Không, không có gì để trình bày! Sau mấy lời đầy vẻ bất cần đó, Nguyễn Chánh Thi thòng một câu móc Hội đồng quân lực: “Bây giờ loại trừ được tôi, các anh đã có tất cả: an ninh quân đội, cảnh sát công an, Mỹ và đô-la của Mỹ…”.
Vĩnh Lộc đứng phắt dậy, gay gắt ngắt lời Thi khi thấy bị can bắt đầu muốn đả kích “quan tòa” và e ngại Thi lôi chuyện máy bay chở thuốc phiện ở Pleiku ra xỉa xói, tố cáo, thì ê quá. Phiên xử tạm ngưng đến hai giờ chiều. Vẫn Linh Quang Viên, thiếu tướng, tổng ủy viên an ninh trong nội các chiến tranh của Kỳ, ngồi ghế “công tố viên” nổ trước:
– Tôi xin đề nghị: trung tướng Thi đã được thưởng xứng đáng thì ông Thi phải nhận lãnh một hình phạt tương xứng với những tội trạng do ông gây ra!
Cuối lời, Viên có “vớt” xin “tỏ lượng khoan hồng dành cho trung tướng Thi một ân huệ, làm sao để giữ cho khỏi bất mãn”.
Đến lượt Nguyễn Văn Thiệu, với tư cách trung tướng chủ tịch hội đồng kỷ luật quân đội Sài Gòn, nhận xét nhân thân và quá trình phạm tội, đưa ra mức trừng phạt cụ thể đối với Nguyễn Chánh Thi.
Để bạn đọc thấy lối ăn nói “có ít xít ra nhiều” của ông Thiệu thời đó, chúng tôi giữ nguyên văn lời kết tội mà ông ta nhằm vào Thi, được Hoàng Đại Minh ghi lại trong loạt tài liệu đặc biệt đăng hàng chục kỳ báo trước năm 1975 tại Sài Gòn.
Mở đầu:
– “Nói về ông Thi trong vụ âm mưu lật đổ chính quyền thì ông Thi không có khả năng. Chính ông cũng nhìn nhận ông không có khả năng, nhưng cũng nhìn nhận ông có tâm nếu như ai lật đổ được chính phủ cho ông ta làm quốc trưởng, thủ tướng thì ông cũng làm. Vì mặc cảm tự cho ông là anh hùng cách mạng. Khi về đây (ý nói lúc ông Thi làm đảo chính hụt Ngô Đình Diệm, phải sống lưu vong 3 năm tại Nam Vang (Campuchia), và về lại Sài Gòn sau ngày 1.11.1963 – MN), hồi ông Dương Văn Minh bắt ông ra ngoài đó ông được uy tín với miền Trung. Ông ráng tạo uy tín đó đến khi nào có chuyện gì ông sử dụng cái uy tín đó. Cũng vì ông như vậy người ta lợi dụng ông. Thật sự ông cũng có tham vọng. Ông thường chỉ trích chính phủ trung ương là ông Kỳ làm không nên thân, mấy cha trong này nói cách mạng miệng chớ không làm gì hết!”.
