Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều cho rằng cuộc đàm phán trên bàn ăn giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc đã diễn ra thành công, nhưng giới truyền thông đại lục đã phớt lờ một số điều kiện quan trọng cho cuộc ngừng chiến thương mại này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau trong một bữa ăn tối bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina, sau nhiều tháng gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nước. Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế nhập khẩu đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh trả đũa bằng cách tăng thuế đối với 110 tỷ đô la hàng hóa Mỹ.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, nhưng Tổng thống Trump đã tạm hoãn thực thi chính sách này sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc tại Argentina.
Điều kiện cho lệnh “ngừng chiến” này là trong vòng 90 ngày Trung Quốc phải tìm ra giải pháp cho những vấn đề gây nhức nhối trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, gồm “việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, các rào cản phi thuế quan, tình trạng xâm nhập không gian mạng và trộm cắp qua mạng, ngành dịch vụ và nông nghiệp”.
Tuy nhiên, tuyên bố trực tuyến chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về cuộc họp đã không đề cập đến chi tiết chuyển giao công nghệ cũng như điều kiện 90 ngày, theo trang tin CNBC của Mỹ.
Khung thời gian và chi tiết về các lĩnh vực bất đồng cũng không xuất hiện trong các bài báo trực tuyến của Tân Hoa Xã, tờ People’s Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc và trang tin CGTN của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Theo CNBC, các bài báo này đưa tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý làm việc theo hướng hai bên cùng có lợi, và Bắc Kinh sẽ tăng cường mua hàng hóa của Mỹ. Giới báo chí Trung Quốc cũng viết rằng Tổng thống Trump ủng hộ “Chính sách một Trung Quốc” về Đài Loan – một điều không được đề cập trong tuyên bố của Nhà Trắng.
Tuyên bố của ông Vương Nghị và một số bài báo Trung Quốc cũng đề cập đến vấn đề Trung Quốc phải kiểm soát buôn bán chất fentanyl, một loại chất có liên quan đến cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid ở Mỹ. Tuy nhiên, phát ngôn từ Trung Quốc mang một màu sắc khác, không xuất hiện trên tuyên bố của Nhà Trắng: “Chủ tịch Tập, trong một cử chỉ nhân đạo tuyệt vời, đã đồng ý chỉ định Fentanyl là một chất phải được kiểm soát, có nghĩa là người bán Fentanyl cho Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức phạt tối đa theo luật Trung Quốc”.
Ngoài ra, giới truyền thông Trung Quốc đã không đề cập đến tuyên bố của Nhà Trắng rằng ông Tập mở cửa khả năng phê duyệt thỏa thuận cho phép nhà sản xuất Mỹ Qualcomm mua lại đối thủ NXP.
Mạng xã hội WeChat của Trung Quốc cũng ngăn cản người dùng chia sẻ bản tuyên bố bằng tiếng Hoa và tiếng Anh của Thư ký Báo chí Nhà Trắng, được đăng trên tài khoản của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Bài đăng này thu hút hơn 100.000 lượt xem và 5.423 lượt thích tính đến sáng nay (3/12).
“Đại sứ quán Hoa Kỳ thường xuyên bị chặn các bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc”, CNBC cho biết tuyên bố của phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ. “Hoa Kỳ tin rằng luồng thông tin miễn phí, bao gồm cả quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông của công dân, đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Thu Hà