũng chính chúng tôi tiễn bà đi. Bà là vũ nữ Cẩm Nhung, nạn nhân vụ tạt axit vì ghen tuông trong đêm 17/7/1963 tại Sài Gòn.
Bà ra đi, tài sản không còn gì. Không một người thân nào tiễn bà mà chỉ có những mảnh đời bất hạnh, vất vưởng đưa bà về nơi chín suối.
Mộ phần của bà hiện nay chắc không còn vì khi chôn chỉ là một nấm mồ đất. Năm tháng trôi qua không người thăm viếng, khói nhang, nấm mồ đất kia có lẽ đã sụt dần và không còn ai nhớ đến nữa….
Một kiếp hồng nhan
Vụ việc xảy ra đã lâu và hậu quả cuối cùng thật thê thảm. Những người có liên quan trong vụ việc không biết bây giờ họ sống ra sao, lương tâm có cắn rứt không? Đến giờ phút này vẫn chưa ai biết được điều này vì không còn ai nhắc đến nữa. Chỉ biết rằng người gây ra thảm họa cho bà Cẩm Nhung đã lui về nương chốn thiền môn để sám hối tội lỗi do mình gây ra…”.
Dứt lời ông già bán vé số uống cạn ly bia, tất tả đi lấy vé bán cho ngày mai. Bên ngoài, trời đang về chiều. Câu chuyện về cô vũ nữ Cẩm Nhung cứ làm tôi day dứt.
Khu vực Đại Thế Giới nơi trước đây có vũ trường Grand Mond. |
Cẩm Nhung sinh năm 1940, người Hà Nội. Bỏ quê hương theo gia đình di cư vào Nam năm cô vừa lên tuổi 15. Cuộc sống nơi miền đất lạ chưa kịp quen thì cha cô qua đời. Gia đình giờ đây chỉ còn lại 3 phụ nữ: mẹ, bà vú và Cẩm Nhung, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Mẹ Cẩm Nhung một mình bươn chải để cho con có điều kiện tiếp tục việc học. Thế nhưng, lúc này Cẩm Nhung đã trổ mã như một thiếu nữ, tự thấy mình cần góp một chút công sức để mẹ vơi đi nhọc nhằn.
Cẩm Nhung bỏ học xin một chân phục vụ bưng bê cho một nhà hàng ca nhạc. Chính nhờ môi trường này, cô có dịp tiếp xúc với những điệu nhạc, điệu nhảy. Chẳng mấy chốc sau đó, cô trở thành gái nhảy chuyên nghiệp vừa kịp với cao trào nhảy đầm đang bộc phát mãnh liệt tại miền Nam.
Lúc này Cẩm Nhung bước vào tuổi 19. Sở hữu nhan sắc quyến rũ, cô làm say đắm biết bao chàng trai hàng đêm đến vũ trường.
Nhờ vào nhan sắc trời cho, Cẩm Nhung mạnh dạn bước chân vào thế giới đèn màu mà không cần dựa vào sự quen biết nào. Vũ trường đầu tiên Cẩm Nhung hoạt động là Grand Mond cạnh sòng bài Đại Thế Giới tại Chợ Lớn. Sau đó, sòng bài bị xóa sổ, chỉ còn lại vũ trường Grand Mond.
Grand Mond là một vũ trường lớn nhưng không thể cạnh tranh nổi với vũ trường Kim Sơn ngay trung tâm Sài Gòn. Vì thế, tháng 7/1958, Cẩm Nhung đã về đầu quân nơi đây.
Vũ Trường Kim Sơn nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Khu vực này ngoài Kim Sơn còn có nhiều vũ trường khác nhưng khách nhảy vẫn chuộng Kim Sơn hơn, bởi nơi đây qui tụ khá nhiều vũ nữ trẻ trung, xinh đẹp.
Theo một vài tài liệu còn lưu truyền tại Kim Sơn, trước khi Cẩm Nhung về đầu quân, nơi đây đã có một gái nhảy khá xinh. Sắc đẹp của cô làm xiêu lòng nhiều chàng trai và lượng khách đeo bám không phải ít. Vậy mà khi có sự xuất hiện của Cẩm Nhung, vị trí độc tôn của cô này lập tức bị lu mờ.
Chính cô gái nhảy này đã cảnh giác Cẩm Nhung bằng một câu nói: “Nhan sắc quá đẹp, quá ăn khách đối với gái nhảy là con dao 2 lưỡi. Em phải cẩn thận trong các mối quan hệ để đề phòng những tình huống không hay”.