Với cương vị “quốc trưởng” và về sau là “tổng thống”, Thiệu vẫn không chữa được lối nói thiếu khúc chiết, vòng vo trước đám đông, từa tựa như trên. Một dạo dân chúng miền Nam, nhất là thanh niên sinh viên học sinh không nhịn được cười khi nghe Thiệu phát biểu trên truyền hình, đại loại như: “Tại Mỹ nó làm áp lực tôi thế này thế nọ. Đó là lịch sử”(!). Ở đây, tiếp tục hài tội Nguyễn chánh Thi, Thiệu thỉnh thoảng chen vài tiếng Tây, tiếng Mỹ vào:
– “Thấy ông có khả năng ở miền Trung thôi chứ tham vọng của ông rất lớn (?). Nói về Complicite (tiếp tay) với đối phương thì rất ít, sự đồng lõa với đối phương trong vụ tranh đấu này cũng rất ít (…). Bởi vì trách nhiệm của người chef militaire (sếp quân đội) cách chức ông rồi tự nhiên ông không còn quyền hạn gì để mà bàn cãi. Nói về phản bội anh em một cách trắng trợn hay là vi phạm cái danh dự quân đội, tôi thấy cái trường hợp của ông không có cái hành động rõ rệt. Nếu như ông có chủ trương ông làm thì ông khó ngụy trang công việc của ông. Nhưng mà khi nói về cái nhân phẩm của ông đối với tướng lĩnh thì phải nhìn nhận rằng ông Thi thứ nhất là con người dễ bị sách động, dễ bị nâng lên, thổi phồng lên, dễ khiến ông làm một việc gì! Thành thử trong cái giai đoạn khó khăn của nước nhà này nếu như mai mốt, trở đi trở lại như thế này mãi đó (ý nói cuộc biến động miền Trung tái phát – MN), rủi ro có chuyện gì cho mình trong lúc mà họ (những người lãnh đạo đấu tranh chống Thiệu – Kỳ – MN) khai thác được ông Thi thì cũng là một mối lo ngại rất lớn. Do đó tôi thấy rằng làm sao cho ông Thi đừng có tiếp xúc với ai hết. Ông đừng có cái cơ hội vật chất nào (?), cái sự thuận tiện nào để ông có thể lợi dụng ở trong lãnh thổ”.
“Ở trong lãnh thổ” có lẽ ý nói ở trong nước. Đừng để ông Thi “có cơ hội vật chất” có lẽ không để ông nắm thực quyền. Tóm lại ý Thiệu muốn nói: Thi phải bị cách thức và đẩy ra nước ngoài. Đúng là Thiệu, Kỳ và cả 20 tướng trong phiên tòa là những người nắm quyền cao nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ rất sợ sự có mặt của những “chuyên viên nổi dậy” và “sẵn sàng nổi dậy” như Nguyễn Chánh Thi. Huống gì “sự có mặt” đó kèm theo lực lượng ủng hộ, làm đảo chánh được chứ?
Trong các tội của Thi, Thiệu – Kỳ rất ớn “tội” nắm thực quyền. Mặc dầu bị cách chức tại Sài Gòn trước ngày biến động miền Trung, nhưng theo “tin tức riêng” của tướng Westmoreland, “trên thực tế Thi vẫn nắm chặt quyền chỉ huy sư đoàn I quân đội Nam VN” và đã “tung ra những lời tuyên bố gay gắt từ một nơi bí mật tại Huế”. Nơi bí mật mà Westmoreland đề cập tới hẳn là chùa thiền, các trụ sở đấu tranh của sinh viên học sinh hoặc doanh trại binh lính ly khai… Do vậy, Nguyễn Văn Thiệu cày lui cày tới quanh biện pháp cô lập hẳn Nguyễn Chánh Thi. Nhân danh “chủ tịch hội đồng kỷ luật” đồng thời “chủ tọa phiên tòa”, Thiệu đanh lại:
– Theo tội ông Thi thì phải phạt ông, phạt tối đa và quân kỷ nhưng mà cái quan trọng là phải cô lập hẳn đừng cho ông nắm một cơ hội, đừng cho ông có một phương tiện (…). Nếu như con người ông mà có cơ hội thuận tiện, có phương tiện được thúc đẩy, hoặc được bơm lên, thì bấy giờ ông làm super man (siêu nhân) ông cũng làm. Tóm lại biện pháp của tôi là phải phạt quân kỷ tối đa. Quan trọng nhất là phải cô lập ông, đừng cho ông có cơ hội tiếp xúc để cho mình qua các giai đoạn thật là “nguy hiểm (ý muốn nói vượt qua hẳn biến động miền Trung để củng cố bộ máy cầm quyền giai đoạn đó – MN). Theo tôi bây giờ thì cái ý định của tôi đưa ra cho các anh em (Hội đồng quân lực Sài Gòn) thấy không cho ông đi ngoại quốc với tính cách cá nhân của ông thì phải cô lập ông một chỗ nào xa lánh thời cuộc, chính trị, phương tiện, đại đức, thượng tọa v.v… Làm sao cho ông đừng tiếp xúc với quân nhân, làm sao cho ông như người đi tu vậy!
Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Bảo Trị không đồng ý với Thiệu phạt ông Thi “như người đi tu vậy”, tại sao?(còn nữa)
Mai Nguyễn