Các câu hỏi xoay quanh số phận của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được đặt ra sau vụ khám xét nhà chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Việc cựu Tổng thống Donald Trump có thể đã mắc sai phạm khi đưa tài liệu chính phủ ra khỏi Nhà Trắng – vốn không được phép theo luật liên bang – đặt ra câu hỏi: Liệu ông có bị buộc tội hay không?
Một số chuyên gia pháp lý đã nhanh chóng suy đoán là có, mặc dù họ vẫn chưa rõ một cựu tổng thống Mỹ có thể bị Bộ Tư pháp nước này buộc tội xử lý sai tài liệu như thế nào, theo CNN.
Trong khi đó, cựu cố vấn khác của ông Trump nói rằng rất có thể sẽ không có vụ án hình sự nào diễn ra, nhưng nói thêm: “Nếu tôi là ông Trump, tôi sẽ xem xét nó một cách nghiêm túc”.
Ngày 8/8, FBI đã bất ngờ khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump trong cuộc điều tra về việc xử lý hồ sơ của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, CBS News và Politico xác nhận.
“Theo yêu cầu của luật pháp, mọi loại tài liệu tổng thống cần được giữ gìn. Về mặt pháp lý, chúng không thể bị tiêu hủy chỉ vì tổng thống muốn. Ông (Trump) không thể mang chúng đi, bán lấy tiền hay gửi cho một chính phủ nước ngoài mà ông ấy thích”, Michael Beschloss, nhà sử học chuyên nghiên cứu các đời tổng thống Mỹ, nói.
Ông Trump có quyền giữ hay hủy hồ sơ chính phủ hay không?
Đạo luật Hồ sơ Tổng thống năm 1978 đã vạch ra các cách thức lưu trữ hồ sơ trong nhiệm kỳ tổng thống, cũng như quy trình chuyển giao sau khi kết thúc một chính quyền.
Tuy nhiên, dựa trên báo cáo của CNN, dường như cựu Tổng thống Donald Trump đã không tuân thủ đạo luật này trong nhiệm kỳ của mình. Thay vào đó, nhiều tài liệu chính thức của Nhà Trắng đã bị xé toạc hoặc xả vào bồn cầu. Ít nhất 15 thùng hồ sơ khác cũng từng được chuyển đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida.
Theo New York Times, một số thùng được thu hồi vào tháng 2 từ Mar-a-Lago chứa các tài liệu mà Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã phân loại là thông tin mật.
Các chuyên gia pháp lý nói với CNN rằng việc lưu giữ hoặc tiêu hủy trái phép tài liệu của Nhà Trắng là dấu hiệu nguy hiểm. Luật hình sự nghiêm cấm xóa hoặc tiêu hủy các tài sản của chính phủ, và cá nhân sẽ bị buộc tội nếu cố tình vi phạm luật.
“Nếu đây là hành động cố ý, việc phá hủy các tài liệu mật là một tội ác liên bang”, nhà phân tích pháp lý Elie Honig cho biết.
Là một cựu tổng thống Mỹ, ông Trump có nghĩa vụ bảo vệ những thông tin mật mà ông nhận được khi ngồi trên chiếc ghế tổng thống.
Tuy nhiên, ông Trump có thể khẳng định rằng trong lúc mình còn làm tổng thống, ông có quyền quyết định giải mật tài liệu, và rằng các tài liệu ông mang về nhà riêng không còn là tài liệu mật.
Nhưng quyền lực đó đã chấm dứt khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống và không rõ liệu ông có giải mật bất cứ hồ sơ nào được giữ tại Mar-a-Lago trong khi ông vẫn còn tại nhiệm hay không.
Theo ông David Laufman, một cựu quan chức an ninh của Bộ Tư pháp Mỹ, dựa theo thói quen giải quyết tài liệu chính phủ của vị cựu tổng thống, có lẽ ông Trump và nhân viên thân cận đã không chính thức giải mật. Nhưng việc ông có quyền này có thể gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra, khi rất khó có bằng chứng chính xác.
Trước đây, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Bill Clinton, Sandy Berger, từng bị truy tố vì lấy các tài liệu mật khỏi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia bằng cách nhét chúng vào quần.
Hơn nữa, các luật hình sự khác cũng có thể có hiệu lực nếu cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ được tiến hành.
“Nếu mục đích (của ông Trump) là ‘hãy để tôi lấy những tài liệu này ra vì chúng có thể gây hại cho tôi trong một cuộc điều tra, một vụ kiện’, thì chúng ta đang nói về khả năng cản trở công vụ. Và vấn đề nằm ở chi tiết này”, ông Honig nói trên CNN.
Điều gì sẽ xảy ra với ông Trump?
Mặc dù vậy, vụ án liên quan đến sai phạm xử lý tài liệu mật quốc gia có thể trở nên phức tạp. Đó là bởi vì không có hệ thống trung tâm nào trong chính phủ liên bang chuẩn hóa những tài liệu được phân loại. Các cơ quan khác nhau có thể có quan điểm khác nhau và đưa ra những yêu cầu phán xét về tài liệu mật khác nhau.
Theo một chuyên gia pháp lý, người từng xử lý các vấn đề phân loại tài liệu mật trong chính phủ, ông Trump có thể lập luận rằng với tư cách từng là tổng thống, ông là người có thẩm quyền giải mật cuối cùng nên việc mang tài liệu đến tư dinh là chấp nhận được.
Cũng theo các chuyên gia mà CNN phỏng vấn, ông Trump khó bị buộc tội theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống bởi trên thực tế, luật này không thể thực thi một cách có ý nghĩa được, George Clarke, luật sư đã làm việc trong hai vụ kiện về các hoạt động lưu giữ hồ sơ của ông Trump, cho biết.
Trong các vụ kiện của ông, các nhà sử học và lưu trữ đã phàn nàn rằng nhiều ghi chú cùng bản dịch về những cuộc gặp của ông Trump với nhà lãnh đạo nước ngoài không tồn tại hoặc không có.
Cựu tổng thống cũng được cho là thường tránh dùng điện thoại công vụ, mà sử dụng điện thoại di động cá nhân hoặc của các phụ tá.
Nhưng các tòa án đã bác bỏ các trường hợp này, lập luận rằng thẩm phán không có quyền quản lý chi tiết như vậy đối với hoạt động của tổng thống.
“Thật là bực bội”, ông Clarke nói khi nhìn lại các vụ kiện của mình. “Tất cả trường hợp chúng tôi đưa ra đều cho quá trình lưu trữ hồ sơ tồi tệ như thế nào và họ đã vi phạm không biết bao nhiêu lần”.