Nhà Trắng đã chỉ thị hải quân che giấu tàu khu trục mang tên cố thượng nghị sĩ John McCain trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Trump tới Nhật Bản vì lo sợ ông Trump phật ý.
Các quan chức chính quyền cho biết chỉ thị của Nhà Trắng để che giấu một tàu khu trục được đặt theo tên cố thượng nghị sĩ John McCain bị thúc đẩy bởi nỗi sợ tên của “kẻ thù” có thể xuất hiện trong ảnh chụp ông Trump. Tổng thống Trump gần đây đã tới căn cứ nơi con tàu USS McCain đang neo đậu vào được sửa chữa.
Nỗ lực che giấu một tàu chiến Mỹ bằng cách dùng tấm bạt khổng lồ che tên của nó, sau đó giấu nó bằng một chiếc xà lan cho thấy chính quyền Trump đã lo lắng thế nào về mối hiềm khích trong quá khứ của tổng thống. Nó cũng cho thấy nỗ lực phi thường của các quan chức để tránh khiêu khích ông Trump.
Một thành viên của hải quân đóng tại Yokosuka cho biết các thủy thủ từ tàu USS McCain không được mời đến bài phát biểu của ông Trump trên tàu Wasp tại Căn cứ Hải quân Yokosuka mặc dù thủy thủ từ hầu hết tàu Mỹ khác đều có mặt.
Mối thù Trump – McCain
Người này cho biết khi một số thủy thủ từ USS McCain, mặc đồng phục mang tên tàu và phù hiệu, xuất hiện tại Wasp để nghe bài phát biểu của ông Trump, họ đã bị mời về. Một nhân viên bảo vệ nói với hai thủy thủ rằng họ không được phép vào Wasp vì họ đến từ USS McCain.
Theo New York Times, kế hoạch che giấu con tàu đã hứng chịu sự chỉ trích vào ngày 30/5 từ các sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu. Ông Trump khẳng định ông không biết gì về kế hoạch này.
Họ nói rằng đó là nỗ lực đặc biệt để chính trị hóa các lực lượng vũ trang, trong khi các nhà lập pháp đảng Dân chủ gọi đó là sự thù hằn nhỏ mọn chống lại một anh hùng chiến tranh đã chết.
Theo một quan chức chính quyền, email hướng dẫn hải quân che khuất con tàu USS John S. McCain đến từ văn phòng hoạt động quân sự của Nhà Trắng, sau khi tham khảo ý kiến đội ngũ làm việc tại Nhật Bản.
Hải quân ban đầu đã tuân thủ mệnh lệnh bằng cách treo tấm bạt che tên tàu. Tuy nhiên, các sĩ quan cấp cao hơn đã nắm được kế hoạch và ra lệnh gỡ bỏ tấm bạt và di chuyển sà lan trước khi ông Trump đến.
“Có vẻ như ai đó trong hàng ngũ chỉ huy đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá”, Jack Keane, tướng quân đội đã nghỉ hưu, người cố vấn cho ông Trump, nói với New York Times.
Không rõ ông Trump có nhìn thấy cái tên McCain tại bất kỳ sự kiện nào trong chuyến thăm ngắn ngủi của mình hay không. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan phủ nhận biết về chỉ thị của Nhà Trắng. Hôm 31/5, trong chuyến đi tới Singapore, ông nói rằng lẽ ra không nên chuyển tàu.
Câu hỏi về việc tại sao hải quân lại thông qua việc này có lẽ sẽ đeo đuổi ông Shanahan khi ông tới điều trần trước Thượng viện trong những tuần tới.
Tổng thống Trump và cố thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain (trái) từng bất đồng trong nhiều vấn đề chính trị. Ảnh: Getty. |
New York Times nhận định ông Trump không phải là tổng thống đầu tiên chính trị hóa quân đội hay bày tỏ thù hằn với đối thủ chính trị của mình nhưng ông đã đưa cả hai hành động đến cực đoan.
