Ngay tại Hà Nội, có một làng đàn ông lấy cả chục bà vợ, điều đặc biệt là chính vợ cả là người đồng ý cho chồng lấy vợ lẽ, thậm chí đi hỏi vợ cho chồng….Làng đàn ông lấy cả chục bà vợ
Chuyện tưởng như lạ lùng ấy lại xảy ra ngay tại Vân Côn, một xã của huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ở Vân Côn có một thời lấy vợ lẽ như một cái “mốt”. Còn những người phụ nữ thì quan niệm người ta lấy vợ cho chồng được thì mình cũng làm được, mà không lấy, chồng đi với bà khác, không danh chính ngôn thuận cũng chả cấm được. Thế nên mới có chuyện lạ là đàn ông khi lấy vợ bé đều phải được sự đồng ý của vợ cả…
Thời các cụ đã đành, cứ phải đôi ba vợ, mà ai cũng là “vợ chính thức” cả. Còn như thế hệ các bác cỡ 50-60 tuổi thì sơ sơ vài làng quanh đây cũng trên dưới chục ông được vợ cả gánh lễ đi hỏi vợ hai cho, chưa kể ra ngoài làm ăn, công tác, có ông cả chục bà.
Ông Nguyễn T (thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn) năm nay xấp xỉ 70 tuổi, có 2 vợ và 7 người con. Ông phân tích: “Sai lầm của những người đàn ông là cứ bồ bịch xong về ruồng rẫy vợ con nên mới xảy ra chuyện cơm không lành, canh chẳng ngọt.
Chứ như tôi, khi phải lòng bà hai này, tôi phải về thuyết phục bà cả mãi, rồi nhờ cả mẹ tôi thuyết phục thì bà ấy cũng nghe, rồi còn sắm lễ quẩy sang hỏi bà hai về. Giờ 4 đứa con bà cả và 3 đứa con bà hai, tôi đều trách nhiệm đầy đủ, không ai phàn nàn gì cả. Các cụ chả bảo: Dù chàng năm thiếp bảy thê/ /Cũng không bỏ được nái sề này đâu… mà lại”. Chuyện của ông T nghe tưởng cá biệt nhưng ở Vân Côn, đó lại là chuyện quá đỗi bình thường.
Thậm chí nơi đây còn có chuyện hai chị em lấy chung một chồng. Ông giáo Trần L vốn là hiệu trưởng một trường trong xã đã nghỉ hưu lại nổi tiếng với nhiều thành tích. Lúc thanh niên, ông lấy vợ như bao người khác, rồi đẻ sòn sòn 8 người con đến nay đều đã thành đạt, ổn định.
Ông có hai bà vợ, nhưng sẽ chẳng có gì phải bàn tán nếu hai bà vợ của ông không phải chị em ruột. Chuyện là cô em vợ được ông L dìu dắt việc học hành, thi cử, rồi xin việc cho tại ngôi trường ông công tác, rồi nhanh chóng được ông cất nhắc lên vị trí phó hiệu trưởng.
Sau đó họ quan hệ với nhau từ bao giờ, nhưng bỗng đến một ngày, cái bụng cô hiệu phó cứ lùm lùm lên khiến dân làng được phen bàn tán, cô hiệu phó mà lại chửa hoang. Thế là cấp tốc, thiệp cưới được gửi khắp nơi, đám cưới của cô cũng rình rang, có chú rể đàng hoàng nhưng chẳng ai biết chú rể người ở đâu, gia cảnh thế nào.
Lạ hơn nữa là sau đám cưới thì chú rể cũng biến mất, cô hiệu phó vẫn một mình sinh cậu con trai, rồi nuôi con khôn lớn. Nhưng càng lớn thì đứa bé càng giống anh rể như đúc, dân làng bắt đầu lờ mờ hiểu ra câu chuyện của ông giáo L và cô em vợ.
Mọi chuyện bắt đầu được công khai khi đứa con của hai người đến tuổi học hành, cần làm giấy tờ cho đàng hoàng. Ông hiệu trưởng khi đó cũng nghỉ hưu nên công khai họp họ hàng nhận con và đổi họ cho thằng bé, cô em dâu hiệu phó thì “mất chức” và chính thức làm “vợ bé” của anh rể với sự đồng tình của chính chị gái mình.
Câu chuyện về ông hiệu trưởng bàn tán mãi cũng chán, xóm làng giờ đã quen, coi là chuyện bình thường, còn gia đình của ông bề ngoài vẫn hòa thuận như bao gia đình khác.
Làng đàn ông ế vợ
Có những làng đàn ông có thể lấy hàng chục bà vợ, thì họa hoằn lại có những nơi hầu hết thanh niên ế vợ. Miền quê Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) nổi tiếng khắp các vùng vì có nhiều đàn ông ế vợ nhất cả nước. Chưa ở đâu, việc lấy vợ lại khó khăn với đàn ông như ở đây.
Ở Lập Lễ, con gái 17 tuổi rưỡi đã được chuẩn bị trước mối lấy chồng nước ngoài. Ngay khi tròn 18 tuổi là khăn gói sang xứ người làm dâu. Cách đây chừng chục năm, con gái Lập Lễ chủ yếu qua Trung Quốc lấy chồng nhưng một vài năm gần đây thì chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Số con gái chịu lấy chồng làng chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu như có rất ít người lấy chồng ở các tỉnh lân cận. Chỉ những người đi học đại học có bằng cấp, có việc làm mới ở nhà.
Anh Vũ Hồng Hà, Bí thư đoàn thanh niên xã Lập Lễ cho biết, cả xã hiện có khoảng 2.000 thanh niên chưa lấy được vợ, trong số đó thì thanh niên độ tuổi 30 khá đông. Con gái giờ tính tuổi chưa chồng (18 tuổi trở xuống) còn mấy trăm người song những đối tượng trên 18 tuổi chưa lấy chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Riêng thôn Đường Trưỡng của xã chỉ còn 5 người trên 18 tuổi chưa lập gia đình. Bóng hồng còn ít là vậy, lẽ ra thanh niên làng phải chạy đua để mong lấy được vợ nhưng thanh niên làng lại không ai để ý. Họ biết chắc chắn những cô gái ấy đang chờ cơ hội và chờ mối lái để lấy chồng nước ngoài, chứ không hề có suy nghĩ sẽ lấy chồng làng.
“Phong trào đoàn không có con gái, những chương trình văn nghệ của thôn hay những công việc cần đôi tay mềm mại, khéo léo của phụ nữ lại chủ yếu là sự góp mặt của các đấng mày râu. Thi thoảng, có sự tham gia của học sinh các trường và các chị đã có gia đình. Trong xã, bí thư hay những người trong ban chấp hành đều là con trai”, anh Hà nói.
Lập Lễ là xã ven biển của huyện Thủy Nguyên, cả xã có khoảng 1.000 tàu đánh bắt cá, hễ đến khoảng thời gian 12 âm lịch hàng tháng thì tàu về, số thanh niên trong xã lại đông nghịt. Toàn xã có 9 xóm với hơn 11.000 dân. Thiếu vắng bàn tay phụ nữ, các công việc nhà đều do bàn tay đàn ông đảm nhận.
Chị Vũ Thị Ngọt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã cho biết, năm 2011, xã Lập Lễ có 50 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Năm 2012, con số này giảm chỉ còn 20 người vì con gái đủ tuổi đã đi lấy chồng ngoại hết. Nhiều gia đình có đến 2 – 3 cô con gái lấy chồng nước ngoài.
Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=791872#ixzz2qDPuuNiI
doc tin tuc www.xaluan.com