WESTMINSTER (NV) – Người Việt ở Mỹ, đặc biệt là đàn ông, dưới cái nhìn của người Mỹ, trong mọi giao tiếp với những người khác chủng tộc, là một trong những đề tài có vẻ được nhiều người Mỹ tham gia ý kiến.
Nói đến người Mỹ, thì không thể không nhắc đến Mark Anderson, ông chồng Mỹ của Loan, một người bạn của người viết bài này.
Mark, người vào làm rể trong một gia đình Việt Nam, với ba ông anh vợ, dĩ nhiên có rất nhiều nhận xét về những người đàn ông khác chủng tộc, khác ngôn ngữ, khác văn hóa, bỗng dưng lại có ít nhiều ảnh hưởng lên đời sống của gia đình mình.
Về ưu điểm, Mark khen: “Đa số đàn ông Việt Nam có trách nhiệm với gia đình, hy sinh cho con, biết dẹp bớt đi thú vui riêng để dành thời gian cho con cái, nhất là biết chú trọng đến việc học của mấy đứa nhỏ. Ba ông anh của Loan đều như vậy…”
Có lý do khiến Mark nhắc đến việc đàn ông Việt biết dẹp bớt thú tiêu khiển riêng sau khi có gia đình. Hùng, người anh giữa của Loan, trước khi có con, là “golf buddy” của Mark. Cuối tuần nào cũng cùng Mark đi đánh golf, đến nỗi vợ Mark phải kêu lên giờ mới hiểu tâm trạng của những “golf widow.” Thế nhưng từ ngày vợ sinh đứa con trai đầu lòng, Hùng gần như bỏ rơi hẳn Mark và golf, để dành thì giờ cho con. Chở con đi học võ, ở nhà kèm bài homework, và trong thời gian con còn học trung học, tình nguyện làm coach cho một đội banh của trường.
Nhưng khen nhiều, mà phê bình thẳng thắn cũng nhiều. Dưới đây là “khuyết điểm của đàn ông Việt” dưới cái nhìn của Mark: “Bảo thủ, gia trưởng, hết sức tự ái, và có thái độ ‘đàn bà thì biết gì’ một cách quá đáng.” Mark nhận xét.
Rồi nói thêm: “Nhiều khi nghe mấy ông cứ vợ nói gì thì gạt đi, ’em thì biết cái gì mà nói’, làm tôi cũng nóng mũi dùm mấy bả.”
Đàn ông Việt Nam không chỉ là đề tài trong gia đình những lúc trà dư tửu hậu. Và nhận xét về đàn ông Việt cũng không chỉ giới hạn quanh vai trò của họ trong gia đình. Trên mạng lưới Internet, người ngoại quốc nhiều giới sốt sắng chia sẻ nhận xét của mình.
Trong diễn đàn Disqus, câu hỏi “Đàn ông Việt Nam xấu hay tốt?” nhận được 125 lời bình qua lại, gây nhiều tranh cãi sôi nổi. Hãy đọc nhận định tiêu biểu của các thành viên.
Thành viên ký tên John viết: “Đàn ông Việt Nam không thông thái lắm. Chắc chắn là không thông thái về phương diện hàn lâm, học thuật. Cái tự ái to bằng trời của họ và sự bướng bỉnh nhất định không công nhận rằng mình không biết tất cả mọi thứ, đã ngăn cản không cho họ học hỏi thêm điều gì mới. Thông thái thì không, nhưng lanh lợi láu cá thì có. Họ rất giỏi trong việc tự bảo vệ hay chạy tội khi có điều không ổn xảy ra. Kinh nghiệm làm việc chung với một số đồng nghiệp của hãng Boeing ngày xưa của tôi cho biết như thế…”
Ted Striker cho biết ông sinh sống ở Little Saigon, miền Nam California, cho nên nhận xét của ông chỉ dựa vào những kinh nghiệm có được với những người Mỹ gốc Việt ông giao tiếp ở quanh vùng.
Ted viết: “Nhiều người nói rằng đàn ông Việt lười biếng. Tôi hoàn toàn không đồng ý. Hầu hết tất cả những người Việt tôi quen biết, cả nam lẫn nữ, đều rất chăm chỉ làm việc so với nhiều người khác, nhất là người bản xứ. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì đa số người di dân qua đây đã phải bỏ tất cả để xây dựng lại từ đầu, và thế hệ con em của họ đã có được những tấm gương này từ ngày còn nhỏ.”
“Mặt khác, tôi nghĩ rằng, ở Mỹ, yếu tố lười có khi lại là một điều tốt, vì nó là chất xúc tác cho việc sáng tạo. Văn hóa của người Việt và người Trung Hoa rõ ràng là có sự khác biệt lớn. Văn hóa của người Trung Hoa có vẻ cứng nhắc hơn, và việc học của họ chú trọng vào sự ghi nhớ và làm đúng theo thủ tục, chứ không khuyến khích sự đổi mới, trong khi văn hoá Việt lại khuyến khích sự quyền biến, và những suy nghĩ ra ngoài khuôn khổ.”
