Theo bà Hoa, một trong hàng chục hộ dân ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vào hôm 26/01/2018, đã phải kêu khóc vang trời dậy đất khi chứng kiến hàng ngàn cây cà phê và sầu riêng của gia đình bị nhà cầm quyền san ủi, phá sạch đặng lấy đất giao cho Chi cục Thủy sản Đắk Lắk.
Cali Today tìm hiểu thì được biết, nguồn gốc đất của gia đình bà Hoa cùng hàng chục hộ dân nơi đây có từ những năm 1970 đến cuối những năm 1990, có hộ gia đình được ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu rồi tách ra làm giấy bìa đỏ. Nhìn chung, vùng đất này hầu hết là đất do người dân khai hoang để trồng cà phê, sầu riêng và các loại cây công nghiệp.
Năm 2005, Nhà nước kêu gọi hiến đất để xây dựng đập (hồ chứa nước) Krông Búk Hạ theo Quyết định số: 1992/2005/QĐUB huyện Krông Pắk do ông Trần Ngọc Thanh là Chủ tịch ký ngày 01-8-2005. Do diện tích đất của bà con dính vào dự án nên bà con đồng ý giao đất. Nói Quyết định thu hồi do ông Trần Ngọc Thanh ký là có đền bù cho dân một ít chứ thực ra chỉ hỗ trợ là chính và dân cũng không nói năng gì vì đã đồng ý giao đất.
Sau khi đập Krông Búk Hạ làm xong, vào năm 2013, Chủ tịch Ủy ban huyện Krông Pắk ra công văn số: 334/CV-UB thì diện tích đất dư thừa các hộ dân sẽ được trả lại. Theo các hộ dân chia sẻ thì Công văn số 334/CV-UB có ghi rõ ràng là những vùng đất nào ngập nước thì thôi, còn những vùng nào không ngập tuy rằng người dân đã nhận đền bù nhưng đời sống còn khó khăn nên cho lại. Ví dụ; thu hồi 10ha thì vùng ngập nước chừng 5ha, còn lại 5ha thì không ngập nên chia làm 3, 4 khu trả lại cho người dân. Tuy nhiên, những khu xung quanh thì được Nhà nước trao Công văn số: 334/CV-UB còn khu nơi bà Hoa và hàng chục hộ dân đang ở thì chờ hoài không thấy mình được nhận Công văn 334/CV-UB. Các hộ dân cũng không nói năng gì, cũng bỏ tiền, cầm bìa đỏ đi vay ngân hàng, bỏ công bỏ sức ra san lấp làm bằng đất để làm ăn. Cuộc sống khó khăn nhưng các hộ dân cố gắng lao động để thoát nghèo.
“Tôi trồng cà phê năm 2012, còn bà con cũng trồng trọt, làm ăn không nói năng gì hết.”- Lời của bà Hoa.
Tuy nhiên, cuộc sống của các hộ dân không được ổn định bao lâu. Bà Hoa chia sẻ tiếp:
“Năm 2014, tự nhiên có một doanh nghiệp tới cắm bảng có dòng chữ là Công ty Thủy sản Nha Trang tới giành đất. Dân ở khu tôi không đồng ý. Tháng 6/2014, phía công ty Thủy sản này đến cúng kiếng, khai trương trên đất ở khu tôi, dân đuổi đi”
Chưa dừng, ngày 12/12/2015. Ủy ban tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định lấy 19.6209m2 đất cấp cho Chi cục thủy sản tỉnh Đắk Lắk theo giấy bìa đỏ số: 821588 và số: 821589 chồng lên đất của các hộ dân.
“Năm 2015, Ủy ban xã Ea Phê họp dân nói đất này là đất của công ty thủy sản, đưa ra cái bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất là ngày 12/12/2015, trong khi đó dân ở khu tôi còn 5 bìa đỏ với một chủ đất khác nữa là 6 chủ, chưa nhận tiền đền bù đợt trước. Dân ở chổ tôi đi khiếu nại tại sao cấp chồng lên sổ đất? Xã không nói năng gì hết.”- Lời của người dân.
