Dân Mỹ ‘nóng’ hừng hực vì các vụ khám xét, bắt giữ và trục xuất

TTO – Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sắp ban hành sắc lệnh mới về nhập cư thay cho sắc lệnh ký ngày 27-1 đầy tranh cãi. Có thể nói trong những ngày này, người dân Mỹ ‘nóng’ hừng hực vì các vụ khám xét, bắt giữ và trục xuất.

Mỹ 'nóng' vì khám, bắt và trục xuất
Cảnh sát bang New Jersey bắt giữ một người biểu tình phản đối sắc lệnh về nhập cư của Tổng thống Trump hôm 23-2 – Ảnh: AFP

Tôi đến Mỹ đúng hai ngày sau khi Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh nhập cư 27-1. Khác hẳn những lần trước, sân bay vắng lặng và câu hỏi của nhân viên nhập cảnh sân bay là: “Khi nào ông quay về Việt Nam?”, thay cho câu hỏi quen thuộc trước đây: “Sẽ ở Mỹ bao lâu?”.

Ngột ngạt

Khi ra đến bên ngoài quả là khác biệt. Tại sảnh đón, người khá đông nhưng không phải chỉ là thân nhân mà còn có nhiều phóng viên báo đài. Điều dễ nhận biết đó là các máy quay được đặt nhiều nơi trước các cửa ra và liền đó là không ít các cuộc phỏng vấn vội vã. Đường từ sân bay về nhà nhiều đoạn kẹt cứng bởi các đoàn biểu tình của người dân phản ứng sắc lệnh của tổng thống…

Hơn một tháng ở Mỹ sau đó là những ngày bị “tra tấn” về các loại thông tin như chuyện đi ở, trục xuất, bắt bớ… mỗi khi có dịp tiếp xúc với cộng đồng người Việt. Thậm chí trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt cũng đầy rẫy thông tin và các cuộc phỏng vấn, phân tích về sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump. Họ dẫn chứng những điểm mới trong sắc lệnh và dù chỉ nhắm đến người của 7 nước nhưng vẫn khuyến cáo người Việt cần thận trọng.

Tôi đã không ít lần được nghe chuyện người dù có thẻ xanh (Permanent Resident) vẫn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Rồi nào là các vụ khám xét, bắt bớ, trục xuất các sinh viên du học đi làm thêm (mà chuyện du học sinh Việt Nam đi làm thêm để trang trải học phí là chuyện thường ngày ở huyện). Thậm chí tin về việc những ngày này, ai công khai việc ủng hộ tổng thống hay mặc áo đỏ ra đường cũng dễ bị hành hung…

Những tin đồn này khiến sự âu lo thấp thỏm của cộng đồng người Việt càng nóng hơn. Không ít người mà tôi biết hoặc có dịp tiếp xúc dù đã có thẻ xanh vẫn phải hủy vé về thăm người thân ở Việt Nam để đợi bản sắc lệnh mới cho chắc ăn.

Nhìn nhận tích cực hơn về tổng thống

Trên thực tế, sắc lệnh ngày 27-1 hay sắc lệnh sửa đổi sau này được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi về khoản “The Country of Concern” (Những quốc gia đáng quan ngại) đã có từ thời tổng thống Obama.

Điều này hoàn toàn bình thường giống như ông chủ nhà hoàn toàn có quyền không cho một vị khách đến nhà mình nếu như ông ta nhận thấy vị khách có khả năng làm đảo lộn cuộc sống của gia đình ông. Nhưng khó khăn của người này đôi khi lại là cơ hội của người khác và truyền thông Mỹ tập trung khoét sâu vào sự hớ hênh của sắc lệnh khi cấm cả những thường trú nhân (có thẻ xanh) đến từ 7 quốc gia có số đông dân cư là người Hồi giáo.

