Đại gia địa ốc Sỹ Ngàn bị kiện phá sản, vì đâu nên nỗi?

Sở hữu dự án đẹp như mơ Ngọc Viên Islands (Sơn Tây, Hà Nội) và nhiều dự án đình đám khác, nhưng công ty Cổ phần Sỹ Ngàn hiện đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Nợ hàng trăm tỷ đồng

Ngọc Viên Island

Mới đây, ngày 24/4, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 118/QĐ – MTTPS về việc mở thủ tục phá sản với Công ty cổ phần Sỹ Ngàn, chủ dự án Ngọc Viên Islands.

Thông tin này thực sự gây sốc với thị trường bất động sản. Bởi đây là lần đầu tiên, thị trường bất động sản chứng kiến một công ty bị buộc phải tuyên bố phá sản và sự “ra đi” của nó có thể “chôn chết” một dự án đẹp Ngọc Viên Islands cùng niềm hy vọng của các khách hàng đã bỏ tiền mua biệt thự tại đây.

Ngọc Viên Island

Ngọc Viên Island
Ngọc Viên Island

Ngọc Viên IslandDự án Ngọc Viên Island đình đám một thời. Ảnh: internet

Được thành lập từ năm 2010, với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, công ty Cổ phần Sỹ Ngàn được giới đầu tư bất động sản biết đến nhờ dự án Ngọc Viên Islands.

Dự án có tổng diện tích hơn 30 ha, bao gồm 3 hòn đảo nằm trên hồ Đồng Mô với 1.600 ha mặt nước, xung quanh là hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, rừng cây xanh. Theo dự án do Chủ đầu tư vẽ ra, Ngọc Viên Island có tổng mức đầu tư 70 triệu USD bao gồm 112 phòng khách sạn, 80 căn hộ dịch vụ, 65 biệt thự cao cấp… Ngọc Viên Islands được giới thiệu là “Resort 5 sao trên hồ đầu tiên tại miền Bắc”.

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, văn phòng Luật sư BQH và cộng sự, việc sử dụng con dấu công ty đi ký hợp đồng mà không lưu hồ sơ trong chứng từ kế toán là hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Việc để cho một cá nhân sử dụng con dấu bừa bãi, hội đồng quản trị công ty cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Đầu năm 2011, chủ dự án đã giới thiệu và mở bán 19 căn đầu tiên (diện tích từ 900 đến 1.250 m2) với giá 15 triệu đồng/m2. Đây được coi là mức giá khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì dự án đẹp, nhưng mức giá lại khá “mềm”.

Đến cuối năm 2011, Tập đoàn Archi đã mua lại 40% cổ phần của Công ty cổ phần Sỹ Ngàn và cùng đầu tư vào dự án này.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, Archi đã rút hết phần vốn này ra khỏi Sỹ Ngàn. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới đổi ngày 19/1/2012 của công ty Sỹ Ngàn thì, cổ phần của công ty do 4 thành viên hội đồng quản trị nắm giữ với tỷ lệ như sau: Ông Nguyễn Tương Như – Tổng Giám đốc (35%), bà Bùi Thị Kim Duy – Chủ tịch Hội đồng quản trị (40%), ông Nguyễn Thành Nam – Tổng giám đốc Tập đoàn Archi (20%), ông Nam giữ cổ phần với tư cách cá nhân, 5% còn lại thuộc về một cổ đông khác.

Điều đáng nói là sở hữu dự án đẹp như mơ, nhưng vì đâu công ty này lại rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán một số khoản nợ đến hạn?

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Tương Như, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sỹ Ngàn cho biết, đối tác đâm đơn kiện là Công ty Trường Phúc, Sỹ Ngàn chỉ nợ “vàitỷ đồng”. Nên việc nói Sỹ Ngàn mất khả năng thanh toán là không có cơ sở. Bởi với tình hình tài chính hiện nay, doanh nghiệp thừa sức xử lý được khoản nợ này.

Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Kim Duy – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Sỹ Ngàn thì từ khi đăng thông báo mở thủ tục phá sản trên báo đến nay đã có hàng chục chủ nợ liên hệ với công ty và số nợ tính sơ sơ cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bà Duy cho biết, bà chính thức góp vốn từ cuối năm 2011, nên các công việc của công ty bà không được nắm rõ. Đến đầu năm 2012, sau khi được nghe rất nhiều thông tin về việc công ty vay nợ rất nhiều nơi, số nợ đang rất lớn, bà Duy cho rà soát lại, làm kiểm toán nội bộ và thuê cả đơn vị kiểm toán độc lập vào làm. Kết quả là theo hồ sơ chứng từ của công ty, số nợ chỉ khoảng 3 tỷ đồng. Đây là số nợ không lớn đối với một công ty có tổng nguồn vốn hoạt động là 60 tỷ đồng.

