Người này đã đánh T. để lại nhiều thương tích ở vùng đầu và tay, tình trạng lơ mơ, thiếu tỉnh táo.
Câu chuyện trên nhận được 2 luồng ý kiến từ dư luận. Một bên cho rằng cơ quan công an bắt tạm giam người này là không hợp lý vì người này đang phòng vệ chính đáng, một bên thì cho rằng việc đánh trộm đến mức để lại nhiều thương tích thì cũng cần “xem xét” lại.
Tự vệ chính đáng!
Trong sự việc trên, LS Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) thì cho rằng việc người dân này chém trộm khi đột nhập nhà lúc nửa đêm là hành vi tự vệ chính đáng. Công an khởi tố vụ việc sẽ khiến dư luận hoang mang, không dám chống trả khi có trộm đột nhập vào nhà.
LS Thư cho biết Điều 22 Luật Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.
Ngoài ra, Điều 46 Bộ Luật Dân sự năm 2005 cũng có quy định cụ thể về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân như sau:
Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý. Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Trong trường hợp chủ thể có hành vi xâm phạm chỗ ở hợp pháp của người khác thì sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hành vi đột nhập nhà ở người khác vào ban đêm là hành vi trái pháp luật, không thể xác định là trộm hay cướp nên chủ nhà tự vệ là cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật về tự vệ chính đáng.
Hành vi đột nhập nhà của người khác nguy hiểm hơn nhiều đối với hành vi trộm cắp thông thường, vì người đột nhập thường mang theo vũ khí để chống trả nếu bị phát hiện. Hành vi này không chỉ xâm hại đến tài sản mà còn đe dọa đến tính mạng của gia chủ và gia đình.
Cẩn thận đi tù!
Luật sư (LS) Phạm Văn Thạnh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết hành vi của người đi ăn trộm là sai và sẽ bị pháp luật trừng phạt thích đáng tùy theo mức độ vi phạm. Còn pháp luật không cho phép bất cứ ai đứng trên pháp luật để “xử” người vi phạm.
Về luật, hành vi của tên trộm là sai, nhưng người phát hiện chỉ có biện pháp ngăn chặn không cho tên trộm tiếp tục thực hiện hành vi như hô hoán, ngăn cản hay cùng người dân bắt tên trộm để giao công an xử lý và dừng lại ở đây là đủ.
“Pháp luật không cho phép và nghiêm cấm mọi người dân dùng vũ lực để tấn công người khác dẫn đến trọng thương, dù người đó đang thực hiện một hành vi bất hợp pháp. Nếu đánh người thì có thể bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác hoặc tội Giết người”, LS Thạnh nhấn mạnh.
Do đó, LS Thạnh đưa ra lời khuyên, khi gặp trộm vào nhà mọi người hãy cố gắng hết sức bình tĩnh và khéo léo để xử lý vụ việc, đừng để chuốc họa vào thân một cách oan uổng vì khoảng cách giữa tự vệ chính đáng và cố ý gây thương tích là rất mong manh.
Vũ Phượng