Lời cảnh tỉnh đó đã không làm cho Cẩm Nhung chùn bước, để rồi không lâu sau đó, hậu quả thê thảm đã xảy ra. Cô bị đánh ghen bằng một ca axit sunfuric đậm đặc tàn phá nhan sắc và sức khỏe của cô.
(Còn nữa)
Trần Chánh Nghĩa
Yêu say đắm người đàn ông có gia đình, Cẩm Nhung đã bị đánh ghen ngay giữa phố. Gương mặt tuyệt sắc một thời bị tàn phá bởi axit khiến không ai còn có thể nhận ra.
Vào những năm đầu của thập niên 1960, các vũ trường là nơi lui tới của tầng lớp giàu có, quyền chức. Trong số những người thường xuyên có mặt hàng đêm phải kể đến trung tá công binh Trần Ngọc Thức.
Một đêm nọ, sau khi nhảy xong với cô gái quen hàng đêm, trung tá Thức chợt giật mình sửng sốt khi nhìn thấy một gái nhảy mới. Ông ta nhìn không chớp mắt…
Mối tình ngang trái
Trung tá Thức có tuổi đời ngoài 30. Ông là người từng trải, nếm đủ mùi ăn chơi nhưng có lẽ nhảy đầm là môn đã làm ông nghiện ngập. Ông có mặt tại vũ trường Kim Sơn hàng đêm và nhảy với tất cả các gái nhảy tại đây. Chưa có vũ nữ nào là mối ruột của ông.
Vị trí nhà hàng này khi xưa là vũ trường Kim Sơn. |
Vậy mà chỉ một ánh mắt, ông đã ngất ngây trước sắc đẹp nghiêng nước của cô vũ nữ mới vào làm, vũ nữ Cẩm Nhung. Không chần chừ, khi bản nhạc vừa cất lên ông đưa tay mời cô ra sàn. Cả hai quấn lấy nhau và cứ thế hết bản này đến bản khác…
Từ đêm đó, mỗi lần ông đến Kim Sơn là có Cẩm Nhung kề cận. Sau đó họ có những cuộc hẹn hò, những lần đi chơi với nhau. Cách đối xử của ông làm cho Cẩm Nhung cảm phục và mặc dù thừa biết ông đã có gia đình cô vẫn sẵn lòng làm người vợ ngoài giá thú.
Cuộc tình của trung tá kéo dài nhiều tháng, thậm chí vài năm. Trong thời gian này, vợ trung tá Thức, bà Lâm Thị Nguyệt, nhà buôn chuyên bán đồng hồ Rado của Thụy Sĩ, biết chuyện và có lời khuyên chồng trở về với bổn phận.
Thế nhưng trung tá Thức yêu Cẩm Nhung rất sâu đậm nên bao nhiêu lời khuyên giải đều vô hiệu. Bà Nguyệt tức tối và nổi cơn ghen lồng lộn. Nhiều lần bà đón đường hăm dọa, tát tai dằn mặt nhưng vẫn không làm cho Cẩm Nhung buông rời trung tá Thức…
Người đàn bà khi đã ghen trở nên mù quáng. Trong khi trung tá Thức và Cẩm Nhung mặn nồng tay trong tay thì bà Nguyệt đã âm thầm thực hiện kế hoạch đánh ghen kế tiếp. Hai tên giang hồ có số má được bà thuê với giá khá cao để thực hiện kế hoạch.
22 giờ ngày 17/7/1963, Cẩm Nhung trong trang phục lộng lẫy bước đến chiếc taxi đang chờ sẵn để đưa nàng dến vũ trường thì bất ngờ, từ bên kia đường một thanh niên tay cầm một ca chất lỏng chạy về hướng cô đang đứng.
Chưa kịp phản ứng gì thì cô đã hứng trọn ca chất lỏng. Cô quằn quại ngã xuồng đường. Axit sunfuric đậm đặc đã đốt cháy khuôn mặt và một phần cơ thể Cẩm Nhung. Kẻ tạt axit đã nhanh chóng biến mất.
Người dân lân cận nghe tiếng kêu cứu của Cẩm Nhung chạy đến. Một người đàn ông đưa cô đến bệnh viện Đô Thành (BV Sài Gòn ngày nay) nhưng nơi đây không chữa được đành phải chuyển đến bệnh viện Grall (Nhi Đồng 2 bây giờ).
Ngay hôm sau, các báo tại Sài Gòn đưa tin về vụ đánh ghen kinh hoàng nhất từ trước đến nay khiến cho bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) bức xúc.
