WESTMINSTER – Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal mới đây đã cùng đi với phái đoàn Dân Biểu Hoa Kỳ đến Việt Nam và Hồng Kong.
Sau khi trở về Mỹ, và trước khi đến Washington D.C. để điều trần trước Quốc Hội, Dân Biểu Lowenthal đã mở cuộc họp báo tại hội trường Việt Báo vào lúc 9 giờ sáng thứ Hai, ngày 11 tháng 5, 2015 để tường trình chuyến đi Việt Nam và có dịp nghe những ý kiến của truyền thông và cư dân gốc Việt. Buổi tường trình của ông được anh Lý Vĩnh Phong, đại diện văn phòng Dân Biểu thông dịch ra Việt ngữ.
Ngoài đông đủ các cơ quan truyền thông, còn có sự hiện diện của nhiều đại diện các tổ chức, hội đoàn luôn quan tâm theo dõi tình hình trong nước, trong đó có bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, các ông: Nguyễn Văn Ức, Phan Ngọc Lượng, Bùi Đẹp, Phan Tấn Ngưu, Bùi Thế Phát, Đinh Quang Truật, Lê Nguyễn Thiện Truyền, Phạm Ngọc Khôi, Đoàn Thế Cường, Đào Văn Hòa, Nguyễn Phúc Tiến, Lê Địch Hữu, Nguyễn Văn Kỳ, Nhật Nguyễn, Võ Văn Bằng, Hồ Minh Lữ, Cao Hữu Vinh và phái đoàn chùa Phật Quang, nhà báo Điếu Cày cùng một số vị đến sau không ghi danh nên ban tổ chức không kịp nêu tên.
Sau nghi thức chào cờ và lời giới thiệu của anh Lý Vĩnh Phong, Dân Biểu Alan Lowenthal cho biết, “Mục đích buổi họp báo hôm nay, tôi muốn tường trình đến mọi người những sinh hoạt của tôi lúc còn ở VN, những gì tôi đã trình bày với các giới chức lãnh đạo VN cũng như các nhà tranh đấu tại VN, đồng thời sẽ trình bày những gì tôi sẽ làm trong thời gian tới. Phái đoàn gốm ba Dân biểu là tôi, Lowenthal, Dân Biểu Matt Salmon là Chủ Tịch Tiểu Ban Á Châu – Thái Bình Dương trong Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ, Dân Biểu Tom Elmmer của Minnesota và ngoài ra có các nhân viên tháp tùng từ Bộ Ngoại Giao, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại VN và nhân viên của Ủy Ban Ngoại Giao Quốc Hội Hoa Kỳ.
“Việt Nam đang mong nuốn được gia nhập TPP (Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương) nhưng trong tháng tới này Quốc Hội còn phải xét về cái TPP do đó, tôi muốn đi VN để có dịp trình bày đến các nhân vật trong chính quyền VN, nói cho họ biết, VN cần phải làm gì, nhất là về mặt nhân quyền để trước khi Quốc Hội Hoa Kỳ có thể cho phép VN gia nhập TPP hay không. Trong ba Dân biểu, thì hai ông Salmon và Elmer đều ủng hộ VN gia nhập TPP nhưng hai ông cũng đã nói thẳng cho phía VN biết là quy chế TPP có thể Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ không thông qua được, và một trong những lý do không thông qua, là vấn đề nhân quyền tại VN hiện nay. Hai vị Dân Biểu trên cũng giới thiệu tôi với chính quyền VN và cho họ biết tôi không ủng hộ VN vào TPP, và tôi sẽ nói cho VN biết vì sao tôi không ủng hộ.
“VN hiện nay vẫn còn bị cai trị bởi một chế độ độc Đảng, Tuy nhiên VN rất muốn gia nhập TPP và có một số nhà lãnh đạo VN rất e ngại sự bành trướng của Trung Cộng qua những hành động tại Biển Đông, nên họ đang muốn tiếp cận với Hoa Kỳ để cân bằng cái sự ảnh hưởng của Trung Cộng và rất muốn gia nhập TPP với Hoa Kỳ. Tôi biết họ không thể thay đổi thể chế một sớm một chiều nhưng tôi biết họ đang rất muốn vào TPP nên tôi đã nói thẳng với họ rằng nếu họ muốn đi với Hoa Kỳ, họ phải thay đổi ngay lập tức.