Tâm sự với nhật báo Người Việt qua text chat, ông Ted Striker nói thêm:
“Tôi có người chị lấy chồng Việt Nam. Anh chàng rất dễ thương, tế nhị, chiều vợ, thương vợ. Nhưng chị tôi than là anh ‘rất bừa bãi’, lười, và nhất là lười làm việc nhà. Chị nói hình như điều này liên quan đến tập quán, người Việt Nam có quan niệm việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa là việc của đàn bà. Hơn nữa, dù sao thì thú thật tiêu chuẩn về gọn và sạch của người Á Đông nói chung vẫn chưa khắt khe như của người Tây phương.”
“Cũng có thể vì có anh rể là người Việt Nam mà tôi có nhiều thiện cảm với người Việt. Đàn ông Việt, theo tôi là một hỗn hợp của sự láu cá và thông minh. Không thấy đặc điểm này ở những văn hóa khác. Họ lẳng lặng làm việc để bảo vệ bản thân và gia đình. Họ không lớn lối và hòa nhã với người khác không có nghĩa là dễ bị bắt nạt. Tôi thực sự thích họ ở điểm này. Họ không gây rối với người khác, nhưng cũng không để người khác bắt nạt hay gây sự.”
Richard, một thành viên khác, tâm sự: “Tôi là một người Mỹ, kết hôn với một phụ nữ Việt Nam và đã ở Việt Nam tám năm trước khi về Mỹ sinh sống. Quan sát sinh hoạt gia đình của nhiều thành phố đã sống qua, tôi thấy thì lý do chính khiến đàn ông Việt Nam có những ‘tật’ như lười biếng, gia trưởng, là do cách họ được mẹ huấn luyện. Người mẹ trong mỗi gia đình có vai trò đào tạo con cái sao cho chúng có tinh thần trách nhiệm, và cho chúng biết trách nhiệm của mình là gì. Tật của đàn ông Việt Nam bắt đầu từ khi họ còn là cậu bé mới lẫm chẫm biết đi, khi đa số các bà mẹ săn sóc cho mọi tí và không bắt phải làm bất cứ một việc gì. Mặt khác, các bé gái có trách nhiệm phải chăm sóc cho các em và cả anh trai, và phải làm mọi công việc nhà ở độ tuổi còn rất trẻ. Không có gì ngạc nhiên khi lớn lên đàn ông Việt Nam có thái độ mình có quyền phải được phái nữ phục dịch.”
Tiếp xúc với nhật báo Người Việt, Richard nói thêm: “Thú thật hồi còn ở Việt Nam, tôi chẳng ưa được ông anh vợ nào cả, mặc dù trước mặt tôi, mấy ổng ngại không dám sai vợ tôi, còn với những cô em gái khác thì mấy ổng mặc sức. Sau này tụi tôi giúp vài gia đình qua đây, thì có ông đang bắt đầu thay đổi, biết phụ vợ một tay…”
Một phụ nữ ký tên là Willianna lên tiếng bênh vực cho cánh mày râu Việt: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với những lời chê bai. Bạn trai tôi là người Việt Nam và anh ấy là người dễ thương nhất đời. Anh ấy đang làm việc quá mức (cả hai chúng tôi đang cố học xong đại học). Anh ban ngày làm việc cho một ngân hàng, buổi tối đi học. Anh là người trụ cột gia đình, anh chi trả cho mọi thứ, nấu nướng, dọn dẹp. Từ ngày sống chung với nhau, anh cáng đáng hết. Tôi không phải làm gì mấy. Anh chỉ cần tình yêu của tôi. Anh chưa hề lười biếng, độc đoán, hay tự cao tự đại, anh ấy biết giá trị của mình nhưng không bao giờ tự phụ, và luôn luôn hỏi suy nghĩ của tôi về mọi việc liên quan đến hai đứa. Có thể anh khác với những người đàn ông Việt của thế hệ trước? Nhưng tôi thấy anh là người hoàn hảo.”
Đồng tình với Willianna, người ký tên là RealComments, viết: “Tôi có một anh bạn thân người Việt Nam. Chúng tôi không hẹn hò với nhau nhưng rất thân. Học chung với nhau nhiều lớp thời trung học và tham gia nhiều tổ chức trong trường. Anh ta luôn luôn là một người lịch sự, tôn trọng người khác, và nhất là siêng năng. Cha mẹ anh ta cũng thế. Nhiều người nói với tôi là đa số người Việt rất kỳ thị, nhưng tôi không thấy như vậy. Cha mẹ anh ta đối với tôi như con.”
Và Misa: “Tôi là người Đức. Tôi gặp bạn trai người Việt của tôi ở Mỹ trong thời gian du học. Tôi phải công bình mà nói là anh chưa bao giờ bắt mình tôi phải làm việc nhà, mà luôn luôn hai người cùng làm. Anh hay săn sóc tôi, và khi chúng tôi đi đâu, anh rất ít khi cho tôi trả tiền vì biết tôi đang đi học, còn nghèo. Anh cũng không có cái tự ái mà mọi người nói đến trên diễn đàn này. Có lẽ tôi được Trời phù hộ?”
Xem ra phụ nữ ngoại quốc dễ dãi hơn trong việc chấm điểm đàn ông Việt? (Hà Giang)