SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cuộc sống của những người Việt Nam sau khi bị Mỹ trục xuất về nước rất khó khăn: Không có việc làm, và cũng không có tiền luôn.
Đó là nội dung bài báo của hãng thông tấn Reuters đăng hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Tư, có tựa đề “No job, no money: Life in Vietnam for immigrants deported by US,” mà trong đó, Reuters kể câu chuyện của ba người vừa bị trục xuất về Việt Nam hồi Tháng Mười Hai, 2017, vì chưa phải là công dân Mỹ và vì bị phạm tội hình sự tại Hoa Kỳ.
Hồi năm 2008, Mỹ và Việt Nam ký một thỏa thuận là Việt Nam chỉ nhận hồi hương những ai đến Mỹ sau ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, chính quyền Donald Trump cho bắt một số người Việt Nam phạm pháp và trục xuất họ về nước, bất kể họ sang Mỹ trước hoặc sau thời hạn nêu trên.
Anh Phạm Chí Cường, hiện sống ở Sài Gòn, là một trong những người được Reuters phỏng vấn, nói rằng anh được chở bằng máy bay, tay chân bị trói lại, không được nói gì cả, và sau 17 giờ đồng hồ, thì máy bay đáp xuống Việt Nam.
Tất cả họ đều nói tái hội nhập cuộc sống tại Việt Nam là rất khó khăn. Họ nói với Reuters rằng họ bị các giới chức chính quyền nghi ngờ, và gặp khó khăn khi đi kiếm việc.
“Nếu anh hỏi tôi ‘anh có muốn trở lại Mỹ không?’ Tôi sẽ cho anh câu trả lời ‘có,’ nhưng tôi không biết làm sao để làm điều này,” anh Cường, có vợ và các con đang sống ở Orlando, Florida, kể.
Một người khác, yêu cầu được giấu tên, và chỉ cho biết họ là Nguyễn, nói với Reuters là khi anh bị trả về, anh bị công an địa phương hỏi là anh có làm việc cho CIA không.
Anh kể anh bị trục xuất từ Mỹ về Cam Ranh, nơi anh bỏ đi sau khi cuộc chiến kết thúc, bởi vì gia đình anh có liên hệ với chế độ VNCH.
“Đây là nơi tôi bỏ chạy,” người có họ Nguyễn nói với Reuters. “Hồi đó, có nhiều người Mỹ ở đây lắm, và gia đình tôi làm việc cho họ. Chú tôi hy sinh trong cuộc chiến. Ông là một binh sĩ miền Nam Việt Nam.”
Cho tới nay, không biết có bao nhiêu người đến Mỹ trước năm 1995, giống như trường hợp của anh Cường và người có tên họ Nguyễn, bị trục xuất về Việt Nam.
Trong khi đó, chính quyền Donald Trump đang tìm cách trục xuất hàng ngàn người Việt phạm pháp, theo ông Ted Osius, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho Reuters biết hồi tuần trước.
Ông Osius nói với Reuters rằng chính quyền Donald Trump bắt đầu yêu cầu ông ép phía Việt Nam nhận những người này từ Tháng Tư, 2017, và đây là lý do ông từ chức hồi Tháng Mười.
Ông Brendan Raedy, phát ngôn viên cảnh sát di trú (ICE), nói với Reuters rằng, tính tới Tháng Mười Hai, 2017, có 8,600 người Việt Nam trong diện trục xuất, trong số này có “7,821 trường hợp bị kết tội hình sự.”
ICE không cho biết bao nhiêu người trong diện trục xuất đến Mỹ trước năm 1995.
Tòa Bạch Ốc từ chối có ý kiến về chuyện người Việt bị trục xuất.
Chính quyền Donald Trump phân loại Việt Nam và tám quốc gia khác là “ngoan cố” vì không muốn nhận những công dân của họ bị trục xuất.
Không biết trong diện bị trục xuất
Trở lại câu chuyện những người Việt bị Mỹ trục xuất về Mỹ.
Anh Cường là một người Mỹ lai, con của một quân nhân Mỹ đóng quân tại Sài Gòn trong cuộc chiến Việt Nam, theo Reuters cho biết.
