Rất nhiều thương vụ ngàn tỷ chìm nghỉm khi mà các sự kiện tỷ USD dồn dập đổ vào thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nhân Việt giờ đây không còn ở quá xa bảng danh sách các tỷ phú giàu có trên thế giới.
Rất nhiều thương vụ ngàn tỷ chìm nghỉm khi mà các sự kiện tỷ USD dồn dập đổ vào thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nhân Việt giờ đây không còn ở quá xa bảng danh sách các tỷ phú giàu có trên thế giới.
Cú chào sàn ấn tượng của Vincom Retail lập tức đưa doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top 24 công ty có quy mô vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán. Vincom Retail vượt qua cả Vietinbank, Masan, Petrolimex, lọt top 10 cổ phiếu lớn nhất trên TTCK. Còn VPBank cũng nghiễm nhiên nằm trong danh sách tỷ USD nói trên.
Chưa tính đến những phiên tăng giá kịch trần nhưng không có giao dịch (giá không biến động), Vincom Retail đã có vốn hóa 3,4 tỷ USD, cao hơn các ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác, trừ Vietcombank.
Trước đó, hồi cuối 2016 và đầu 2017, giới đầu tư cũng chứng kiến sự ra mắt của một loạt doanh nghiệp lớn với quy mô vốn hóa đạt tỷ USD ngay sau khi chào sàn: đại gia xăng dầu Petrolimex gần 3 tỷ USD, “ông lớn” ACV 7 tỷ USD, bia Sabeco gần 8 tỷ USD.
Sự bứt phá về giá của FLC Faros (ROS) cũng giúp ông Trịnh Văn Quyết góp thêm một doanh nghiệp có vốn hóa gần 4 tỷ USD cho TTCK.
Đầu năm 2017, Vietnam Airlines lên UPCOM cũng có vốn hóa khoảng 1,5 tỷ USD. Masan Consumer có vốn hóa gần 1,4 tỷ USD.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, hàng loạt doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD xuất hiện đã góp phần giúp TTCK Việt Nam phát triển bùng nổ về mặt quy mô. Vốn hóa của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đạt mức 100 tỷ USD, còn tính cả 3 sàn (thêm HNX và UPCOM) thì tổng vốn hóa đạt trên 130 tỷ USD (tương đương hơn 60% GDP).
Số lượng tỷ phú trên TTCK ghi nhận theo số lượng cổ phiếu trên sàn có 2 người: ông Trịnh Văn Quyết với tài sản quy từ cổ phiếu trị giá 2,7 tỷ USD và ông Phạm Nhật Vượng với 2,1 tỷ USD. Còn theo tính toán của Forbes, Việt Nam có 2 tỷ phú là ông Phạm Nhật Vượng với 3,4 tỷ USD và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO hãng hàng không VietJet) với 1,9 tỷ USD.
Tính theo phương diện thanh khoản trên sàn, TTCK Việt Nam lần đầu tiên cũng ghi nhận một phiên có giá trị giao dịch lên tới trên 20 ngàn tỷ (gần 1 tỷ USD).
Đón những đỉnh cao mới
Trái ngược với sự lo ngại về một tháng 11 u ám, thường “tệ hơn cả tháng 5 – Sell in May”, TTCK Việt Nam tiếp tục tăng dữ dội và dễ dàng vượt qua ngưỡng 850 điểm và hướng tới 11 tháng tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, thanh khoản chung trên thị trường khá thấp. Sức cầu tập trung vào các cổ phiếu lớn và dòng tiền đến chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn, cú lên sàn với gần 63 triệu cổ phiếu của Thế Giới Di Động (MWG) giữa năm 2014 khiến TTCK rúng động. Với vốn hóa lên tới 5.000 tỷ đồng, đây là sự kiện nổi bật khi đó.Trước đây, sự xuất hiện của các doanh nghiệp trong nước quy mô ngàn tỷ gây chấn động thị trường thì giờ chìm nghỉm.
Song, hiện những cú chào sàn vài ngàn tỷ như vậy không thấm vào đâu giữa các sự kiện tỷ USD trên TTCK. Đơn cử việc đại gia số 2 trên thị trường dược phẩm: Pymepharco lên sàn hôm 8/11/2017 lọt thỏm giữa các giao dịch tỷ USD của Vincom Retail. Ở mức giá 68 ngàn đồng (và tăng trần lên 81.600) giống hệt như MWG hồi chào sàn, Pymepharco (PME) có vốn hóa cũng khoảng hơn 5 ngàn tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý trong các sự kiện tỷ USD gần đây đều liên quan tới yếu tố ngoại, với hàng loạt tên tuổi quỹ đầu tư nổi tiếng như: Dragon Capital, Vinacapital, Mekong Capital, Singapore Fraser & Neave (F&N), Pyn Elite Fund (trước là Mutual Fund Elite),…
Thống kê cho thấy, khối ngoại đang nắm giữ khoảng 28 tỷ USD trong tổng số 130 tỷ vốn hóa toàn thị trường, tăng rất mạnh (khoảng 35%) so với cuối năm 2016. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng 1 tỷ USD trên TTCK Việt.
Sự tham gia tích cực của các NĐT nước ngoài đã góp phần đẩy giá hàng loạt cổ phiếu lên mức cao kỷ lục. Tốc độ tăng trưởng của TTCK Việt Nam nói chung cũng nằm trong top 10 trên thế giới. Ngoài ra, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam còn giúp thị trường sôi động, chứng tỏ sự tin tưởng của các NĐT nước ngoài vào sự ổn định của nền kinh tế, sự ổn định của đồng tiền VND,… và triển vọng chung của nền kinh tế. Đặc biệt, góp phần thay đổi kết quả kinh doanh tại từng doanh nghiệp.
Dấu ấn của khối ngoại là rất tích cực. Nhiều chuyên gia khuyến nghị Nhà nước tiếp tục mở rộng cửa, nới room, nâng tỷ lệ bán vốn tại các DNNN cho các NĐT ngoại để họ có thể vào và giúp doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người cũng lo ngại nếu các NĐT nắm tỷ lệ quá lớn, tới mức chi phối tại các doanh nghiệp đầu ngành Việt, nhất là lĩnh vực bán lẻ, thì sẽ không khó để lất lướt và chi phối thị trường cũng như sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại lớn cũng có thể gây ra những cú sốc, như khủng hoảng tài chính giai đoạn 1997-1998 tại châu Á, khi mà họ đồng loạt rút vốn.
M. Hà