Michelle Phan từng dùng công nghệ trang điểm để biến thành Bạch Tuyết hay công chúa Jasmine, nhưng câu chuyện của triệu phú YouTube 28 tuổi này thực sự lại giống Cô bé Lọ Lem.[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”user” userValue=”MichellePhan” resultsPerPage=”16″ orderBy=”published” videoBlacklist=”–xIqDFyuPs,f8O98Pt1P3A,8FubEYwuSuo,k_r7kLlcvHg,uFkdSZXo95g” thumbHeight=”27″ thumbWidth=”69″ ]
Khi còn là sinh viên năm nhất, Phan nộp đơn xin việc tại một cửa hàng của hãng mỹ phẩm Lancôme. Với năng khiếu nghệ thuật, Phan dễ dàng qua bài kiểm tra trang điểm. Tuy nhiên, cô cuối cùng lại bị từ chối vì thiếu kinh nghiệm.
“Tôi cho rằng bị từ chối là một điều tốt. Vì đó chính là cách thế giới này nói với bạn rằng ngoài kia còn nhiều thứ tuyệt vời hơn. Và với tôi, đó là chiếc laptop và máy quay”, Phan cho biết.
2 năm sau, Phan trở nên nổi tiếng vì các video dạy trang điểm trên YouTube. Một lãnh đạo Lancôme cảm thấy rất ấn tượng khi xem chúng. Và bà đã tìm đến Phan, đề nghị cô ký hợp đồng thành chuyên viên trang điểm chính thức đầu tiên của hãng qua các video. “Đó chính là cách thế giới nói với bạn: ‘Đấy! Tôi đã bảo mà'”, cô vui vẻ nhớ lại.
Michelle Phan nổi lên từ các video dạy trang điểm trên YouTube. Ảnh: Mochimag |
Gây dựng được một trong những kênh video thành công nhất trên YouTube đã là điều đáng nể, tận dụng được đà nổi tiếng đó để thành lập một công ty thực sự với doanh thu hàng năm 120 triệu USD còn đáng ngạc nhiên hơn. Nhưng đó chính xác là những gì Phan đã làm với Ipsy – hãng kinh doanh mỹ phẩm với 100 nhân viên.
Ipsy tính phí người dùng 10 USD mỗi tháng cho gói sản phẩm “Glam Bag” với mỹ phẩm kích cỡ dùng thử (sample-sized). Số khách hàng của họ vừa chạm mốc một triệu người, CEO Ipsy – Marcelo Camberos cho biết. Anh là người đồng sáng lập với Phan năm 2011.
Không như đối thủ – Birchbox – đầu tư vào quảng cáo TV truyền thống và cửa hàng bán lẻ, Ipsy có khách hàng hoàn toàn nhờ độ phủ sóng của Phan trên mạng xã hội. “Chúng tôi có hơn 100.000 khách hàng đăng ký Glam Bag mới mỗi tháng, hoàn toàn không cần quảng cáo hay PR”, Camberos cho biết. Năm nay, Ipsy sẽ trở thành công ty lớn nhất nước về kinh doanh sản phẩm kích cỡ dùng thử.
Ipsy cho biết độ phủ sóng trên Internet là mấu chốt trong mô hình kinh doanh của họ. Ngày nay, công ty hoạt động với hơn 500 người dùng YouTube và Instagram trong lĩnh vực làm đẹp. Trong đó có các gương mặt đình đám như Bethany Mota. Một số được trả để nêu ra các cuộc thảo luận về thương hiệu trên trang cá nhân của họ.
Mỗi tháng, Ipsy sẽ gửi một gói Glam Bag với các loại mỹ phẩm bất kỳ cho khách. Ảnh: Pop Sugar |
“Những video này được làm rất tự nhiên và không giống như đang quảng cáo. Những người này đều là tên tuổi đang nổi trên YouTube. Vì vậy, đây là cách tuyệt vời để giới thiệu thương hiệu của bạn”, Phan cho biết.
Và dĩ nhiên, các hãng mỹ phẩm không thể bỏ qua cơ hội này. Mỗi tháng, khoảng 700.000 sản phẩm làm đẹp được gửi tới Ipsy. Các hãng không thể trả tiền để được đưa vào Glam Bag, Chủ tịch Ipsy – Jennifer Goldfarb cho biết. Thay vào đó, họ cung cấp hàng hóa để được marketing, nếu các stylist (nhà thiết kế) của Ipsy lựa chọn giới thiệu những sản phẩm này.
Stylist của Ipsy cũng được lợi từ việc này, Goldfarb cho biết. Nhờ sự đầu tư của công ty, số người theo dõi kênh của các stylist này sẽ tăng vọt sau khi lên sóng.
Ví dụ, thay vì chi hàng núi tiền cho cửa hàng bán lẻ và các chiến dịch marketing đắt đỏ, Ipsy năm ngoái đã xây dựng văn phỏng 232m2 tại Los Angeles, chuyên phục vụ quay và chỉnh sửa video. Hãng cũng tổ chức buổi hội thảo thường niên có tên Generation Beauty tại đây. Người tham dự có thể được gặp các tên tuổi nổi danh trên mạng trong lĩnh vực làm đẹp.
Dù Ipsy là cỗ máy kiếm tiền lớn nhất của Michelle Phan đến nay, cô vẫn quyết định mở rộng mảng kinh doanh. Hè này, Phan sẽ ra mắt ứng dụng điện thoại cho việc chỉnh sửa ảnh và video. Một trong những tham vọng lớn của cô là giúp người trẻ trang bị các kiến thức về công nghệ và kỹ năng cần thiết khác.
“Có rất nhiều người theo dõi kênh của tôi chỉ vừa tốt nghiệp và chưa có việc làm. Họ đang mắc nợ hàng trăm nghìn USD và không biết phải làm gì. Ước mơ của tôi là nhìn thấy thế hệ doanh nhân mới tạo ra nhiều việc làm có ý nghĩa hơn”, cô cho biết.
Tháng trước, Phan đã cùng Đệ nhất Phu nhân Mỹ – Michelle Obama tới Nhật Bản để quảng bá cho cho dự án giáo dục Let Girls Learn. Các dự án thành công khác của cô là một cuốn sách dạy trang điểm (Make Up: Your Life Guide to Beauty, Style, and Success – Online and Off) và một hãng đĩa có tên Shift Music.
Phan cũng vừa ra mắt kênh video toàn cầu có tên ICON, hợp tác với đại gia Hà Lan – Endemol. Kênh này sẽ tạo ra nội dung cho nhiều tên tuổi trong lĩnh vực làm đẹp, thời trang, thể dục thẩm mỹ, thực phẩm, đồ tự chế hay du lịch. Những video này sẽ được phân phối khắp các trang như YouTube, Dailymotion, Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat, Pinterest hay Tumblr.
Khi nhiều người tỏ ý nghi ngờ về tương lai của YouTube, Phan cho rằng nội dung các sản phẩm của cô có thể sống được ở bất cứ đâu. “Các nền tảng sẽ xuất hiện và dần biến mất. Nhưng nội dung là vĩnh viễn. Khách hàng của tôi đi đâu, tôi sẽ theo đó”, cô nói.
Hà Thu (theo Entrepreneur