Anh Cường kể với Reuters là sau cuộc chiến, anh bị đối xử bất công và bị kỳ thị.
Anh không được đi học, bị đẩy ra khỏi xã hội, và phải làm ruộng, trước khi xuất cảnh đi Mỹ năm 1990, qua chương trình con lai.
Mặc dù là con của một người Mỹ, và nuôi nấng ba đứa con ở Florida, anh Cường chưa bao giờ trở thành công dân Hoa Kỳ.
Anh Cường nói anh tưởng điều này không cần thiết, vì anh đến Mỹ hợp pháp và được phép làm việc.
Thế nhưng, vào năm 2000, anh bị kết tội tấn công và đánh nhau, và bị tù 18 tháng.
Năm 2007, anh lại bị một năm án treo vì tội uống rượu lái xe.
Cả hai lần, anh đều được cho biết, anh nằm trong diện bị trục xuất, theo luật di trú của Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Việt Nam và Mỹ chưa có thỏa thuận trục xuất.
Đến năm 2008, anh cảm thấy nhẹ nhõm, vì dù Mỹ và Việt Nam có đạt được thỏa thuận, anh lại không bị rơi vào trường hợp này.
Tuy nhiên, theo luật anh vẫn nằm trong diện bị trục xuất, và bị ICE yêu cầu là phải thường xuyên trình diện với họ, để bảo đảm là anh không phạm tội nữa.
Thế rồi anh làm đầu bếp một nhà hàng sushi, giúp đứa con trai qua ba năm đại học.
Bất thình lình, vào Tháng Mười, 2017, anh bị nhân viên ICE bắt.
Hai tháng sau, anh bị đưa lên máy bay bay về Việt Nam.
Tưởng có cha Mỹ là không bị trục xuất
Một người khác, tên Bùi Thanh Hùng, cũng là con lai, sinh năm 1973, có cha là lính Mỹ hy sinh tại chiến trường Việt Nam.
Anh Hùng bị kết tội bạo động gia đình năm 2010, mà theo anh kể, xảy ra khi anh phát hiện vợ anh quen với một người đàn ông khác.
Năm ngoái, anh được thả sau sáu năm tù, và bị ICE giữ, cho đến khi họ trục xuất anh hồi Tháng Mười Hai năm ngoái.
“Tại đây, tôi không có việc làm, không ai nuôi tôi, không có chỗ để ở,” anh Hùng nói.
Anh cho biết hiện anh sống dựa vào người quen, nay đây mai đó.
Theo Reuters, nhiều nhà hoạt động di dân nói rằng họ nghĩ Hoa Kỳ đặc biệt sẽ không trục xuất người Việt lai Mỹ, như trường hợp anh Cường và anh Hùng, bởi vì cha của họ là người Mỹ và vì họ bị kỳ thị sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
“Chúng tôi trong các cộng đồng gốc Đông Nam Á rất sốc khi biết họ bị trục xuất,” Luật Sư Tín Nguyễn, cư ngụ tại Hoa Kỳ, nói với Reuters.
Ông Tín đang làm việc với các nhóm phi lợi nhuận Đông Nam Á để giải quyết vấn đề người bị trục xuất.
“Có vẻ như họ đã quên cuộc chiến Việt Nam rồi,” ông Tín nói.
Hồi Tháng Ba, nhóm Asian Americans Advancing Justice-Los Angeles có nộp đơn kiện ICE giam giữ quá hạn những người Việt Nam không thuộc diện trục xuất.
Hôm Thứ Ba, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu 5-4, đưa ra phán quyết rằng trục xuất tội phạm là vi hiến vì định nghĩa mức độ phạm tội để bị trục xuất là vẫn còn mơ hồ.
Anh Cường và anh Hùng bị trục xuất cùng với khoảng 30 người khác thuộc các quốc gia Châu Á, trên một chuyến bay ghé qua Miến Điện, Cambodia, trước khi đáp xuống Việt Nam.
Những người này cho biết họ không được chính quyền giúp đỡ gì nhiều, và rất khó khăn tìm được một việc làm.
“Tôi không có tiền,” anh Cường nói. “Vợ tôi thỉnh thoảng gởi cho $200, ngoài ra, không có ai giúp tôi cả.” (Đ.D.)