Nên “hợp pháp hóa”
Có nên coi mại dâm là một nghề hay không, nhất là ở đặc khu kinh tế, một lần nữa lại “hâm nóng” dư luận và cũng xuất hiện nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Trao đổi với PV VTC News về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng cho rằng, đã đến lúc dư luận cần có cái nhìn “cởi mở hơn” đối với vấn đề mại dâm.
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, đối với các đặc khu kinh tế nên để cho mại dâm hoạt động và cũng có những chính sách phù hợp hơn với vấn đề này.
TS Nguyễn Đức Thành nhận xét: “Đối với các đặc khu kinh tế, tôi nghĩ chúng ta cần phải có tư duy cởi mở và hiện đại. Cụ thể là chúng ta cũng phải có những chính sách phù hợp với các thông lệ của thế giới, đặc biệt là đối với vai trò của các đặc khu, nghĩa là có những cái đặc biệt.
Ở các đặc khu kinh tế, chức năng chính là kinh doanh, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và thu hút khách du lịch. Khi đã thu hút đầu tư, khách du lịch đến thì cũng đồng nghĩa là họ đến từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Vì thế tôi cho rằng, ở đặc khu kinh tế, vấn đề mại dâm cũng không nên quá khắt khe.
Nên hợp pháp hóa mại dâm ở các đặc khu kinh tế thông qua những chính sách sao cho phù hợp và hài hòa lợi ích. Chúng ta nên có tư duy cởi mở và nên thực hiện nó”.
Theo TS Thành, hoạt động mại dâm không phải là cái gì đó mới mẻ, và dù cấm hay không cấm thì trên thực tế hoạt động này vẫn tồn tại. Vấn đề là cách nhìn nhận và tiếp cận nó như thế nào mà thôi.
“Thực ra, đây không phải là điều gì đó quá lạ lùng hay ghê gớm. Khi chúng ta thực hiện chính sách cho phép mại dâm hoạt động ở các đặc khu thì cũng phù hợp với xu thế và thông lệ chung của thế giới thôi. Tôi không có gì phản đối cả”, TS Thành nói.
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng nên học tập kinh nghiệm từ cách làm và cách quản lý hoạt động mại dâm của các nước khác trên thế giới để vận dụng vào tình hình cụ thể ở các đặc khu kinh tế.
“Chúng ta cũng không nên và không cần có quá nhiều sáng kiến, sáng tạo gì ở đây, mà chúng ta cứ làm theo thông lệ quốc tế của những nước rất văn minh như Hà Lan hay các nước ở châu Âu khác. Vì họ cũng đã có những chính sách hợp pháp hóa mại dâm rồi. Thậm chí ở một số nước, một số chất được cho là gây nghiện họ cũng đã cho phép sử dụng. Ở đây, đặc khu kinh tế cho phép chúng ta thí nghiệm những chính sách như vậy”, TS Thành nêu dẫn chứng.
Cần có chính sách bảo vệ người làm nghề mại dâm
Cũng liên quan vấn đề trên, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội Khóa 14 cho rằng, cần có chính sách bảo vệ những người làm nghề mại dâm vì họ là những người “dễ bị tổn thương trong xã hội”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Thực tế là hiện nay, chúng ta đang quản lý mại dâm theo kiểu coi đó là tệ nạn, coi những người làm nghề này không như con người. Bây giờ phải quản lý nó như một nghề, một hoạt động của xã hội. Phải coi đó là một vấn đề đặc biệt để có sự quản lý đặc biệt và có một thái độ ứng xử phù hợp”.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, ở nhiều nước trên thế giới đã công nhận mại dâm là một nghề, ví dụ ở New Zealand đã có luật bảo vệ nghề mại dâm…
“Chúng ta phải hiểu rằng, có cung thì có cầu, đây không phải là vấn đề thiếu lành mạnh, quan trọng là chúng ta quan niệm như thế nào và tổ chức như thế nào. Những người làm mại dâm là những người dễ bị rủi ro nhất, họ rất dễ bị tổn thương, là những người yếu thế. Vì vậy, cần có chính sách để bảo vệ họ”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cho rằng, mại dâm xuất phát từ nhu cầu rất bình thường của xã hội, do đó không nên câu nệ về những câu chuyện đó nữa, ở đây đừng bàn đến khía cạnh đạo đức mà nó là nhu cầu xã hội và sự cần thiết phải bảo vệ những con người yếu thế dễ bị tổn thương.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, việc cần làm bây giờ là các nhà quản lý, các nhà chuyên môn cần phải có nghiên cứu cụ thể để có những chính sách phù hợp đối với mại dâm.
“Đối với vấn đề mại dâm, theo tôi cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một là phải đánh giá tác động xã hội của vấn đề này với xã hội, với chính những người làm nghề này và những vấn đề có liên quan như đảm bảo hạnh phúc gia đình, thuần phong mỹ tục. Hai là quản lý các vấn đề về thu thuế, khám chữa bệnh. Ba là học tập kinh nghiệm quốc tế một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Và cuối cùng là vấn đề tổ chức ở những khu vực nào”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.