Một số trong số gần 1.000 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến có mặt trong bài phát biểu của ông tại Nhật Bản đã mặc những miếng vá tròn có hình dáng giống ông Trump và dòng chữ “Make Aircrew Great Again” (Làm cho Phi đội Vĩ đại Trở lại), phỏng theo khẩu hiệu chiến dịch tranh cử của ông, trên bộ đồ bay của họ.
Cái tôi mong manh của tổng thống
Những người chỉ trích cho rằng ác cảm của ông Trump đối với McCain đã kích hoạt một loạt quyết định của các quan chức cấp thấp, những người không chỉ hạ thấp sự tưởng nhớ đối với thượng nghị sĩ mà còn không tôn trọng các thủy thủ phục vụ tàu McCain.
Ngoài cố thượng nghị sĩ McCain, con tàu còn được đặt theo tên của ông nội ông, John S. McCain Sr., đô đốc hải quân trong Thế chiến II, và cha của ông, John S. McCain Jr., đô đốc trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Ông McCain rất quan tâm đến con tàu. Ông đến thăm nó vào năm 2015 tại Việt Nam, nơi ông từng bị giam giữ như tù nhân chiến tranh.
Ông Trump cho biết ông sẽ không ra lệnh giấu con tàu nhưng ông từ chối xin lỗi các thủy thủ bị đuổi khỏi bài phát biểu của ông. Ông cũng bày tỏ sự thông cảm cho động cơ của các nhân viên của mình.
“Ai đó làm vậy vì họ nghĩ rằng tôi không thích ông ấy, được chứ? Họ có ý tốt thôi mà. Tôi không biết gì về nó. Tôi sẽ không bao giờ làm thế”, ông nói với các phóng viên.
Những người chỉ trích đổ lỗi cho ông Trump, gọi những gì diễn ra là “cuộc khẩu chiến hèn mọn chống lại ông McCain”, người đã chết năm ngoái vì bệnh ung thư não. Họ cũng chỉ trích tổng thống “chia rẽ quân đội”.
Email từ Nhà Trắng kêu gọi hải quân di chuyển McCain hoặc đảm bảo rằng nó khuất tầm mắt khiến các quan chức rơi vào thế khó. McCain đang được sửa chữa và việc di chuyển nó từ bến sẽ vô cùng khó khăn, tốn thời gian và làm trì hoãn lịch trình sửa chữa.
Các quan chức hải quân đang chật vật giải thích lý do vụ việc và tình trạng của các thủy thủ. Hai tàu tại căn cứ không tham gia vào chuyến viếng thăm của tổng thống là USS McCain và Stethem. Các thủy thủ được trao 96 giờ nghỉ cuối tuần cho Ngày Tưởng niệm chiến sĩ trận vong, thủy thủ từ các tàu khác không có được nghỉ phép lâu như vậy.
Barry R. McCaffrey, một tướng quân đội đã nghỉ hưu từng phục vụ trong chính quyền Clinton, nói trên Twitter rằng nếu ông Shanahan biết về lệnh của Nhà Trắng, ông nên từ chức.
Các ứng viên đảng Dân chủ nhanh chóng tận dụng vụ việc để chỉ trích ông Trump, đối thủ nặng ký trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
“Ông John McCain là một anh hùng chiến tranh, nên được đối xử như một anh hùng chiến tranh, bất kỳ điều gì kém hơn là do sự thấp hèn của bất cứ ai không đối xử với ông ấy theo cách đó”, ông Biden nói với các phóng viên ở Delaware.
Pete Buttigieg, thị trưởng của South Bend, bang Indiana, và là một cựu chiến binh của cuộc chiến ở Afghanistan, nói: “Đây không phải show diễn. Quân đội của chúng ta không thể bị sắp đặt. Tàu chiến và thủy thủ không phải để đem ra làm đồ chơi vì ‘cái tôi mong manh của tổng thống'”.
The New York Times