Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã tốn 1,3 triệu USD để mở khóa chiếc điện thoại của kẻ khủng bố và họ không sẵn lòng chia sẻ thông tin cho Apple để vá lỗi.
Thông thường, khi phát hiện lỗ hổng phần mềm, các điều tra viên sẽ liên hệ với nhà sản xuất để cập nhật nhằm tránh những sự cố về sau. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, FBI không định nói cho Apple biết họ đã thâm nhập vào iPhone như thế nào, tức trên iPhone sẽ vẫn tồn tại một lỗ hổng bảo mật mà Apple chưa thể xác định.
FBI có thể sẽ giải thích rằng họ chỉ chi tiền mua công cụ bẻ khóa iPhone, chứ không biết công cụ đó được xây dựng ra sao và khai thác lỗ hổng cụ thể nào. Tuy nhiên, lý giải này sẽ khó thuyết phục, nhất là khi họ đã tốn tới hơn triệu đô để truy cập chiếc iPhone 5c của tay súng Syed Farook.
Ảnh minh họa: TheGuardian |
FBI từng nhiều lần thuyết phục Apple trao cho họ “chìa khóa” thâm nhập điện thoại của kẻ khủng bố nhằm tìm kiếm thông tin nhưng Apple từ chối. Hai bên từng định kéo nhau ra tòa phân xử. Sau đó, một bên thứ ba “bí ẩn” đã hỗ trợ FBI bẻ khóa iPhone dù họ không tìm được dữ liệu nào thực sự có ích cho cuộc điều tra liên quan đến vụ xả súng đẫm máu ở San Bernardino (Mỹ) tháng 12/2015.
Đầu tháng này, Apple chia sẻ với báo chí rằng họ tin là lỗ hổng – không cần biết đó là gì – sẽ không còn tồn tại khi họ giới thiệu thiết bị và phần mềm thế hệ mới. “Chúng tôi chắc chắn lỗ hổng mà chính phủ tuyên bố đã phát hiện ra đó sẽ có ‘số phận’ ngắn ngủi mà thôi”, một lãnh đạo của Apple nhấn mạnh.