“Một trong những điều tôi yêu cầu chính quyền VN, trước hết là phải ghi nhận sự hy sinh cũng như những cái chết oan uổng của người Việt phải bỏ nước ra đi tìm tự do qua biến cố 30 tháng Tư, 1975, đồng thời phải trùng tu và gìn giữ các mộ phần tại nghĩa trang Biên Hòa nơi chôn cất hơn 16 ngàn tử sĩ QL/VNCH và phải công nhận Công Đoàn độc lập không chịu sự kiểm soát của chính quyền VN.
“Tôi cũng đòi hỏi VN phải trả tự do cho tất cả những tù nhân lương tâm, tôn trọng tự do báo chí, tự do tôn giáo và các quyền tự do căn bản của con người; nhưng phía VN chối và nói ở VN không có tù nhân lương tâm; tôi nói, nếu qúy vị thực hiện những điều này, tôi sẵn sàng ủng hộ VN được hưởng quy chế TPP. Tôi cũng được biết, VN hiện nay có hai xu hướng khác nhau, một xu hướng bảo thủ muốn thân với Trung Cộng, một số muốn VN gần với Mỹ.
“Ngay khi đến Saigon, tôi đã tới thăm và chụp hình với các linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Saigon (nhà thờ Đức Bà), tôi và phái đoàn cũng đến Thanh Minh Thiền Viện gặp Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ và HT Quảng Độ đã nói với phái đoàn rằng VN hiện nay chưa có tôn giáo, bằng chứng là GHPGVNTN vẫn bị đàn áp bởi chính quyền CSVN cũng như ngài không được đi lại tự do như người dân bình thường. Tôi nghĩ rằng chuyến đi này mang lại cho các dân biểu Hoa Kỳ hiểu thêm về chế độ CS đang cai trị tại VN cũng như đời sống của người dân Việt Nam hiện nay.”
Trong lúc Dân biểu Alan Lowenthal trình bày, anh Lý Vĩnh Phong cũng chiếu lên màn hình những tấm ảnh ghi lại các cuộc tiếp xúc của Dân Biểu với một số nhà bất đồng chính kiến như Nguyễn Tiến Trung đang bị quản thúc tại gia, và đặc biệt chuyến đi này, do sự yêu cầu của phái đoàn, nhà cầm quyền đã cho anh Nguyễn Tiến Trung rời khỏi nhà đi gặp phái đoàn, Anh Nguyễn Tiến Trung cũng là người được Dân Biểu Lowenthal tranh đấu cho nhiều năm qua để anh được tạm rời khỏi nhà tù về quản thúc tại gia.
Ông Lowenthal nói tiếp, “Tôi cũng đã đề nghị phái đoàn đến thăm Nghĩa Trang Biên Hòa và yêu cầu chính quyền VNCS phải tu bổ và tôn trọng mộ phần hơn 16 ngàn chiến sĩ QL/VNCH đã chôn cất tại đây; đó là hành động cụ thể trước khi nhà cầm quyền CSVN nói đến vấn đề hòa hợp, hòa giải. Sau đó, phái đoàn cũng gặp rất nhiều những người Hoa Kỳ đang làm ăn tại VN, như công ty giày Nike và tôi đã nhắc nhở họ cũng phải có bổn phận góp phần tranh đấu cho VN có tự do, dân chủ và nhân quyền.
“Một điểm đặc biệt tôi lưu ý nhà cầm quyền CSVN là phải tôn trọng Công Đoàn Độc Lập, không được can thiệp vào nội bộ của họ. Phái đoàn cũng gặp LS Nguyễn Văn Đài, người bị tước bằng hành nghề và nhà cầm quyền luôn gây khó dễ với Luật sư Đài. Ông đã trình bày với chúng tôi rất nhiều sai phạm của chính quyền đối với các nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ. Tôi và phái đoàn cũng đã gặp một số các nhà xã hội dân sự VN, những người này đã yêu cầu chúng tôi áp lực nhà cầm quyền CSVN phải thay đổi cơ chế lãnh đạo tại VN. Điểm đặc biệt là các chuyến thăm, gặp gỡ các nhà dân chủ hay chính quyền đều có sự tham gia của Đại Sứ Hoa Kỳ tại VN, ông Ted Ofius.
