Hetty Green đưa con tới phòng khám miễn phí cho người nghèo, và từ chối trả tiền khi bị phát hiện thân phận, khiến chân con bị hoại tử.
Hetty Green (1834 – 1916), nổi tiếng với biệt danh “The Witch of Wall Street” (phù thủy của phố Wall), bởi những thương vụ đầu tư vang dội. Bà được coi là người đàn bà kiếm tiền giỏi nhất nước Mỹ. Bên cạnh tài năng, đầu óc phán đoán thời cơ nhanh nhạy không ai có thể phủ nhận, Hetty Green còn nổi tiếng với lối sống lập dị, keo kiệt bậc nhất.
Bà sinh ra trong một gia đình vô cùng giàu có, cha là chủ của công ty săn bắt cá voi, kiếm hàng triệu đôla mỗi năm. Vì mẹ của Hetty Green ốm yếu bệnh tật nên việc chăm sóc và dạy dỗ Hetty hoàn toàn do cha và ông nội đảm nhận.
Cha càng già mắt càng kém, vì thế từ năm 6 tuổi, cô bé Hetty đã đọc hết các tài liệu tài chính cho ông nghe và nghe ông phân tích về thị trường. Những ngày tháng ấy giúp Hetty có nền tảng về tài chính vững chắc từ bé. Trong khi bạn bè cùng trang lứa còn bay bổng với các câu chuyện cổ tích, Hetty Green đã làm quen với báo cáo thị trường chứng khoán. Năm 13 tuổi, Hetty đảm nhận vị trí kế toán cho việc kinh doanh của gia đình.
Hetty Green có năng khiếu kinh doanh ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh: Headstuff. |
Hetty càng lớn càng khá hấp dẫn, vì vậy cha bà hy vọng con gái sẽ có một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Cha đã gửi Hetty tới chỗ một người anh em họ ở New York, và cho cô 1.200 đôla để mua quần áo đẹp. Nhưng Hetty đã gửi 1.000 đôla vào ngân hàng và nhờ anh em họ giúp mình mua đồ với 200 đô còn lại.
Năm 20 tuổi, ông Green tiếp tục mua tặng Hetty một cái tủ chứa đầy những bộ trang phục đẹp đẽ và thời thượng nhất, với hy vọng con gái sẽ quyến rũ được đàn ông giàu có làm chồng. Nhưng cuối cùng, Hetty đã bán sạch quần áo rồi lấy số tiền đó mua trái phiếu chính phủ.
Năm 33 tuổi, Hetty Green lên xe hoa với Edward Henry Green, người lớn hơn bà 12 tuổi, cũng là một người giàu có, nhưng ít hơn nhiều so với bà. Vốn là một người tính toán, nên trước khi kết hôn, bà đã buộc chồng ký vào bản thỏa thuận tiền hôn nhân, trong đó có điều kiện sẽ không được đụng vào tiền của bà nếu họ chia tay. Cả hai có với nhau hai đứa con là Ned và Sylvia.
Sau khi ông bố qua đời vào năm 1865, Hetty Green thừa kế số tài sản lên đến 5 triệu đôla, tương đương với 15 triệu đôla bây giờ (gần 348 tỷ đồng). Ngay khi nhận tiền thừa kế, bà đã thực hiện một thương vụ lớn. Bà đã dùng tất cả tiền mua hết trái phiếu chính phủ, dù nhiều người khi đó cho rằng việc làm đó là “điên rồ” trong thời điểm nội chiến vừa kết thúc. Bà mua được trái phiếu giá rất rẻ từ các thương nhân.
“Phù thủy phố Wall” nhạy bén trong việc nhìn ra các cơ hội kinh doanh. Ảnh: Headstuff. |
Ít năm sau, đúng như dự đoán của Hetty, nước Mỹ không chỉ tái thống nhất mà còn dần phục hồi. Trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá, giúp cho bà kiếm được 1,25 triệu đôla trong vòng chưa đầy một năm. Cũng với tiêu chí này, bà đổ tiền mua cổ phiếu đang rớt giá chóng mặt sau “Ngày thứ 5 đen tối” – 18/9/1873, chỉ ngày hôm sau, cổ phiếu phục hồi lại như cũ và bà đã có một khoản tiền khổng lồ.
