🇦🇺 Di dân gốc Việt vượt qua những năm khó khăn để thành công trong ngành nông nghiệp ở Úc


Bà Nguyễn Vui, vợ ông Frank, hái soài tại nông trại của họ ở Darwin. (ABC Rural: Kieu Trinh Nguyen)


Vào ngày thứ Sáu tuần qua, 18 tháng Tám, trong mục thôn quê và nông nghiệp, đài ABC Úc đã có một bài phóng sự ngắn về những nông gia gốc Việt từng bươn chải qua những năm tháng khó khăn, để đạt được sự thành công ngày nay. Dưới đây là bài viết của nữ ký giả Kiều Trinh (Kate) Nguyễn.


Ông Frank Nguyễn làm việc trên ruộng trồng sả tại Casino. (ABC Rural: Kieu Trinh Nguyen)

Các gia đình gốc Việt đã chứng tỏ khả năng linh hoạt đáng kể, trong việc xây dựng nông trại và kinh doanh rau củ trong 40 năm qua, từ khi họ thoát khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá tan hoang.
Vào cuối thập niên 1970, nhiều người Việt Nam đã phải bỏ quê cha đất tổ vượt biên sang nước Úc, để thoát khỏi sự cai trị của chế độ cộng sản sau cuộc chiến Việt Nam.


Anh Vinh Nguyễn giữ vai trò bán hàng cho công ty của cha tại Sydney Markets. (ABC Rural: Kieu Trinh Nguyen)

Hiện giờ niềm vui sướng của họ đang được biểu lộ trong hoạt động trồng trọt và kinh doanh mà họ đã xây dựng, và vai trò của họ trong ngành ấy.

Đối với ông Frank Nguyễn, hạnh phúc không chỉ là được mùa mà thôi.
Đối với ông, được nhìn thấy những người trồng trọt giống như ông đều đạt được thành công trong công việc làm ăn đã là một phần thưởng quí giá.


Anh Toàn điều hành cơ sở của cha tại Sydney Markets trong hơn 20 năm. (ABC Rural: Kieu Trinh Nguyen)

“Lúc này tất cả chúng tôi, những người trồng trọt, đều làm ăn phát đạt. Họ có trang trại riêng, họ có nhà ở trong thành phố, cuộc sống có vẻ yên vui và họ ổn cả. Đó là phần thưởng của chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy điều đó, và chúng tôi cảm thấy vui mừng.”

Ông Frank bắt đầu trồng trọt trên một trang trại rộng 2.8 hectare ở Kenthurst, tiểu bang New South Wales. Công việc kinh doanh hiện nay tăng trưởng, để bao gồm chín nông trại trên toàn nước Úc, trong số đó có Darwin, với hơn 25,000 cây xoài.


Ông Frank Nguyễn đến Úc tị nạn với hai bàn tay trắng, nay làm chủ chín nông trại trên khắp nước Úc với trợ giúp với những người trong gia đình ông. (ABC Rural: Kieu Trinh Nguyen)

Ông đến Úc vào cuối thập niên 1970, trong số những người tị nạn Việt Nam đầu tiên chạy lánh nạn chiến tranh. Trước đó, một số người trong gia đình ông đã bị cộng sản giết chết.
Cuộc vượt biển vẫn còn sống động trong ký ức của ông.

Ông cho biết, “Chúng tôi do dự rất nhiều trước khi chúng tôi rời khỏi đất nước. Nhưng một đêm nọ, cha tôi, anh và em gái tôi bị giết chết, và một người trong số các chị em tôi bị chặt đứt bàn tay trái.”
Bà Theresa Nguyễn, em của ông Frank Nguyễn, đi trên cùng một chiếc thuyền tới Úc.
Khi đến nước này, bà chỉ là là một cô bé mới có tám tuổi.

Bà Theresa nối gót ông Frank, và bắt đầu mở cơ sở bán rau trái riêng, tên là Oriental Produce, cách đây 10 năm.

Bà nói, “Người ta nói rằng Úc là miền đất của cơ hội. Nếu bạn sẵn sàng làm việc, làm việc lâu giờ, và làm việc cho chính bạn, thì bạn có thể thành công.”

Mới đây bà Theresa bắt đầu công việc trên nông trại của bà ở vùng cực bắc Queensland. Bà nói rằng làm nông trại không dễ dàng, nhưng bà tin rằng công việc cần cù siêng năng sẽ đem lại phần thưởng.

Trong lúc thế hệ đầu tiên đến Úc liên tục chăm chỉ làm việc, và trở nên phát đạt sau nhiều năm gian khổ, thì thế hệ thứ nhì đảm nhận truyền thống và đóng góp vào công việc làm ăn của gia đình.


Bà Theresa Nguyễn đến Úc khi mới tám tuổi. Nay bà điều hành cơ sở bán sỉ rau trái tại Sydney Markets. (ABC Rural: Kieu Trinh Nguyen)

Anh Vinh Nguyễn là con trai của ông Frank. Anh làm nhân viên bán hàng cho cơ sở bán sỉ của cha, là TV Farms tại Sydney Markets.

Từ củ sen đến bắp chuối, anh là người mà bạn phải tới mua, nếu bạn đang tìm kiếm những thành phần thực phẩm ngoại lai hoặc hiếm thấy nhất cho việc nấu nướng.

Vinh cho biết, “Tôi sinh ra trong chợ rau, và tôi luôn luôn ở đó. Chợ đã trở thành một phần của bản thân tôi. Điều đó cũng tự nhiên thôi.”

Anh là đứa con thứ tám trong một gia đình 10 người. Anh làm việc trong cơ sở kinh doanh của cha mẹ, cùng với một người chị kế lớn tuổi hơn, và hai người em trai.

Tuy lớn lên ở Úc, đĐối với nhiều người con của những người tị nạn gốc Việt Nam, giá trị gia đình truyền thống lại rất quan trọng, và là một phần lý do thành công của họ.

Anh Trần Văn Toàn là chủ nhân của Asian Produce, một trong những cửa hàng đầu tiên bán sỉ trái cây và rau củ Á Châu tại Sydney Markets.

Giống như Frank Nguyễn, ông Trần Văn Chân, cha của Toàn, là một trong số những người Việt Nam đầu tiên đến úc vào cuối thập niên 1970. Cho đến đầu thập niên 1980, gia đình được đoàn tụ thông qua một visa Đoàn Tụ Gia Đình.

Anh Toàn thừa kế cơ sở kinh doanh của cha cách đây 20 năm, sau khi đến Úc lúc 15 tuổi, cách sáu năm sau khi cha anh tới đây.

Trần Văn Toàn nói rằng làm nông trại là công việc duy nhất có thể có cho nhiều người Việt Nam tị nạn.
“Cha tôi không rành tiếng Anh. Làm nông trại là cách thức duy nhất mà ông có thể làm được. Chúng tôi có xuất thân làm nông ở Việt Nam.”

Có số lượng người Việt Nam rất đông ở Sydney, Adelaide, và Darwin. Ttrong số đó, có nhiều người làm việc trên các trang trại và trong các chợ bán sỉ rau trái.

Leave a Reply