“Thời điểm này, VN đang có những cuộc thảo luận với các nhà xã hội dân sự nên việc phái đoàn Dân Biểu chúng tôi đến VN lúc này là một thời điểm rất đúng lúc và quan trọng của chuyến đi. Sau đó, phái đoàn ra Hà Nội, chúng tôi đã gặp các giới chức lãnh đạo nhà nước VN như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đại diện Quốc Hội, Đại diện Văn Phòng Thủ Tướng CSVN.
“Tại những cuộc gặp gỡ này, tôi cũng nêu với họ lý do tại sao tôi không ủng hộ VN vào TPP, và đề nghị họ phải có hành động cụ thể về nhân quyền trước khi được tôi lên tiếng ủng hộ, vì tôi là đại diện cho số đông cư dân Hoa Kỳ gốc Việt Nam đang cư ngụ tại Địa Hạt do tôi phụ trách. Nên tôi cũng yêu cầu họ phải trả tự do cho các nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền gọi chung là tù nhân lương tâm. Nhưng phía CSVN nói, ở VN không có tù nhân lương tâm, chỉ co người vi phạm pháp luật. Nhưng ngay sau đó, viên chức CSVN liền nói với tôi là có thể những điều đó cần phải được thay đổi để đi đến chỗ hòa giải dân tộc.”
Sau cùng, Dân Biểu Alan Lowenthal cho biết, việc đầu tiên phái đoàn sẽ làm là Tiểu Ban Á Châu Thái Bình Dương của Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ mở những cuộc điều trần về hai vấn đề; Biển Đông của VN và sự bành trướng của Trung Cộng. Vấn đề thứ hai là tổ chức các Cộng Đoàn Độc Lập tại VN và không thể bị sự chi phối, kiểm soát của chính quyền
Phần trình bày của Dân Biểu đến đây tạm chấm dứt để các giới truyền thông cũng như qúy đồng hương đặt một số câu hỏi. Phái đoàn Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, chùa Phật Quang lên cám ơn Dân Biểu và trao tặng ông bó hoa tươi.
Sau đó nhiều câu hỏi được nêu lên; trong đó có câu hỏi của báo Viễn Đông, “Trước đây đã có nhiều phái đoàn cũng như một số viên chức Hoa Kỳ sang VN với mục đích gặp gỡ các nhà tranh đấu cho nhân quyền nhưng đều bị ngăn cản hoặc hạn chế như trường hợp Dân Biểu Loretta Sanchez. Nay phái đoàn Dân Biểu Hoa Kỳ trong đó có ông về VN và được đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Như vậy, phải chăng có một chuyển biến gì đặc biệt?”
DB. Alan Lowenthal trả lời, “Đúng vậy, có hai vấn đề khiến nhà cầm quyền CSVN phải để cho phái đoàn Dân Biểu Hoa Kỳ lần này được như vậy vì thứ nhất, nội bộ Đảng và nhà cầm quyền CSVN đang chia hai, một bên ngả về Trung Cộng, một bên muốn xích lại với Mỹ. Thứ hai là vấn đề họ đang mong muốn Hoa Kỳ cho gia nhập TPP nên chúng tôi đã được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người là như vậy.”
Dân Biểu Alan Lowenthal đại diện cư dân Địa Hạt 47 gồm các thành phố Long Beach, Westminster, Garden Grove, Midway City, Stanton, Buena Park, Lakewood, Signal Hill, Avalon, Los Alamitos, Rossmoor và Cypress.
Văn phòng Dân Biểu tại 100 West Broadway/West Tower, Suite 600/Long Beach, CA 90802. ĐT: (626) 678-7033, (562) 536-3828. Có thể nói chuyện bằng tiếng Việt với anh Lý Vĩnh Phong hoặc cô Julie Trần qua các số điện thoại trên.