TTO – Hàng loạt tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton đến Barack Obama, bị đánh giá là nhìn nhận sai tham vọng của Trung Quốc. Hậu quả của “sai lầm 20 năm” đến bây giờ mới bắt đầu phơi bày, khi Trung Quốc đã trở nên quá mạnh.
Bài phân tích của giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa kinh tế Đại học LIU Post (New York, Mỹ), đăng trên tạp chí Forbes.
Từ Biển Đông, Ấn Độ Dương cho đến châu Phi, Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, thách thức vị thế thống trị của Mỹ. Đây là điều các nhà đầu tư nên trông chừng: căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu lan ra xa hơn, không chỉ riêng thương mại.
Cần phải nhấn mạnh: sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải vô tình. Nó diễn ra một cách có hệ thống, một chiến lược khổng lồ được giúp đỡ bởi “lòng tốt” của các đời tổng thống Mỹ trước.
Trong một báo cáo công bố gần đây, tổ chức học giả Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) đánh giá rằng một loạt chính quyền Mỹ, từ trào Bill Clinton đến Barack Obama, đã nhìn nhận sai ý đồ chiến lược của Trung Quốc trên nhiều mặt trận; họ đã quá lạc quan về quan hệ Mỹ – Trung.
“Trong khi các vị tổng thống này nói chuyện lạc quan trong gần 20 năm, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược quy mô dưới thời ông Tập Cận Bình; dùng công cụ địa – kinh tế để lấn ép láng giềng và nhiều quốc gia khác, gần đây nhất là thông qua Sáng kiến Vành đai, con đường (BRI);
Vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ trên quy mô lớn; mở rộng lực lượng quân sự nhằm đẩy Hoa Kỳ phân tán khỏi Nhật Bản và Philippines; xây dựng và quân sự hóa Biển Đông, vi phạm luật quốc tế… Kiên trì vun đắp sức mạnh và ảnh hưởng với mục tiêu chiến lược thách thức vị trí quyền lực số 1 của Mỹ ở châu Á“.
(Trích báo cáo của CFR)
Một trong những sai lầm của các tổng thống Mỹ trước đây là thất bại trong việc trấn an các đồng minh châu Á rằng Mỹ sẽ đứng cạnh họ nếu Trung Quốc tấn công. Đây là quan ngại được nhiều chuyên gia đối ngoại lên tiếng trong một thời gian dài.
Chẳng hạn, học giả Ely Ratner thuộc tổ chức Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhiều lần kêu gọi Washington từ bỏ chính sách trung lập ở Biển Đông, tăng cường sức mạnh ngoại giao bằng đảm bảo quân sự.
Trong bài viết “Siêu cường ẩn náu: Làm cách nào Trung Quốc che giấu tham vọng toàn cầu?” đăng trên ấn phẩm tháng 1-2 của tổ chức CFR, ông Ratner thể hiện rõ quan điểm: “Mỹ cần phải cảnh báo Trung Quốc: Nếu tình hình cứ tiếp tục ở Biển Đông, Mỹ sẽ từ bỏ chính sách trung lập và giúp các nước trong khu vực bảo vệ quyền lợi của họ. Washington cần làm rõ: Mỹ có thể chấp nhận thế giằng co không mấy dễ chịu ở châu Á, nhưng Trung Quốc xưng bá thì tuyệt đối không”.
Ở một góc nhìn khác, Ted Bauman – nhà kinh tế thuộc hãng tư vấn thị trường Banyan Hill Publishing – đồng ý rằng nước Mỹ đã đóng một vai trò trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng nó không hẳn xuất phát từ “lòng tốt”.
“Các chính quyền Mỹ liên tiếp nhau đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra nền kinh tế Trung Quốc hiện đại, trên hết là sự trợ giúp của chính quyền Clinton đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO)… Nó phản ánh một thay đổi rộng hơn trong bản chất của nền kinh tế chính trị Mỹ, mà điều này lại góp phần tạo ra thâm hụt thương mại của chúng ta với Trung Quốc” – ông Bauman phân tích.
Và nói đến thâm hụt thương mại, một “thủ phạm” không nhỏ là chính sách tín dụng dễ dãi của Mỹ vốn cho phép người dân tiêu xài (đôi khi) vượt quá khả năng kiếm tiền, theo chuyên gia Bauman.
“Một quốc gia bị thâm hụt thương mại khi tiêu dùng vượt quá giá trị hàng hóa và dịch vụ nó tạo ra. Người làm công ăn lương Mỹ chính là hạt nhân của vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc, họ vay mượn tiền để mua hàng hóa Trung Quốc trước cả khi bản thân làm ra đủ để trả cho sản phẩm đó” – vị chuyên gia này giải thích.
******
Nói tóm lại: Các chính sách của Mỹ giúp Trung Quốc “cất cánh” trong 20 năm qua là một sai lầm nếu nhìn qua lăng kính của hôm nay, nhưng hồi xưa người ta lại thấy đó là cơ hội.
Và hôm nay, chính sách đối đầu Trung Quốc trông có vẻ như một cơ hội, nhưng 20 năm nữa chúng sẽ ra sao?