Cứ thử hình dung, hiện nay ở Mỹ ước tính có đến hơn 11 triệu người đang sống lén lút không có việc làm (tất nhiên là không đóng thuế), không có bảo hiểm y tế. Mỗi năm Mỹ phải tiếp nhận 110.000 người tị nạn đến từ các quốc gia bất ổn, hàng trăm ngàn đứa trẻ được sinh ra mà mẹ chúng là những người đến Mỹ bất hợp pháp hoặc bằng visa du lịch.

Thậm chí đã có một so sánh: cứ 10 người ở TP Los Angeles thì có 1 người nhập cư bất hợp pháp… mới thấy đây là vấn nạn mà chính quyền ông Trump phải tập trung giải quyết cấp bách như thế nào.

Gần một tháng ở Mỹ, tôi chưa thấy một người Việt Nam nào bị bắt hay bị trục xuất dù thỉnh thoảng có một vài vụ khám xét các cơ sở nhà hàng hay tiệm nail (nhưng đây cũng không phải chuyện mới). Cuối tuần, chính Tổng thống Trump thừa nhận bản thân ông cũng có gốc là người nhập cư (như tất cả người dân của đất nước cờ hoa này) khi bên ngoại đến từ Scotland, bên nội đến từ Đức.

Nhưng thứ mà ông và chính quyền của ông kiên quyết thực hiện đó là chống nhập cư phi pháp bởi nó không chỉ tạo gánh nặng cho xã hội, sự bất an cho một đất nước và không công bằng cho những người muốn đến Mỹ hợp pháp.

Hơn một tháng cầm quyền, có cảm giác người Mỹ vẫn còn những bất an nhưng cách nhìn vị tổng thống của mình có chút ít thay đổi tích cực hơn. Ông ấy là tổng thống Mỹ và các sách lược (từ việc kiên quyết với vấn đề nhập cư bất hợp pháp đến việc đòi tăng ngân sách cho quốc phòng) cũng chỉ nhằm bảo vệ đất nước này… là nhận định tôi thường nghe trong các lần trao đổi với dân bản xứ thay cho lời chỉ trích.

Ông Trump sẽ không cấm công dân Iraq nhập cư

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ ký sắc lệnh di trú mới, trong đó điểm đáng chú ý là xóa tên Iraq khỏi danh sách chịu các biện pháp hạn chế nhập cư vào Mỹ. Truyền thông Mỹ ngày 2-3 dẫn lời các quan chức nước này cho hay Tổng thống Trump sẽ ký vào sắc lệnh di trú sửa đổi trên trong “vài ngày tới”.

Nó cũng bao gồm một số thay đổi, ví dụ không cấm vĩnh viễn đối với người Syria vào Mỹ, thay vào đó chỉ tạm ngưng tiếp nhận người dân nước này vào Mỹ trong 120 ngày đối với trường hợp xin thị thực mới.

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ được cho đã gây sức ép lên chính quyền của ông Trump trong vấn đề Iraq, vì Tehran là nơi đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo AP. Theo kế hoạch, đáng ra sắc lệnh điều chỉnh được công bố từ tuần trước nhưng cuối cùng lại bị trì hoãn vì nhiều lo ngại trong nội các của ông Trump.

Trước đó, ngày 27-1, ông Trump ra sắc lệnh ban đầu tạm cấm nhập cư Mỹ đối với người dân từ 7 nước đa số là người Hồi giáo, trong đó có Iraq và Syria. Động thái này gây tranh cãi, dẫn tới một thẩm phán liên bang ra quyết định chặn lại sắc lệnh của tổng thống trên toàn quốc.

Để tránh tình trạng hỗn loạn tại các sân bay như lần đầu, sắc lệnh sửa đổi lần này có thể sẽ triển khai từ từ trong vài tuần, đồng thời chỉ áp dụng đối với các trường hợp xin thị thực mới. Đồng nghĩa, người đang giữ thị thực ở Mỹ – ngay cả với các nước trong danh sách cấm – sẽ không chịu ảnh hưởng, theo ABC News.

NHẬT ĐĂNG

Leave a Reply