Mở cuộc đột kích chưa từng có tiền lệ vào nhà cựu tổng thống, FBI được cho là muốn tìm những tài liệu mật mà họ nghi ông Trump chưa trả lại.
Những thùng đồ được chuyển khỏi Nhà Trắng trước khi Trump rời nhiệm sở ngày 14/1/2021. Ảnh: Reuters
Cuộc đột kích hôm 8/8 của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, đồng thời cũng là tư dinh của cựu tổng thống Donald Trump, làm dấy lên nhiều câu hỏi, mà nổi bật nhất là FBI muốn tìm kiếm điều gì và liệu ông Trump cùng những người liên quan có thể bị điều tra hay không.
Theo Christina Bobb, một luật sư đại diện cho ông Trump, cuộc đột kích của hàng chục đặc vụ FBI liên quan đến những tài liệu mà cựu tổng thống đã đưa ra khỏi Nhà Trắng khi ông rời nhiệm sở hồi tháng 1/2021.
Bobb cho biết lệnh khám xét của FBI cho phép các đặc vụ được quyền thu giữ “tất cả hồ sơ liên quan đến tổng thống hoặc bất kỳ tài liệu mật nào”. Việc thực hiện lệnh khám xét cho thấy bước leo thang đáng kể trong cuộc điều tra mà Bộ Tư pháp đã âm thầm thực hiện suốt nhiều tháng qua.
Chưa rõ FBI đã thu hồi được những gì sau cuộc đột kích. Tuy nhiên, nỗ lực khám xét nhiều khả năng liên quan đến 15 thùng tài liệu mà ông Trump đã đưa về Mar-a-Lago sau khi rời khỏi Nhà Trắng. Sau nhiều lần trì hoãn, ông Trump nộp lại những thùng tài liệu này cho Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) hồi đầu năm nay.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland hồi tháng hai xác nhận một số văn bản trong những thùng này là “tài liệu mật”. Các tài liệu đó được cho là bao gồm thư từ giữa cựu tổng thống Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, cùng một bức thư được cựu tổng thống Barack Obama gửi ông Trump trước thời điểm chuyển giao giữa hai chính quyền.
Lúc bấy giờ, NARA cho hay họ các nhân viên của ông Trump vẫn tiếp tục “tìm kiếm thêm các tài liệu tổng thống để trao trả cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia”. Rất có thể cuộc đột kích ngày 8/8 được tiến hành để thu hồi những tài liệu mật còn sót lại đó.
Andrew McCabe, cựu phó tổng giám đốc FBI, không cho rằng FBI có hành động khám xét quyết liệt như vậy tại nhà ông Trump chỉ vì những tài liệu họ đã thu hồi. “Họ phải có nghi ngờ hoặc lo ngại, cũng như thông tin cụ thể để tin rằng có một số tài liệu mật đã không được nộp lại”, McCabe nhận định.
“Bộ Tư pháp Mỹ dường như muốn nói rằng ‘Chúng tôi đã chờ quá lâu rồi. Chúng tôi không tin cách phản hồi của ông. Ông đang chơi khăm chúng tôi và chúng tôi sẽ vào cuộc để thu hồi những gì ông chưa trao trả'”, Stephen Gillers, giáo sư luật tại Đại học New York, Mỹ, nhận xét.
Giám đốc FBI Christopher Wray, người được ông Trump bổ nhiệm vào năm 2017, có thể đã ký vào quyết định xin lệnh khám xét dinh thự của ông Trump. Các cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cũng nhận định do tính chất nhạy cảm của sự việc, nhiều khả năng Thứ trưởng Tư pháp Lisa Monaco đã “bật đèn xanh” cho cuộc khám xét, sau khi tham vấn với Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland.
Người phát ngôn của Bộ trưởng Garland và Thứ trưởng Monaco từ chối bình luận. FBI tới nay chưa đưa ra tuyên bố nào về sự việc, nhưng giới chuyên gia chỉ ra ít nhất hai vấn đề liên quan đến ông Trump có thể bị điều tra hình sự sau vụ khám xét.
Một là vấn đề liên quan đến xử lý tài liệu mật, như một số hồ sơ được xếp vào diện “tài liệu mật” mà giới chức thu hồi từ Mar-a-Lago hồi đầu năm.
“Sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng nếu những thông tin như thế bị xử lý sai”, cựu công tố viên liên bang Brandon Van Grack nhận định, thêm rằng luật liên bang cấm lưu giữ, tiêu hủy trái phép các tài liệu mật. “Nếu đó là những tài liệu tuyệt mật và chưa được giải mật, việc đưa chúng về Mar-a-Lago là hành vi hình sự”.
Hai là Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, được thông qua vào năm 1978, yêu cầu các tổng thống phải bảo quản tất cả tài liệu có liên quan trong thời gian đương chức, từ nhật ký điện thoại và báo cáo tình hình an ninh quốc gia đến email và ghi chú viết tay, sau đó bàn giao chúng cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia và Cơ quan Quản lý Hồ sơ sau khi rời nhiệm sở.
“Hầu hết các tổng thống đều hiểu giá trị của việc tạo dựng và bảo tồn di sản của mình, vì vậy họ luôn cẩn trọng khi bảo quản hồ sơ cá nhân”, Lauren Harper, giám đốc chính sách công và các vấn đề chính phủ tại tổ chức phi lợi nhuận An ninh Lưu trữ Quốc gia (NSA), nhận xét. “Chưa một tổng thống Mỹ nào không quan tâm đến việc xử lý hồ sơ của họ”.
Nhưng ông Trump có thể là một ngoại lệ. Ông từng bị nghi xé vụn các tài liệu và xả xuống toilet, khiến bồn cầu trong Nhà Trắng bị tắc.
Ông được hưởng quyền miễn trừ trong thời gian tại nhiệm, nhưng sau khi rời Nhà Trắng, Trump “giờ đây giống như một công dân bình thường và không còn được hưởng bất kỳ đặc quyền về pháp lý nào”, Kimberly Wehle, giảng viên tại Trường Luật Đại học Baltimore, nhấn mạnh.
Dù vậy, Trump không đơn giản chỉ là một cựu tổng thống. Ông đang cân nhắc tranh cử vào năm 2024, trở thành đối thủ tiềm tàng với Tổng thống Joe Biden nếu ông cũng quyết định tái tranh cử.
Các chuyên gia cho biết với cuộc đột kích chưa từng có tiền lệ của FBI vào tư dinh ông Trump, không thể bỏ qua mối nghi vấn về việc chính quyền đương nhiệm có hành động bất lợi nhắm tới một đối thủ tương lai.
Về mặt pháp lý, Hiến pháp Mỹ không ngăn cản một ứng viên đã bị truy tố hoặc bị kết án ra tranh cử.
Luật hình sự Mỹ quy định những người bị kết tội cố ý xử lý sai hồ sơ, tài liệu mật sẽ bị “tước quyền đảm nhiệm mọi chức vụ trong chính quyền”. Tuy nhiên, quy định này nhiều khả năng không áp dụng với chức vụ Tổng thống, vốn do Hiến pháp Mỹ điều chỉnh. Bởi vậy, ngay cả khi bị kết tội vi phạm quy định về bảo quản tài liệu mật, ông Trump vẫn có khả năng ra tranh cử.
Về mặt chính trị, cuộc đột kích diễn ra trong bối cảnh các phiên điều trần của Ủy ban điều tra Bạo loạn Đồi Capitol đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của cựu tổng thống Trump. Một số đảng viên Cộng hòa cũng đã thể hiện thái độ không hài lòng về khả năng ông Trump tái tranh cử vào năm 2024. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy nhiều cử tri đảng Cộng hòa đã sẵn sàng chọn một ứng viên khác thay thế ông.
Nhưng mặt khác, ông Trump vẫn là tên tuổi có sức ảnh hưởng nhất trong nền tảng ủng hộ của đảng Cộng hòa. Sự ủng hộ của ông được nhiều người coi là yếu tố mang tính quyết định trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng.
Sau cuộc đột kích hôm 8/8, nhiều đảng viên Cộng hòa đã lên tiếng bảo vệ cựu tổng thống Mỹ. Một số người đã yêu cầu Giám đốc FBI Wray và Bộ trưởng Tư pháp Garland phải điều trần trước quốc hội. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cũng cam kết sẽ điều tra các hành động của Bộ Tư pháp nếu đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.