Tàn một đời hoa
Đích thân bà Trần Lệ Xuân đã đến thăm và đưa Cẩm Nhung sang nước ngoài chữa trị. Nhưng do vết thương quá nặng nên các bác sĩ ở đây cũng không thể giúp cô.
Bà Lệ Xuân cũng hứa sẽ bao bọc Cẩm Nhung đến trọn đời. Cũng sau vụ này, tất cả các vũ trường nhận được lệnh đóng cửa bởi theo bà Xuân, đó là mầm mống làm băng hoại gia đình.
Trang báo cũ ở Sài Gòn viết về Cẩm Nhung (ảnh Internet) |
3 tháng sau ngày xảy ra vụ việc, một phiên tòa được mở công khai để xử nhưng người gây ra thảm cảnh cho vũ nữ Cẩm Nhung. Kẻ chủ mưu là bà Nguyệt và tên tạt axit thuê phải nhận bản án 20 năm tù cho mỗi người. Kẻ đồng lõa nhận án 15 năm.
Vụ án sau đó bị đình lại rồi rơi vào quên lãng, bà Trần Lệ Xuân phải lưu vong ở nước ngoài. Mọi hứa hẹn của bà Xuân dành cho Cẩm Nhung cũng gác lại.
Gia đình trung tá Thức đổ vỡ. Ông tiếp tục sống một cách khép kín. Vợ ông, bà Nguyệt vào chùa để sống hết những ngày còn lại.
Vụ đánh ghen vũ nữ Cẩm Nhung đã làm dấy lên nạn đánh ghen bằng axit. Theo thông kê từ các bệnh viện cho thấy chỉ riêng năm 1964 đã có hàng chục vụ đánh ghen bằng axit được chuyển đến các bệnh viện.
Trận đánh ghen bằng axit đã hủy hoại nhan sắc, sức khỏe của Cẩm Nhung. Ảnh internet. |
Sau khi chữa lành vết thương, bộ mặt Cẩm Nhung trở nên ghê rợn. Tinh thần cô suy sụp hẳn. Trước đó sống trong hào quang nhung lụa, người đưa kẻ đón giờ phải lui vào bóng tối, Cẩm Nhung buông xuôi tất cả.
Cô đập phá, nghiện ngập cả thuốc lẫn rượu, cuộc sống của cô không có ngày mai. Càng không may cho cô, hai người thân duy nhất là mẹ và bà vú qua đời khiến cho cô rơi vào tuyệt vọng. Bao nhiêu tài sản tích góp được lâu nay cô đem nướng vào những cuộc chơi cho quên ngày tháng.
Trở về với tay trắng, nhan sắc từ một “nữ hoàng” nay trở nên gớm ghiếc, Cẩm Nhung đã sống trong những ngày đau khổ đến tận cùng. Cô sẵn sàng xuôi tay để rơi vào lòng bất cứ một gã đàn ông nào nhưng có ai đủ can đảm gần gũi với cô?
Không còn cách nào khác, cô đành phóng tấm ảnh có cô và trung tá Thức mang trước ngực lê la khắp các đường phố Sài Gòn để khất thực. Lần đầu tiên – trước tết năm 1969, cô đến khu vực chợ Bến Thành. Ngồi bên vệ đường Lê Lợi với chiếc lon phía trước và tấm ảnh trên ngực, Cẩm Nhung bắt đầu chuỗi ngày ăn xin. Người Sài Gòn hay tin kéo nhau đến xem và giúp cô được khá nhiều.
Nhưng rồi người đến xem và giúp đỡ Cẩm Nhung bởi hiếu kỳ và thương cảm cho phận đàn bà bớt dần. Cô phải di chuyển đến nhiều địa điểm khác trong thành phố và cuối cùng, đành phải rời Sài Gòn để có mặt tại Mỹ Thuận, xin ăn trên những chuyến phà vượt sông Tiền.
Chuyện Cẩm Nhung cũng dần phai theo thời gian. Sau nhiều năm sống lay lắt ở Mỹ Thuận không ai còn thấy Cẩm Nhung xuất hiện. Nhưng vào một ngày đẹp trời, có người thấy cô tại chùa Tam Bảo (Hà Tiên) tiếp tục cuộc sống ăn xin.
Những ngày cuối đời của Cẩm Nhung rất âm thầm và cam chịu. Tấm ảnh trước ngực không còn và rất ít người nhớ đến câu chuyện năm xưa. Cho đến một ngày đầu năm 2013, Cẩm Nhung lặng lẽ ra đi trong vòng tay của những người đồng cảnh ngộ…
Trần Chánh Nghĩa