Lần đầu tiên trong 4 đời tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tính đảo ngược chính sách “đồng USD mạnh”. Điều đó có nghĩa là đồng USD có thể sẽ được dùng như một vũ khí trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước, thách thức Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và cả châu Âu.
Thách thức các đối tác lớn
Chỉ trong vòng 3 tuần ở cương vị Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã khiến cho các đồng minh cũng như đối thủ của mình lo lắng. Nhật – đồng minh thân thiết của Mỹ cũng tỏ ra lo lắng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã 2 lần sang Mỹ để bàn thảo.
Sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong ngày làm việc thứ 3 tại Nhà Trắng cùng với lời cáo buộc Nhật trục lợi khi buôn bán với Mỹ… đã gây ra làn sóng lo ngại tại Nhật Bản.
Cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhanh chóng được thu xếp tại Washington 3 tuần sau khi ông Trump vào Nhà Trắng. Cuộc gặp với sự có mặt của bộ trưởng tài chính Nhật Taro Aso và Ngoại trưởng Fumio Kishida có mục đích không gì khác chính là để giải quyết những rủi ro có thể gây khó khăn cho quan hệ thương mại – đầu tư giữa 2 đối tác lớn.
Ông Donald Trump và Shinzo Abe. |
Trước đó, ông Trump đã buộc tội các nhà sản xuất ô tô của Nhật đã lợi dụng thực tiễn thương mại không công bằng và Nhật duy trì một đồng Yên yếu. Còn cố vấn thương mại cao cấp Peter Navarro của ông Trump cũng đã cáo buộc Đức trục lợi từ việc đồng Euro bị phá giá quá mức để nền kinh tế lớn nhất châu Âu giành lợi thế cạnh tranh và đạt thặng dư thương mại với Mỹ ở mức kỷ lục trong năm 2016.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phủ nhận cáo buộc của chính quyền Donald Trump. Bà Merkel và một số nghị sỹ Đức cho biết họ gây sức ép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ để tránh nước Đức bị mang tiếng.
Việc chỉ trích các đối tác thương mại lớn duy trì một đồng tiền yếu được ông Donald Trump thực hiện từ trước và cả sau khi lên cầm quyền. Ông Trump thậm chí muốn dùng tiền thuế nhập khẩu hàng hóa Mexico lên tới cả chục tỷ USD để xây tường biên giới giữa 2 nước.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ dán nhãn Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá ngay trong ngày đầu nhậm chức. Tuyên bố này cho đến nay chưa được thực hiện nhưng đây vẫn được xem là một rủi ro rất lớn, có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế số 1 và số 2 trên thế giới.
Ông Trump tính đảo ngược chính sách “đồng USD mạnh”. |
Thế cờ Donald Trump thách thức thế giới
Trên thực tế, cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng đã diễn ra mà không có bất cứ một kết quả nổi bật nào về chính sách tiền tệ của 2 bên được công bố
Vấn đề tỷ giá đồng yên Nhật được xem là rất khó giải quyết bởi chính phủ ông Abe độc lập với NHTW nước này. Nước Nhật vẫn đang nỗ lực phục hồi và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, việc tăng giá đồng yên không hề dễ dàng.
Chính sách tiền tệ của Nhật hiện vẫn chưa có gì thay đổi. NHTW nước này (BOJ) cho biết sẽ duy trì chương trình nới lỏng tiền tệ hiện nay hướng tới mục tiêu lạm phát 2% và giảm lãi suất dài hạn để kích thích tiêu dùng và đầu tư nhằm vực dậy nền kinh tế.
Cho dù đồng Yên Nhật đã giảm khoảng 10% so với đồng bạc xanh kể từ khi ông Donald Trump có chiến thắng bất ngờ hồi đầu tháng 11 năm ngoài nhưng Nhật vẫn đang theo đuổi chính sách lãi suất thấp, kiểm soát đường cong lãi suất với mục tiêu giữ lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%.
Dân túy, bảo hộ được xem là trọng tâm trong các chính sách của Doanld Trump. |
Chính quyền nước Đức cũng không muốn quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng do thặng dư thương mại Đức với Mỹ lên mức cao kỷ lục. Nước Đức đang đổ lỗi đồng euro giá thấp là do chính sách của ECB.
Trong khi đó, Trung Quốc gần đây đã phải nỗ lực để ngặn chặn đà lao dốc của đồng Nhân dân tệ (NDT). So với đỉnh cao, Trung Quốc đã mất khoảng 1 ngàn tỷ USD, dự trữ ngoại hối giảm từ 4.000 tỷ USD xuống còn hơn 3.000 tỷ USD.
Gần đây, ông Trump bất ngờ có sự thay đổi về một số vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc. Với tính cách và quan điểm đã công bố, ông Trump có thể sẽ không dễ nhượng bộ về vấn đề thương mại.
Trên thực tế, chiến lược đồng USD yếu trước đó cũng đã nhiều lần được các đời tổng thống trước áp dụng. Ngay cả ông Bill Clinton, thời gian tranh cử tổng thống, ông cũng tập trung chỉ trích Nhật gây ra tình trạng nhập siêu của Mỹ. Chính quyền Clinton có thời điểm đe dọa đánh thuế mạnh và xe hợi nhập khẩu từ Nhật Bản…
Tuy nhiên, có lẽ chưa có tổng thổng nào chính sách bảo hộ được xướng lên mạnh mẽ như Donald Trump. Ông Trump tính đảo ngược chính sách “đồng USD mạnh” trên diện rộng hơn. Lần này, trong tâm của mũi dùi chĩa vào các đối tác thương mại lớn. Điều này khiến cho Trung Quốc, Nhật cho đến Đức cảm thất lo ngại, còn Mexico đã nhiều lần bày tỏ thất vọng.
Chưa biết thực hư và mức độ các chính sách của ông Trump sẽ được triển khai tới đâu nhưng cho tới thời điểm này, giới đầu tư đã chứng kiến một đồng USD chững lại và quay đầu giảm bất chấp Fed vẫn có kế hoạch tăng lãi suất và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đứng ở mức cao. Dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn châu Á như Sharp, Foxconn, Samsung, LG, Hyundai… đang hối hả chảy về Mỹ. TTCK Mỹ đã liên tiếp phá kỷ lục, chỉ số Dow Jones có lúc vượt ngưỡng 20 ngàn điểm.
Với vị thế là một tỷ phú có hàng chục năm kinh nghiệm thương trường, ông Trump có thể sẽ khiến nhiều nền kinh tế từ mới nổi tới phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ gặp phải khó khăn khi đưa hàng hóa vào nền kinh tế số 1 thế giới. Các hiệp định song phương với Mỹ có thể sẽ khiến nhiều nước gặp khó khăn.
V. Minh