Doanh nghiệp Việt bắt đầu “từ chối” hàng Trung Quốc

Trước những diễn biến trên biển Đông, một số doanh nghiệp Việt vốn đang nhập hàng từ Trung Quốc đã bắt đầu chuyển nguồn hàng kinh doanh.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”bieu tinh Trung Quốc” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”]

Doanh nghiệp Việt chuyển hướng làm ăn
Chuyên kinh doanh trong lĩnh vực trang trí nội thất và nhập khẩu hàng Trung Quốc đã được 2 năm nhưng kể từ 1 tuần nay Giám đốc Công ty TNHH Tấm ốp trang trí 3D Vũ Xuân Nam (trụ sở Vĩnh Hưng – Hoàng Mai – Hà Nội) bắt đầu có ý định chuyển nguồn hàng.
“Công ty tôi chuyên thi công các công trình nội thất và có nhập hàng từ bên Trung Quốc. Doanh thu hàng tháng cũng ổn, và mặc dù cho đến nay việc nhập khẩu hàng không có gì khó khăn, song tôi đang tìm hiểu thêm một số nguồn hàng ở Hàn Quốc để thay đổi đơn vị cung cấp.
Thực tế hàng Trung Quốc có giá khá rẻ, nhưng bây giờ người ta cũng thích hàng nội thất có chất lượng tốt nên tôi nghĩ việc chuyển hướng sang nguồn hàng khác cũng hợp lý” – anh Nam tâm sự với Một Thế Giới.
Kể từ 1 tuần nay, công ty của anh Vũ Xuân Nam vốn hay nhập khẩu nội thất từ Trung Quốc đã bắt đầu có ý định chuyển nguồn hàng
Đại diện cho công ty TNHH Tin Việt (trụ sở phố Lò Đúc – Hà Nội), anh Hoàng Trường Giang cũng cho biết, việc nhập khẩu gạch men từ bên Trung Quốc sang không có gì khó khăn.
“Khó khăn thì không nhưng lượng hàng bán ra không được như trước nên dạo gần đây tôi cũng nhập về số lượng ít hơn. Thấy mọi người phản đối Trung Quốc rất nhiều nên mình cũng muốn là người yêu nước. Có lẽ thời gian tới sẽ chuyển sang kinh doanh hàng khác” – anh Giang cho biết.
Tương tự, chia sẻ với Một Thế Giới, chị Vũ Thị Thu – Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang Q.T (Quang Trung – Hà Đông – Hà Nội) cho biết, công ty chị đã từ chối nhập hàng quần áo Trung Quốc từ 3 ngày nay và đơn hàng đầu tiên từ Thái Lan đang chuẩn bị về đến nơi.
“Công ty tôi có 3 cửa hàng ở Hà Nội. Trước đây, chúng tôi chuyên nhập hàng Quảng Châu về bán nhưng sau sự kiện biển Đông tôi đã quyết định chuyển sang bán quần áo Thái Lan. Thực ra ý định này đã có từ lâu, chỉ là vào thời điểm này có thêm động lực để thực hiện” – chị Thu nói.
Công ty du lịch “ế ẩm” khách đi Trung Quốc
Cùng chung cảnh ngộ với nhiều doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh liên quan đến Trung Quốc, trao đổi với Một Thế Giới, bà Thúy Hiền – đại diện công ty Thương mại và Dịch vụ Sen Vàng (số 389 Đông Kim Ngưu, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, lượng khách hủy tour đi Trung Quốc tiếp tục tăng trong vài ngày gần đây.
“Thời điểm trước khi Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, lượng khách hàng đặt tour đi Trung Quốc vẫn khá nhiều. Nhưng khi xảy ra vụ việc thì số lượng khách hàng gọi đến nhờ tư vấn và hỏi về tour du lịch Trung Quốc ít hẳn, giảm khoảng 50%. Còn khách hàng hủy tour cũng tăng khoảng 20 – 30%” – bà Hiền cho biết.
Cũng theo bà Hiền, ngoài vấn đề khách hàng người Việt không đặt tour đi Trung Quốc thì việc làm visa, đặt phòng khách sạn… từ bên Trung Quốc vẫn bình thường, không có gì khó khăn.
Lượng khách Việt Nam hủy tour đi du lịch Trung Quốc ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa)
Cũng rơi vào tình trạng chung giống như các công ty du lịch, trao đổi với Một Thế Giới đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sáng tạo Đông Dương – Viettimes Travel (số 39, ngõ 121, Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 – 20 khách hàng gọi điện hoặc đến để tìm thông tin du lịch Trung Quốc, nhưng thời gian gần đây đã giảm xuống khoảng 2 – 3 người mỗi ngày, ngày nào cao thì cũng chỉ 5 người.
“Vào thời điểm này thì hầu như khách du lịch đều phân vân, không muốn đi Trung Quốc. Số lượng khách hủy tour cũng khoảng 10%, so với nhiều công ty du lịch khác thì con số này không phải là nhiều. Nhưng vì phần lớn khi khách đặt tour thì cũng đặt luôn phòng khách sạn và nhiều dịch vụ khác bên Trung Quốc nên nếu hủy thì sẽ thiệt hại rất nhiều.
Mặc dù chúng tôi cũng không muốn tổ chức tour vào thời điểm nhạy cảm thế này nhưng vì mọi thứ đều đã được đặt sẵn từ trước nên việc hủy rất khó khăn” – đại diện Viettimes Travel nói.
Cũng theo đại diện công ty này, các dịch vụ đặt bên Trung Quốc đều không có gì trở ngại, khó khăn.