Cũng theo lời người dân và bà Hoa chia sẻ, năm 2016 nhà cầm quyền nói đền bù cho những hộ dân chưa nhận đền bù đợt một là 80 triệu đồng/sào, còn dân ở khu vực bà Hoa sinh sống thì không đền coi như là lấy không. Sau này dân phản ứng, viết đơn từ đi khiếu nại liên tục hai, ba đợt từ xã lên tới huyện, tỉnh đùn đẩy nhau mà không trả lời dứt khoát.
Ngày 26/01/2018, Ủy ban huyện Krông Pắk ra Quyết định cưỡng chế số 33/QĐ-UBND về việc cưỡng chế, ủi đất, phá tài sản của người dân để giao đất cho Chi cục Thủy sản Đắk Lắk vốn là một doanh nghiệp, không thông qua thỏa thuận đền bù với người dân. Trước ngày cưỡng chế 15 ngày, bà Hoa cùng các hộ dân nộp đơn ra Tòa án để kiện, có giấy của Tòa án tỉnh Đắk Lắk thụ lý hồ sơ và tiền án phí theo biên lai số AA/2017/0005513. Tuy nhiên, vụ cưỡng chế do nhà cầm quyền huyện Krông Pắk đã diễn ra. Lực lượng công an, các thành phần cầm quyền ước chừng cũng mấy trăm người đã chắn tất cả ngã đường, không cho người dân tiếp cận hiện trường. Bà Hoa bất bình nói:
“Mới có 15 ngày, dân chổ tôi chưa kịp trở tay thì nữa đêm chính quyền họ ủi cây cối (tài sản) đi đâu mất. Họ chắn hết đường, công an không cho dân vào, chỉ cho người của họ vào. Họ đông lắm, ước chừng cũng hai, ba trăm người bao gồm công an mặc sắc phục và công an không mặc sắc phục, cán bộ đi vào được hết còn dân thì không cho vào. Tới khi dân chổ tôi làm hung làm dữ thì vào được thì đất của nhà tôi khoảng hơn một mẫu thì họ đã ủi hết rồi.”
“Không thể nào chịu nổi, cướp đất trắng trợn. Dân chổ tôi giờ không biết làm sao. Dân khu tôi hỏi tại sao lấy đất? ông Chủ tịch xã nói giữa cuộc họp là khu này đất đẹp. Coi như đất đẹp là họ lấy thôi, không nói năng gì.”
Không ước chừng hết thiệt hại tài sản của hàng chục hộ dân, riêng thiệt hại của hộ gia đình bà Hoa là:
“Của riêng gia đình tôi coi như là 1,5 ha đất. Tài sản của gia đình tôi thiệt hại là nhiều, 415 cây sầu riêng, 15400 cây cà phê. Sầu riêng tôi trồng mới 1 năm nên chưa thu hoạch, còn cà phê một năm tôi thu từ 4 -5tấn bình quân thu hằng năm là gần 200 triệu đồng. Đó là nói chỉ mình gia đình tôi, còn của người ta nữa.”
“30 hộ bị ảnh hưởng cưỡng chế. Họ cưỡng chế bán đất cho thủy sản, cấp bìa đỏ cho Công ty thủy sản. 30 hộ chứ có phải một mình tôi. Dân đau khổ, có người không có nhà để ở, lang thang đủ thứ”
Thông qua Cali Today, các hộ dân ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk mong các cấp cầm quyền ở Đắk Lắk và Tòa án tỉnh Đắk Lắk xem xét, thu hồi và hủy các quyết định hành chính không đúng pháp luật, trả lại đất cho các hộ dân để các hộ dân tiếp tục làm ăn, canh tác góp phần ổn định cuộc sống và làm giàu đất nước. Bà Hoa thay các hộ dân nói lời cảm ơn báo đài, dư luận khắp nơi đã quan tâm giúp đỡ. Còn việc khiếu kiện bà Hoa nghĩ chắc giống như “con kiến kiện củ khoai”, không biết có hy vọng gì hay không?
“Mong nguyện của bà con nơi chổ tôi là làm sao trả đất lại cho dân, còn tôi tổn thất có thương thì bồi thường được chừng nào hay chừng ấy chứ tôi giờ như người hết hồn hết vía rồi”- Lời của bà Hoa./.
QUÊ HƯƠNG