Ở tuổi 93, nhạc sĩ Phạm Duy ra đi để lại niềm thương tiếc lớn đối với rất nhiều người yêu thương ông.
>>>Click Xem Videos nhạc sĩ Phạm Duy
“Bố tôi là Tốn, anh là Khiêm là Nhường, tôi là Cẩn..”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời có cha là nhà văn, nhà chính trị Phạm Duy Tốn, người tiên phong của nền văn học mới Việt Nam đầu thế kỷ 20. Truyện ngắn Sống chết mặc bay của ông được coi là truyện ngắn đầu tiên theo lối tây phương và đượ̣c đưa vào chương trình giảng dạ̣y bộ môn văn học ở cấp giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Phạm Duy Tốn mất ngày 25 tháng 2 năm 1924 vì bệnh lao
Kí ức về người cha đối với Phạm Duy rất là mơ hồ, ông mồ côi cha từ khi mới lên hai. Phạm Duy Tốn qua đời bởi căn bệnh lao, ông mất năm 43 tuổi. Phạm Duy chỉ hình dung về ông qua lời kể của mẹ. Trong bài báo viết về cha của Phạm Duy , ông chia sẻ “Tôi mồ côi cha từ khi mới lên hai. Tôi không có một chút kỷ niệm nào sống với bố cả, ngoại trừ vài tấm bưu ảnh mà bố tôi gửi về cho anh em tôi khi cụ đi dự Ðấu Sảo Marseille… Ðối với tôi, người cha đã thật là xa lạ; khi còn bé, vì phép tắc gia đình, không bao giờ tôi được nhắc tới tổ tiên, dòng họ và những người quá cố; lớn lên, đi giang hồ rồi đi kháng chiến, mẹ chết đi là thôi, không bao giờ tôi được biết tường tận về bố tôi cả.”
Người mà Phạm Duy chịu ảnh hưởng cũng như nể phục nhất đó là anh cả Phạm Duy Khiêm. Ích kỷ, khó tính, vụng về trong cách đối xử với mọi người, đó là những từ mà Phạm Duy miêu tả về người anh. Một người tự cao tự đại, rất ít bạn, cô đơn là cuộc sống của Duy Khiêm.
Bức hình chụp chung độc nhất của hai anh em khi Phạm Duy tới thăm Khiêm tại Évaillé, vùng Sarthe, năm1955 Ðứng giữa là người cháu gái
“Chỉ tới khi anh Khiêm tự tử chết tại Pháp vào đầu năm 1975 thì tôi mới ngộ ra anh tôi là một người cô đơn tới cùng cực. Suốt đời, đem tính tình vô cùng nghiêm khắc ra để đối xử với tất cả mọi người, không trừ một ai, kể cả với mẹ. Khó khăn ngay với chính mình nữa. Cuối cùng thất vọng, tự sát…”-Phạm Duy chia sẻ
Gia đình Phạm Duy có nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật, ngoài người cha và anh trai là Phạm Duy Khiêm là những nhà văn có tiếng, anh thứ Phạm Duy Nhượng cũng là một nhạc sĩ, tác giả ca khúc Tà áo Văn Quân.Vợ ông là ca sĩ Thái Hằng, em vợ là danh ca Thái Thanh, các con ông được ông hướng dẫn theo nghiệp ca hát, đều có thành công trong lĩnh vực của mình: con trai cả là ca sĩ Duy Quang, rồi đến nhạc sĩ hòa âm Duy Cường, con gái là các ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo. Ngoài ra có thể kể đến các ca sĩ Tuấn Ngọc chồng của Thái Thảo, con rể Phạm Duy, cô cháu gái Ý Lan.
Gia đình Phạm Duy là một gia đình tài năng, cống hiến hết mình vì sự nghiệp nghệ thuật
Sự ra đi đột ngột của Duy Quang, giọng ca vàng của dòng nhạc trữ tình đầm ấm và sang trọng khiến nhiều người bất ngờ và thương tiếc nhưng có lẽ người chịu tổn thương nhiều nhất là nhạc sĩ Phạm Duy. Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống từ những khó khăn trong những năm kháng chiến gian khổ hay sự hạnh phúc từ niềm đam mê sáng tác, nỗi lòng của người xa xứ hơn 30 năm trên đất Mỹ. Hơn ai hết Phạm Duy hiểu rất rõ quy luật của cuộc sống này.
Duy Quang qua đời tại Mỹ bởi căn bệnh ung thư gan
Duy Quang qua đời tại Mỹ trong khi nhạc sĩ Phạm Duy đang nằm trên giường bệnh. Cái chết của Duy Quang khiến tình hình sức khỏe của nhạc sĩ Phạm Duy ngày càng suy sụp và trong vòng hơn một tháng, ông đã ra đi trong sự tiếc nuối và thương nhớ của hàng ngàn con tim yêu nhạc.
“Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”.