“Tôi mua những thứ có giá trị thấp và chẳng ai ngó ngàng đến, tôi giữ chúng cho đến khi chúng tăng giá và mọi người đổ xô đi mua”, bà Hetty giải thích. Với phương châm “mua rẻ, bán đắt”, chọn đúng thời điểm, Hetty đã nhanh chóng thành công trên cả thị trường chứng khoán, bất động sản, kinh doanh và trái phiếu.
Dù sở hữu khối tài sản đồ sộ, Hetty sống cực kỳ tiết kiệm. thậm chí keo kiệt. Mỗi ngày đi làm bà mang theo một chiếc cặp lồng, trong đó chỉ có bánh quy và bột yến mạch. Mỗi chiếc bánh có giá 15 xu.
Quần áo chỉ có vài bộ, và chỉ mua đồ mới nếu chúng bị mốc. Bà từng chia sẻ với đồng nghiệp rằng chỉ giặt đường viền của váy khi chúng bị bẩn để tiết kiệm xà phòng. Bà cũng không bao giờ tắm bằng nước nóng hay dùng lò sưởi dù trời lạnh đến đâu. Hai đứa con của Hetty chỉ mặc quần áo cũ và sống như những đứa trẻ bình thường, thậm chí còn không bằng.
Người viết tiểu sử kể rằng, khi cậu con trai Ned bị thương ở chân trong một vụ tai nạn, Hetty đã cho con mặc đồ cũ, tới phòng khám tư nhân miễn phí dành cho người nghèo. Khi các bác sĩ nhận ra “Phù thủy phố Wall”, họ lập tức bắt bà trả viện phí. Hetty chỉ im lặng và rời khỏi đó, tìm cách chữa chân cho con bằng thảo dược ở nhà. Kết quả là không được điều trị kịp thời và đúng đắn, chân Ned bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ.
Khi chồng gặp khó trong kinh doanh, nhờ tới sự trợ giúp của vợ, Hetty một mực từ chối. Bà cho rằng dù sống với nhau, tài chính của hai người hoàn toàn tách biệt, bà không có nghĩa vụ phải giúp đỡ chồng. Khi đó tài sản ròng của Hetty ước tính khoảng 25 triệu đôla. Không có tiền, không được vợ đứng ra bảo lãnh, công ty của Edward phá sản. Edward vô cùng xấu hổ vì điều này. Cả hai chia tay không lâu sau đó.
Trong 25 năm tiếp theo, Hetty cùng hai con sống trong các căn hộ thuê ở New York và New Jersey. Bà liên tục đổi chỗ ở vì sợ bị ám sát.
Niềm yêu thích cuối đời của người phụ nữ giàu có này là con chó cảnh. Ảnh: Headstuff. |
Năm 1898, sức khỏe của ông Edward rất yếu. Cô con gái Sylvia đã thuyết phục được hai người hòa giải với nhau. Bà Hetty đã ở bên cạnh chồng trong suốt thời ông bệnh tật và qua đời vào năm 1902. Sau đó, bà mặc đồ đen của góa phụ trong suốt quãng đời còn lại. Chính những bộ quần áo này đã mang đến cho bà biệt danh “Phù thủy của phố Wall”.
Hetty vẫn giữ thói quen tiết kiệm, keo kiệt khi về già. Bà mắc chứng thoát vị đĩa đệm nhưng không tới bệnh viện khám. Bà chỉ đồng ý cho các con đưa tới gặp bác sĩ khi không thể đi lại được nữa. Khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bà đã bảo vệ phần cột sống bị nhô ra bằng cách nhét một chiếc gậy vào trong quần lót. Khi bác sĩ nói cần phẫu thuật ngay lập tức, và chi phí sẽ tốn khoảng 150 đôla, bà còn mặc cả nói vậy là quá nhiều. Tài sản của bà khi đó ước tính khoảng 100 triệu đôla.
Năm 1916, bà Hetty qua đời vì ốm yếu, để lại khối tài sản ước tính khoảng 200 triệu đôla cho hai con, sau khi đã đóng góp một khoản cho từ thiện. Cậu con trai Ned trở thành nhà sưu tập những thứ đắt đỏ, kết hôn với mối tình đầu, người bà Hetty từng nhất quyết phản đối. Còn Sylvia lập gia đình và tận hưởng cuộc sống nổi loạn, tự do, không có con cái.
Năm 1961, trước khi qua đời, Sylvia để lại di chúc quyên góp tài sản ước tính vài trăm triệu đôla cho các tổ chức từ thiện.
Mộc Miên (Theo Headstuff, Financeonline)