Đầu tiên là cô gái trẻ đẹp nổi bật đóng vai chính trong phim Indochine với sự tương trợ của nữ tài tử gạo cội Pháp Catherine Deneuve mang tên họ hoàn toàn Việt Nam : Phạm Linh Đan.
Phạm Linh Đan
Linh Đan ra đời năm 1974 tại Sài Gòn, đến Pháp sinh sống cùng gia đình sau biến cố 1975. Cô lớn lên với sự thay đổi: dọn nhà qua bốn, năm vùng ngoại ô Paris, nơi đáng kể nhất là khu vực Bagneux có một trung tâm văn hóa nho nhỏ dạy tiếng Việt cho các thiếu nhi có bố mẹ gốc gác đến từ đấy. Năm 1991, sau khi tạm trú một thời gian ngắn tại Hòa Lan, cô được chọn lựa đóng phim Indochine do đạo diễn Régis Warnier chủ động. Cuốn phim này được đưa lên màn ảnh Pháp, người Việt tại đây và các tỉnh trong nước đã xem phim. Từ đó, tên tuổi Phạm Linh Đan vang dội với lời mời tham dự giải César phim ảnh dành cho nữ tài tử trẻ có tương lai đi xa vào nghề nghiệp cực kỳ khó khăn này. “Nghệ thuật thứ bảy” không hề mỉm cười một cách dễ dãi với bất kỳ ai, cho dù đó là một người nam hay nữ tuyệt đẹp cả người lẫn nết nhưng lại chẳng có tí xíu gì khả năng đóng … kịch đời.
Tuy không đoạt giải César năm ấy, 1991, với 17 tuổi đời, dung nhan chưa tới đỉnh sắc nước hương trời, Linh Đan đã ưa thích đóng phim xi nê ma. Điều này rất quan trọng vì 10 năm sau đó, nữ tài tử tương lai này đã trở lại quê hương có thủ đô Ánh Sáng Paris tráng lệ để tiếp tục kiếp tằm nhả tơ, thứ tằm hiếm có và loại lụa thượng hạng.
Cô tâm sự về việc “mất tích” của mình trong vòng 10 năm sau cuốn phim “Bán đảo Đông Dương” (có số thu trung bình nhưng đã đưa một nữ tài tử quốc tịch Pháp gốc Việt Nam vào vòng ‘showbiz’ thuộc lãnh vực điện ảnh) như sau : “Tôi đã chăm chỉ học tập trong vòng kiểm soát che chở của gia đinh vì cha mẹ nào cũng lo ngại khi con cái bước vào nghề phim ảnh quá sớm, tương lai sẽ đi về đâu nào ai biết, bấp bênh quá trong khi học vấn sẽ chắc ăn hơn. Tôi đã vâng theo vì áp lực xã hội quá nặng nề.”
Tốt nghiệp đại học ngành thương mại, Linh Đan làm việc ở Việt Nam và lập gia đình với một vị chủ nhà băng Anh quốc gặp gỡ tại Sài Gòn năm 2000. Năm sau, họ dọn nhà đến New York, tại đây Linh Đan theo học cua về đóng phim trong vòng 4 năm và xuất hiện trong vài đoạn phim ngắn về quảng cáo thương mại hoặc đóng kịch. Năm 2005 cô trở lại Pháp và bắt đầu đi sâu vào Nghệ Thuật Thứ Bảy với những cuốn phim như “Những Kẻ Chơi Xấu (les mauvais joueurs), Tim tôi tự động ngừng vì đập (De battre mon coeur s’est arrêté)”. Cuốn phim “Tim tôi tự ngừng vì phải đập” này mang lại cho nữ tài tử giải thưởng cao quý César sau khi cô được xướng danh nhưng hụt giải 13 năm trước. Cả một khoảng thời gian dài dằng dặc khi nhiều nữ tài tử danh tiếng sắc nước hương trời như Sophie Marceau cũng đã trải qua con đường này với cùng một giải thưởng hàng năm chọn trao cho người xứng đáng. Đầu năm 2013 cô đã góp mặt thêm trong những áp phích quảng cáo cho ba cuốn phim Pháp : Đứa bé thiên thần (le divin enfant), Đôi mắt nhắm (Les yeux fermés), và Con sói lớn xấu bụng (le grand méchant loup) của những nhà đạo diễn quen thuộc Pháp, trong đó bà Jessica Palud cho ra đời cuốn phim đầu tay mới toanh của bà với sự góp mặt của Phạm Linh Đan.
Steve Trần
Steve Tran
Sau đây là chân dung của nam tài tử Steve Tran, sinh năm 1985 tại Pháp.
Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ danh tiếng (bố, em và cháu cùng nghề điện ảnh), cậu bé không làm hỗ danh gia đình khi em nhỏ Trần đã đóng phim từ năm 13 tuổi trong vai chính của bộ phim truyền hình “Bạn hãy trả lại tên tôi” của Patrice Martineau. Tuy nhiên, vai trò của những tài tử da vàng quá hiếm có bên cạnh dân da trắng bản xứ chính gốc nên Steve Tran vừa đóng hàng loạt phim bộ trên đài truyền hình Pháp và nhiều phim ngắn vừa đi làm việc tạm bợ để mưu sinh.
Cuốn phim mới nhất anh đóng là “Thành phố hồng” (La cité rose) năm 2013, kể chuyện về nhóm “dân tộc thiểu số” (da đen, da vàng, Á rập …) cùng chung sống nơi đây. Khán thính giả sẽ thấy Steve Tran trong đoạn vidéo ngắn hơn 3 phút kể lại vai trò của anh là đại diện cho những người dân Pháp thiểu số “vô hình” nhưng có tiếng nói và đời sống riêng trong lòng những thành phố mang màu sắc của Hy Vọng. Anh chẳng biết gì về võ thuật như Bruce Lee cả, và mang đôi cánh tay xâm mình chạm trổ những hình ảnh tiêu biểu cho giới trẻ “chịu chơi” thời nay với những cái tên đã vô cùng Pháp hóa như Manu, Hervé … chứ nào là Wong, Wang, Whanh … gì nữa. Họ đã thâm nhập cùng cực, đã thấm vào tận rễ của người Gô Loa rồi, đâu cần gì đến gốc gác nguyên thủy. Điều này chỉ gây nên kỳ thị bất lợi cho tất cả mọi người mà thôi.
Chúng ta không khỏi nhớ đến Dustin Nguyễn – con trai của nghệ sĩ gạo cội Xuân Phát, cũng thành danh trong ngành điện ảnh Hoa Kỳ với gương mặt trẻ đặc sắc đầy nam tính và gợi nên sự thâm trầm nghĩ ngợi – đã góp công sức đưa danh nhân Việt Nam vào lòng người thế giới.