Cựu ngoại trưởng Mỹ Madeline Albright cho rằng với Mỹ, Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Nga. (Ảnh: Getty Images)
Tuyên bố này trái ngược với lối nói khoa trương của một số người thuộc đảng Dân Chủ, cho rằng Nga là mối đe dọa an ninh cấp bách nhất kể từ khi họ “can thiệp” vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong một cuộc phỏng vấn công khai với phóng viên David Ignatius của tờ Washington Post hôm 31/5, bà Madeleine Albright đã thể hiện quan điểm không đồng ý với Chiến lược Quốc phòng mới của Lầu Năm Góc, công bố vào tháng 1/2018, trong đó liệt kê Trung Quốc và Nga là đối thủ chính của Mỹ trong những năm tới.
“Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ hiện nói Nga và Trung Quốc là những đối thủ chính của chúng ta. Tôi nghĩ đó là một món quà cho ông Putin, bởi vì họ không tương đương với Trung Quốc”, bà Albright nhận xét, và nói thêm rằng: “Trung Quốc thực sự là một thế lực đang phát triển một cách to lớn, thâm nhập vào nhiều nơi khác nhau. Người Nga không có ở đó. Nhưng tôi chắc rằng ông Putin rất ‘vui’ khi đọc điều đó”.
Theo bà Albright, bằng việc đánh đồng Nga với Trung Quốc, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ có thể cho ông Putin lý lẽ, biện minh cho thái độ gây hấn hơn đối với các nước phương Tây.
Chiến lược Quốc phòng của Lầu Năm Góc phản ánh quan điểm Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, được ông Trump công bố vào tháng 12/2016, trong đó đưa ra trường hợp chuẩn bị đối đầu với “các cường quốc xét lại” Nga và Trung Quốc, những nước đang thách thức Mỹ và các đồng minh .
Bằng cách mô tả mối đe dọa của Trung Quốc đối với Mỹ là nghiêm trọng hơn nhiều so với Nga, bà Albright đã tách mình ra khỏi quan điểm chung của đảng Dân chủ và các phương tiện truyền thông lớn, trong đó nhiều người kể từ cuộc bầu cử năm 2016, đã không ngừng mô tả câu chuyện rằng ông Donald Trump đã hợp tác với Nga để giành chiến thắng bầu cử tổng thống năm đó.
Cuộc phỏng vấn của bà Albright là để giới thiệu cuốn sách của bà “Fascism: A Warning” (Tạm dịch: “Chủ nghĩa phát xít: Một lời cảnh báo”), một tiêu đề sách mà nhiều nhà quan sát nhận thấy trong đó là một nỗ lực chỉ trích ông Trump và những động thái chính trị mà ông tạo ra. Tuy nhiên, bà Albright cũng có vẻ cho rằng động lực chính trị của ông Trump và những người ủng hộ ông là xuất phát từ trong nước, chứ không phải là những sản phẩm can thiệp nước ngoài từ Nga.
Cho rằng Mỹ vẫn cần phải tích cực trong việc đẩy lùi sự bành trướng của Nga ở châu Âu, bà Albright nói: “Chúng ta phải biết những gì chúng ta tin tưởng, và cố gắng đẩy lùi những gì người Nga đang làm để làm suy yếu tất cả những quốc gia đó”.
Nghỉ hưu từ năm 2001, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton hiện là Chủ tịch của Tập đoàn Albright Stonebridge, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty Mỹ và quốc tế đang tìm cách làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc.
Phạm Duy, theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.