“Điều khiến tôi hoảng hốt nhất là đống hồ sơ nợ mà chủ nợ mang đến đóng dấu công ty thật, nhưng chứng từ thì không có”, bà Duy cho biết.

Để chứng minh sự việc, bà Duy lấy một phiếu thu tiền 15 tỷ đồng, có chữ ký và con dấu công ty của Tổng Giám đốc Nguyễn Tương Như, nhưng trong hồ sơ kế toán thì khoản tiền này không hề được vào sổ. Đặc biệt, phiếu thu này không có chữ ký của kế toán trưởng.

“Không chỉ 1 trường hợp, tôi nhận được rất nhiều các hồ sơ của chủ nợ khác cũng có dấu của công ty, nhưng không lưu trong hồ sơ chứng từ”, bà Duy nhấn mạnh.

Như vậy, số tiền nợ hàng trăm tỷ đồng cùng hồ sơ có đóng dấu đỏ của công ty Cổ phần Sỹ Ngàn là có thật, câu hỏi đặt ra là số tiền này đã đi đâu và ai phải chịu trách nhiệm hoàn trả?

“Con dấu để trong phòng ngủ giám đốc”

Liên hệ với anh Thế, một chủ nợ của công ty Sỹ Ngàn thì được biết, người thực hiện các khoản vay với anh không ai khác, chính là vị Tổng Giám đốc của công ty, ông Nguyễn Tương Như.

Anh Thế cho biết, hồi đầu năm 2008, thông qua giới thiệu của một người bạn thân, anh Thế mới quen biết ông Như và dưới sự đảm bảo của người bạn Thân, anh Thế đã không ngần ngại cho ông Như vay tiền.

Theo anh Thế, ngày 18/3/2008, ông Như đề nghị vay 30.000 USD (ba mươi nghìn đô la Mỹ) với lý do ông Như đang cần tiền gấp vì có một số khoản nợ cần phải “đáo hạn ngân hàng cho khách hàng”, thỏa thuận vay tiền làm đáo hạn ngân hàng trong 10 ngày.

“Do có sự quen biết từ trước và được sự giới thiệu của anh bạn thân nên vợ chồng chúng tôi đã đồng ý”, anh Thế nói.

Liên tiếp sau đó, ông Như tiếp tục thực hiện các khoản vay lên đến hàng tỷ đồng, nhưng quá hạn vẫn không chịu trả anh Thế. Tính đến nay, số tiền gốc ông Như nợ anh Thế đã lên đến gần 10 tỷ đồng và số tiền lãi là hơn 9 tỷ đồng.

“Đầu năm 2009, do bị vợ chồng tôi ép quá, nên ông Như chuyển số nợ sang hình thức ký với vợ chồng tôi hợp đồng góp vốn trị giá 5 tỷ đồng và tài sản thế chấp là 10% quyền sở hữu vốn góp trong 100% quyền sở hữu vốn góp của ông Như tại Công ty Sỹ Ngàn”, anh Thế vừa nói vừa đưa bản hợp đồng góp vốn đã ký với ông Như cho chúng tôi xem.

Tuy nhiên, khi anh Thế đến công ty kiểm tra thì dù có con dấu của công ty nhưng hồ sơ của anh không có trong chứng từ kế toán.

Mới đây nhất, trong Bản tái xác nhận nợ với anh Thế, ông Như viết rất rõ ràng “Đây là toàn bộ công nợ của tôi”.

Bà Bùi Thị Kim Duy, Chủ tịch công ty Sỹ Ngàn cho biết, các khoản nợ của công ty có lưu trong chứng từ kế toán, công ty sẽ có trách nhiệm trả. Còn việc Tổng Giám đốc dùng con dấu công ty để ký hợp đồng góp vốn mà không lưu hồ sơ chứng từ thì sẽ để các cơ quan chức năng giải quyết.

Theo quy định, việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Sỹ Ngàn đã được đăng thông cáo trên báo từ ngày 03/6/2013. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đăng báo địa phương và báo hàng ngày của Trung ương về quyết định của Toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ doanh nghiệp đến Toà án.

Đơn của chủ nợ phải ghi rõ số nợ doanh nghiệp phải trả, trong đó phân định số nợ đến hạn và số nợ chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và số nợ không có bảo đảm cùng những tài liệu và chứng cứ chứng minh về số nợ đó. Hết thời hạn Tòa án khóa Danh sách chủ nợ, các chủ nợ không đăng ký sẽ mất quyền đòi nợ Doanh nghiệp.


Leave a Reply