Phạm Duy những điều thương và ghét…
Trở về Việt Nam sau một thời gian dài sống tại Mỹ. Năm 2005, ông về Việt Nam định cư và một số ca khúc của ông mới bắt đầu được cho phép phổ biến. Sự kiện trở lại Việt Nam này được truyền thông trong nước lẫn hải ngoại quan tâm đặc biệt. Nói về âm nhạc của Phạm Duy, mỗi người đều có những cảm nhận riêng về các sáng tác của ông. Một Phạm Duy của những năm tháng tuổi trẻ với nhiều biến động với các ca khúc nhạc kháng chiến như Bà mẹ Gio Linh, Mười hai lời ru, Chiến sĩ vô danh, những bài hùng ca như Xuất quân, Gươm tráng sĩ hay đầy say đắm trong tình yêu quê hương, đôi lứa tâm tư như Hẹn hò, Kiếp nào có yêu nhau, Trả lại em yêu, Giết người trong mộng… Tất cả tạo nên một nhạc sĩ đa tài Phạm Duy với nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Thành công nhất với nhạc Phạm Duy cho đến nay là ca sĩ Thái Thanh. Bà hát nhạc Phạm Duy từ những ngày đầu ông sáng tác. Sự kết hợp hoàn hảo nhạc Phạm Duy và giọng ca Thái Thanh góp phần đưa nhạc của ông đến gần công chúng hơn, bà đã biểu diễn và ghi âm hàng trăm bài như “Tình ca, Người về, Về miền Trung, Quê nghèo, Tình hoài hương..”.
Ca sĩ Thái Thanh lúc còn trẻ
Sau thế hệ vàng Thái Thanh, nhiều ca sĩ trẻ như Mỹ Linh, Quang Linh, Đức Tuấn thể hiện các ca khúc của Phạm Duy nhưng có thể thấy Đức Tuấn là ca sĩ trẻ được Phạm Duy đánh giá là “hát tới” nhạc của ông. Không có kỹ thuật điêu luyện nhưng Đức Tuấn hát “có hồn”.
Năm lên cấp 2, anh đã nghêu ngao Nghìn trùng xa cách, Nha Trang ngày về, Tuổi này tuổi nọ của ông.
Âm nhạc Phạm Duy làm rung động biết bao con tim yêu nhạc. Lòng đam mê, nhiệt huyết nghề hay tình yêu cuộc sống là điều ta dễ cảm trong các sáng tác của ông. Cả cuộc đời Phạm Duy luôn tôn thờ và say mê cái đẹp của người phụ nữ nên phần lớn các ca khúc của ông luôn song hành với chữ “tình”của tình yêu lứa đôi. Phạm Duy là một người đa tình, yêu nhiều và khao khát được yêu nên ông luôn say mê tìm kiếm “người tình” trong các tác phẩm của mình. Sự kết hợp giữa tình yêu và nỗi cô đơn trong tình yêu đã giúp ông cho ra đời nhiều tác phẩm làm say đắm lòng người: Cỏ hồng, Trả lại em yêu, Đưa em tìm động hoa vàng…
Phạm Duy từng khiến những người nghe nhạc của ông cảm thấy “shock” khi “Tục ca” của ông được lan truyền ra ngoài. Các ca khúc trong tuyển tập này không phổ biến và phát hành ra bên ngoài, những bài ca lời dung tục, chỉ có tác giả hát, không ca sĩ nào hát.
“Khi nghe những bài này, có người từng yêu thích những bài tình ca đôi lứa nhẹ nhàng .. sẽ không thích tôi. Vì thấy tôi… “quá lời” khi làm lời ca kiểu xác thịt như vậy. Nói chung, ai yêu hay ghét tôi nữa cũng không có gì là quan trọng. Một ông già gần 90 tuổi rồi, đâu còn cần ai yêu ai ghét nữa? Tôi đã làm ra quá đầy đủ những khía cạnh của cuộc đời này. Tôi đã bỏ ra khá nhiều thời gian để sáng tác những trường ca như Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam… Còn những bài như Tục ca hay Nhục tình ca tôi chỉ làm chơi chơi (không có ý định phát hành), có những bài chỉ làm trong 5 phút.“- Nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ.
Không thể phủ nhận Phạm Duy là nghệ sĩ để lại nhiều dấu ấn trong các tác phẩm của ông. Những sáng tác sâu sắc về tình yêu dành cho phụ nữ, đặc biệt là những người tình. Câu chuyện về người tình của Phạm Duy luôn được ông phác họa qua nhiều tác phẩm của mình như Đưa em tìm động hoa vàng, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà…
Quan niệm về tình yêu của Phạm Duy rất đẹp. Người phụ nữ luôn có sức hút đặc biệt đối với ông nhưng nếu có bao nhiêu “người tình” thì người phụ nữ gắn bó dài lâu với Phạm Duy có lẽ chỉ mình vợ ông. Lúc bà mất đi, ông viết vào hồi ký: “Không có em, không bao giờ có Phạm Duy”.
Phạm Duy đã ra đi trong tình yêu và sự ngưỡng mộ kính trọng của biết bao thế hệ người yêu nhạc Việt… Ông đã từng viết:
“Rồi mai đây tôi sẽ chết, tôi sẽ mang theo
Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại
Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời…
Trên đường về nơi cõi Niết
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng mừng không hối tiếc…“.