Sức mua hàng Trung Quốc giảm mạnh

 

Sức mua hàng Trung Quốc giảm mạnh
Sự kiện Biển Đông đã có tác động không nhỏ đến tâm lý tiêu dùng khiến thị trường hàng Trung Quốc giảm sút mạnh so với thời gian trước. Trong khi đó, hàng Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng gia tăng.
Hàng Trung Quốc “thất thế”
Theo khảo sát của Một Thế Giới tại Hà Nội, hàng Trung Quốc vẫn chiếm thị phần lớn, dù tại các chợ nhỏ lẻ cho đến một số siêu thị lớn.
Chị Nguyễn Hạnh Nguyên (204 Trần Khất Chân – Hà Nội) mở cửa hàng tạp hóa đã được hơn 3 năm nay, trong đó 80% hàng hóa tại cửa hàng của chị có nguồn gốc từ Trung Quốc, chỉ khoảng 20% là hàng Việt Nam và hàng Thái Lan.
“Hàng Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã đẹp nên từ trước đến nay đều bán chạy hơn rất nhiều so với hàng Việt Nam hay hàng Thái. Nhưng kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam đến nay thì lượng hàng Trung Quốc bán ra ở cửa hàng tôi đã có xu hướng giảm, và tôi thấy càng lúc càng giảm mạnh hơn.
Chẳng hạn như một con dao hàng Trung Quốc có giá 20.000 đồng, còn một con dao cùng kích thước nhưng hàng Thái hoặc hàng Việt Nam có giá 35.000 đồng thì trước kia người ta sẽ chọn mua con dao hàng Trung Quốc, nhưng bây giờ nhiều người chuyển sang mua hàng Việt Nam. Ngoài ra nhiều mặt hàng khác cũng như vậy” – chị Nguyên cho biết.
Không chỉ riêng cửa hàng của chị Nguyên, một số tiểu thương buôn bán trên phố Bạch Mai cũng cho rằng, người dân gần đây có xu hướng chọn hàng Việt hoặc hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhiều hơn là hàng Trung Quốc.
Sự kiện Biển Đông đã có tác động không nhỏ khiến tâm lý tiêu dùng khiến
thị trường hàng Trung Quốc sụt giảm
Phân tích cụ thể điều này, chị Phạm Thanh Xuân (chủ cửa hàng chuyên bán đồ cho trẻ em tại Bạch Mai) so sánh về lượng hàng Trung Quốc và lượng hàng Việt Nam, Thái Lan bán ra trong những ngày gần đây.
“Ví dụ như ngày hôm qua (12.5), gần 90 sản phẩm bán ra trong ngày thì chỉ khoảng 50 sản phẩm là hàng Trung Quốc, còn gần 40 sản phẩm là hàng Thái Lan. Trong khi mới tuần trước, thì tỉ lệ này phải 70 sản phẩm hàng Trung Quốc, còn 20 sản phẩm là hàng Thái Lan. Còn nếu so sánh về giá cả thì hàng Trung Quốc rẻ hơn so với hàng Thái Lan, chỉ một số sản phẩm mỹ phẩm thì có giá ngang bằng nhau” – chị Xuân nói.
Mặc dù không thể hiện rõ lắm về xu hướng mua sắm của người dân trong thời gian gần đây bởi cửa hàng của anh Nguyễn Văn Tuấn (Bạch Mai – Hà Nội) bán quần áo Quảng Châu đã gần 2 năm, song những ngày nay cũng ghi nhận sự sụt giảm mặt hàng này.
“Không biết là do dạo này nắng nóng quá hay vì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng mà mấy ngày nay doanh thu cửa hàng tôi giảm nhiều quá. Theo suy luận của tôi thì chắc là vì người ta đang tẩy chay hàng Trung Quốc, vì mấy cửa hàng ở gần đây cũng bảo là hàng Trung Quốc bán kém hơn cả” – anh Tuấn nói.

Tại TP.HCM, theo ghi nhận của Một Thế Giới, các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc tại các chợ, quầy hàng nhỏ đều ế ẩm, không có người mua.

