Một bác sĩ của Bệnh Viện Chợ Rẫy nói với Nhật Báo Người Việt với điều kiện ẩn danh: “Ông Khải được chuyển từ một bệnh viện ở Singapore về Chợ Rẫy đêm 20 Tháng Hai, bác sĩ bên kia cũng nói là bệnh tình của ông khó qua khỏi. Ông bị viêm phổi giống cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ngày trước. Phổi trắng và nước nhiều, hiện ông đang phải thở máy và chăm sóc đặc biệt.”
Ông Phan Văn Khải năm nay 85 tuổi, là thủ tướng thứ 5 của chính phủ CSVN từ Tháng Chín năm 1997 đến Tháng Sáu năm 2006. Ông được truyền thông Việt Nam ghi nhận “xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình một năm”. Người kế nhiệm ông là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Báo Đất Việt hôm 21 Tháng Hai dẫn lời Giáo Sư Phạm Gia Khải, cựu chủ tịch Hội Đồng Chuyên Môn của Ban Bảo Vệ Và Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương nói ông Khải “bị bệnh tuổi già.”
Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Quốc Phong, cựu phó tổng biên tập báo Thanh Niên tiết lộ trên trang Facebook cá nhân: “Ông Phan Văn Khải vừa trở về nước sau một thời gian đi chữa bệnh nhưng nghe nói cũng không thành công. Ông đã phải sang Singapore điều trị về thực quản cũng đã khá lâu.’
Nhà báo này viết tiếp: ‘Ông Khải là người nghiện thuốc khá nặng. Thời gian Việt Nam chuẩn bị ban hành Luật ‘Cấm hút thuốc lá nơi công cộng’, nguyên Bộ Trưởng Y Tế Đỗ Nguyên Phương đã trình thủ tướng xem xét kế hoạch đưa vào chương trịnh nghị sự để xin quốc hội bàn thảo và thông qua. Bộ Y Tế thì gửi lên chính phủ khá lâu mà không hiểu sao nó vẫn cứ đặt lên đặt xuống trên bàn thủ tướng. Nhiều khả năng ông Khải không khoái chuyện ban hành luật này cũng nên vì ông là người nghiện thuốc quá nặng, nhiều khi họp lâu quá, ông cũng ra ngoài hành lang làm vài hơi cho đã rồi quay vào họp tiếp…”
Ông Khải quê tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Sài Gòn, và “tham gia cách mạng từ năm 1947.” Hồi đầu tháng này, nhân chuyện Hà Nội tính chi 1,400 tỷ đồng ($63 triệu) xây nghĩa trang quốc gia dành cho cán bộ cao cấp, nhà báo tự do Huy Đức, tức blogger Trương Huy San cho biết trên trang Facebook cá nhân: “[Cựu] Thủ Tướng Phan Văn Khải đã chọn quê cha đất tổ [làm “nơi an nghỉ”] Chính trị là chốn chỉ bằng mặt không bằng lòng, sống đã thế không lẽ chết, quý vị lại muốn “đánh cờ mặt” với nhau một chỗ.”
Sau khi ông Phan Văn Khải thôi chức thủ tướng, truyền thông Việt Nam gần như hiếm khi đưa tin về ông. Hồi Tháng Một năm 2018, nhân có tin chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cắt giảm hàng trăm ‘điều kiện kinh doanh’, báo VnEconomy dẫn lời Chuyên Gia Kinh Tế Phạm Chi Lan: “Không nên khen quá. Dưới thời Thủ Tướng Phan Văn Khải chỉ có chưa đến 500 điều kiện kinh doanh mà nay, sau hơn một thập niên, đã mọc lên gần 6,000 điều kiện. Bởi vậy, yêu cầu của chính phủ cắt, xóa 50%, và chuyển động từ vài bộ chưa phải là điều gì đáng ca ngợi.”
Mạng xã hội hôm 21 Tháng Hai ghi nhận những ý kiến ca ngợi ông Khải của các nhà báo kỳ cựu tại Việt Nam và có người còn cho rằng ông này “làm tốt hơn ông Nguyễn Tấn Dũng”.
Một trong số các ý kiến nhận được nhiều bình luận là của nhà báo Hoàng Hải Vân, báo Thanh Niên: “Bắt đầu từ thời Thủ Tướng Phan Văn Khải, quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà nước được chuyển thành quan hệ đối tác chứ không còn quan hệ xin-cho. “Giấy phép kinh doanh” được đổi thành “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. “Giấy phép con” được bãi bỏ nhiều nhất cũng vào thời gian này. Vào thời ông, nền kinh tế thị trường dĩ nhiên là chưa hoàn thiện, nhưng Việt Nam có kinh tế thị trường nhiều nhất so với trước và so với 10 năm sau đó.”
Ông Phan Văn Khải cũng được ghi nhận là nhà lãnh đạo đầu tiên của CSVN thực hiện chuyến thăm Hoa Kỳ vào hôm 19 Tháng Sáu, 2005, “đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia,’ tức 10 năm sau Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam và 30 năm sau biến cố 30 Tháng Tư 1975.
Hình ảnh đáng nhớ nhất trong chuyến thăm này là tại Tòa Bạch Ốc khi họp báo chung với Tổng thống George W. Bush, ông Khải đã đọc bài phát biểu bằng tờ giấy viết sẵn.
Trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình, một triệu phú gốc Việt ở Hòa Lan đem hơn $3 triệu về Việt Nam đầu tư vào cuối thập niên 1980 bị tịch thu tài sản và lãnh án 11 năm tù trong năm 1999, trang Wikipedia ghi nhận: “Hồi Tháng Tám năm 2017, ông Nguyễn Vi Khải, cựu thành viên trong Ban Cố Vấn của Thủ Tướng Phan Văn Khải trong thời gian diễn ra đàm phán, thương lượng giữa ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính Phủ Việt Nam lần thứ nhất (năm 2003 – 2006), nhận định: “Đây là ví dụ của tình trạng “hình sự hóa các quan hệ kinh tế” lúc đó. Người ta xử án theo kiểu “bỏ túi” (tức là án kangaroo). Các cấp trên có can thiệp vào thì cũng phải theo án lệ này. Trong khi đó các trọng tội làm thất thoát hàng ngàn tỷ tài sản quốc gia thì đáng lẽ phải hình sự hóa những vụ đó, thì lại hành chính hóa các tội phạm này, để cho các tội phạm này trốn ra nước ngoài dễ dàng bằng cách đi chữa bệnh, đi học… như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy. Cũng theo ông Khải thì Thủ Tướng Phan Văn Khải đã có bút phê gửi Bộ Trưởng Công An Lê Minh Hương yêu cầu xem lại trường hợp của Trịnh Vĩnh Bình, nhưng “trên bảo dưới không nghe.” (T.K.)