Các nhà ngoại giao Mỹ và những nhân viên cơ quan viện trợ lo ngại Tổng thống Trump muốn gạt họ ra bên lề để ủng hộ quân đội nhằm thúc đẩy lợi ích Mỹ.
Theo trang Politico, tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tăng mạnh ngân sách dành cho các chương trình quốc phòng ở mức “lịch sử” khoảng 9% tương đương 54 tỷ USD.
Bù đắp lại khoản tăng vượt trội này là cắt giảm mạnh ở những cơ quan khác bao gồm Bộ Ngoại giao Mỹ và các chương trình viện trợ nước ngoài.
Một người dân Pakistan đi ngang văn phòng cơ quan viện trợ Mỹ USAID. Ảnh: Getty. |
Các nghị sĩ, đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài và những bộ phận liên quan đang cố gắng tìm kiếm bản chi tiết về kế hoạch ngân sách của Trump. Một số quan chức tại Bộ Ngoại giao từ chối nói về con số bị cắt giảm, nhưng nhiều bản tin cho biết tỷ lệ này đến 30%, một cú sốc lớn đối với các cơ quan đối ngoại.
Việc điều chỉnh ngân sách phân bổ cho các cơ quan phản ánh quan điểm của Trump về theo đuổi những quyền lực “cứng” như quân sự để thúc đẩy lợi ích Mỹ ở nước ngoài, chứ không phải những công cụ mềm như ngoại giao.
Lập trường này của Trump đặt những bộ trưởng như Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vào thế khó xử. Ông Mattis từng nói trước các nghị sĩ rằng: “Nếu Bộ Ngoại giao không được cấp ngân sách hợp lý thì tôi sẽ cần phải mua thêm đạn dược”.
Hôm 27/2, hơn 120 vị tướng và đô đốc về hưu đã cùng gửi thư lên những lãnh đạo đảng Cộng hoà và Dân chủ tại quốc hội, thúc giục họ không cắt ngân sách cho cơ quan ngoại giao và các chương trình viện trợ.
Những người chỉ trích kế hoạch ngân sách của Trump cho rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ ở nhiều quốc gia chiến lược quan trọng. Một số nước được hưởng lợi từ các viện trợ phi quân sự của Mỹ là Pakistan và Afghanistan, cũng là 2 đối tác then chốt của Mỹ trong chiến dịch chống khủng bố.