Ở các chợ buôn nhỏ, các gian hàng trái cây Trung Quốc vắng vẻ người mua. Thậm chí, tại nhiều gian hàng, trái cây đã chuyển sang hư, thối rữa. Chị Nhung, chủ sạp hàng trái cây, ở chợ Tăng Nhơn Phú (quận 9) lắc đầu ngán ngẩm: “Mấy hôm nay trái cây của Trung Quốc như táo, lê, nho… bán không ai mua. Chị cứ sáng dọn ra, tối dọn vào. Em thấy đó, không ai mua nên giờ nó dập nát hết rồi kìa.”.

Thay vào đó, các gian hàng trái cây có xuất xứ từ Việt Nam đều bán rất chạy. Người tiêu dùng chọn cho mình những trái cây tươi, ngon từ miền Tây Nam Bộ chuyển lên. Chủ một hàng trái cây trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2 cho biết anh đã chuyển sang bán trái cây có nguồn gốc từ miền Tây thay vì bán hàng Trung Quốc như trước đây. Anh cũng cho biết thêm là sẽ không nhập trái cây Trung Quốc về bán như trước nữa bởi có nhiều rủi ro.

Các gian hàng đồ chơi Trung Quốc cũng chung cảnh ngộ. Người lớn bây giờ rất dè chừng khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Trên các đồ chơi nếu có chữ Trung Quốc thì không một ai lựa chọn. Họ chuyển sang mua các đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng. Các đồ chơi làm bằng gỗ được sản xuất trong nước rất được lòng người tiêu dùng.

Hàng Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam “lên ngôi”
Sự giảm sút của hàng Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc các loại hàng hóa có nguồn gốc từ Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam lên ngôi.
Hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… bán chạy trong thời gian gần đây (Ảnh: Thụy Miên)
Tại siêu thị mini chuyên bán hàng Nhật Bản tại phố Tây Sơn (Hà Nội), chị Nguyễn Hương – chủ cửa hàng cho biết, doanh thu trong 3 ngày gần đây ở cửa hàng chị đã khả quan so với trước.
“Cửa hàng tôi cũng có một trang Facebook và nhân sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam tôi đã đẩy mạnh quảng cáo cho cửa hàng mình nên bán chạy hơn hẳn. Suy cho cùng thì hàng Nhật Bản hay Hàn Quốc, Việt Nam đều có chất lượng tốt và an toàn hơn hẳn so với hàng Trung Quốc. Không phải vì sự kiện này mà tôi mới nói thế, nhưng từ trước đến nay những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm hay sức khỏe người dân hầu hết đều bắt nguồn từ hàng Trung Quốc” – chị Hương nhận định.
Cùng nhận định với chị Hương, chị Nguyễn Thị Thu – chủ siêu thị bán hàng Thái Lan trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), giải thích rõ hơn về việc cửa hàng chị bán chạy trong nhiều ngày gần đây.
“Nếu so sánh giữa hàng Thái Lan với hàng Trung Quốc, nhiều người thường nghĩ là hàng Thái đắt hơn, nhưng thực ra không phải thế. Các đồ gia dụng của Thái Lan có mức giá bằng, thậm chí còn rẻ hơn hàng Trung Quốc. Kể cả mỹ phẩm hay quần áo cũng thế, chất lượng vừa tốt hơn mà giá cả tương đương hoặc rẻ hơn” – chị Thu cho biết.
Ngoài ra, theo ghi nhận của Một Thế Giới, tại một số siêu thị bán hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên phố Trần Duy Hưng, Huỳnh Thúc Kháng, Đội Cấn… cũng có doanh thu trội hơn so với trước.

Tại các cửa hàng quần áo ở TP.HCM, người tiêu dùng cũng lựa chọn cho mình các sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan hoặc của Việt Nam. Thanh Thảo – chủ một của hàng quần áo tại quận 2, cho biết “Khách mua hàng bây giờ chọn quần áo kỹ lắm. Nếu không có nhãn mác thì họ e dè lắm, ai cũng sợ hàng Trung Quốc. Nếu có chữ Hoa thì thôi rồi, không ai mua. Quần áo có chữ Thái Lan hoặc Việt Nam thì bán cũng được lắm”.

Ở các siêu thị, lượng người tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc trong nước có dấu hiệu tăng. Các mặt hàng như bánh kẹo, thức ăn đóng hộp, thực phẩm tươi…. được người mua hàng lựa chọn. Anh Hữu Thắng (Bình Thạnh) cho biết: “ Trước kia, thỉnh thoảng tôi có mua một số sản phẩm của Trung Quốc vì mẫu mã đẹp. Nhưng từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan tới giờ, tôi không chọn mua hàng Trung Quốc nữa. Bây giờ tôi chuyển qua mua hàng nội thôi. Nó vừa an toàn, tươi ngon mà giá cũng phải chăng. Người Việt phải ưu tiên dùng hàng Việt chứ”.

Thụy Miên – Phan Diệu

Leave a Reply