Từng là lá cờ đầu của nền công nghiệp xe hơi Mỹ vào đầu thế kỷ hai mươi, vào hôm qua, 18/07/2013, thành phố Detroit, tiểu bang Michigan đã trở thành thành phố lớn nhất nước Mỹ chính thức tuyên bố phá sản.Đây là hồi kết cuộc của cả một quá trình chết dần chết mòn khởi sự từ nhiều năm nay.
Vì sao một viên ngọc quý của Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng có thể nói là nhục nhã này ? Mời quý vị nghe phân tích của Jean-Louis Pourtet, thông tín viên RFI tại Washington :
« Làm thế nào mà thành phố – vào thời kỳ hoàng kim của mình – đứng hàng thứ năm trên toàn nước Mỹ – lại lâm vào tình cảnh như vây ? Hai yếu tố giải thích điều này : Hiện tượng di dân ồ ạt, từ gần 2 triệu trong những năm 1950, xuống còn vỏn vẹn 700.000 hiện nay, và một sự suy giảm đáng kể trong nguồn thuế thu được. Khâu quản lý tài chính yếu kém đã làm phần còn lại. Detroit hiện chỉ còn là một cái bóng của thời kỳ nó được mệnh danh là thủ phủ của ngành ô tô Mỹ.
Nó đang phô bày một quan cảnh hoang tàn, với các tòa nhà bị bỏ hoang, đèn đường không sáng được nữa, các dịch vụ công cộng kém hiệu quả, tỉ lệ thất nghiệp 18% – nghĩa là gấp đôi so với phần còn lại của đất nước – và tệ nạn tội phạm rất cao.
Nợ công của thành phố lên tới gần 19 tỉ đô la. Một chuyên gia đã cố gắng thương lượng với các chủ nợ, nhưng không thành công. Thống đốc bang đã quyết định tuyên bố Detroit phá sản, cách tốt nhất để cứu vãn thành phố này. Nếu được hưởng các bảo đảm trong khuôn khổ chương 11 của luật về phá sản tại Mỹ, Detroit có thể đàm phán lại về các khoản nợ của mình.
Liệu chính quyền liên bang có thể giúp đỡ Detroit hay không ? Nhà Trắng đang theo dõi tình hình một cách chặt chẽ, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại của chủ trương thắt lưng buộc bụng, không chắc là Washington sẵn lòng cứu giúp.
Một cựu thị trưởng Detroit tuy nhiên vẫn lạc quan. Ông trích dẫn trường hợp của hai hãng chế tạo xe hơi Chrysler và General Motors, dù trong cơn hấp hối, vẫn không buông xuôi để vươn lên được trở lại, lẽ dĩ nhiên là nhờ vào bàn tay nâng đỡ của Bộ Tài chính Mỹ. Đối với nhân vật này, Detroit cũng có thể làm như vậy và trở thành một mô hình cho các thành phố khác dang trong cơn khốn quẫn.
Hiện đang ở số không, thủ đô ngành ô tô của Mỹ vẫn chưa hết hy vọng là một ngày nào đó chuyển lên được số bốn. »