Hơn một tháng nay, từ sau cái chết thương tâm của ông Võ Văn Châu (60 tuổi, ấp Thới Xương 1, xã Thới Long, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ), dư luận lại xôn xao về câu chuyện mà trong đó nạn nhân chính là cha ruột của Hoa hậu Mêkông 2009 Võ Thị Mỹ Xuân – người vừa bị Viện KSND TPHCM hoàn tất bản cáo trạng với tội danh môi giới hoa hậu, người mẫu bán dâm cùng đồng bọn.
Đó có phải là người cha mà hoa hậu này đã tìm đủ mọi cách chối bỏ ngay khi được vinh danh? Sự thật về thân thế của Hoa hậu Mỹ Xuân suốt bao năm qua đã được che đậy như thế nào?
Từ cái chết thương tâm của người cha
Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi tìm đến ấp Thới Xương 1, xã Thới Long, quận Ô Môn. Tại đây, hỏi thăm nhà của Mỹ Xuân không ai biết, nhưng khi hỏi nhà chị Khuyên có người cha vừa mất thì ai cũng chỉ đường vanh vách. Điều đó cho thấy, thông tin về Hoa hậu Mỹ Xuân từng sống ở vùng quê nghèo khó này chỉ là con số không. Người ta chỉ biết có một người con gái tên Khuyên, đã bỏ nhà đi cách đây 10 năm. Hôm chúng tôi đến cũng đúng ngày cúng tuần thứ 5 của ông Châu.
Trong lúc hàng xóm đang cắm hoa ngoài vườn, chuẩn bị cho buổi cúng tuần, thì anh Võ Tấn Trung (SN 1987, con trai ông Châu) đang hoàn thiện bài thực tập của mình. Anh Trung cho biết: “Thời gian này tôi chỉ ở nhà làm bài thực tập nên ít tới trường, với lại ba vừa mới mất nên tôi muốn ở nhà lo nhang khói cho ba. Hôm ba mất, tôi đang học ở Cần Thơ thì có cuộc gọi của bà thím.
Cứ tưởng bà điện lên dặn cuối tuần về mua giùm món gì đó, ai ngờ đó lại là hung tin. Bà thím nói ba con chết dưới ao bông súng sau nhà, người ở trần, tôi như chết đứng. Cách đó 2 ngày tôi còn gặp ba khỏe mạnh, ông còn dặn tôi hôm nào được nghỉ vài ngày, về trông nhà ba ra Bình Dương thăm người chú. Tôi biết ba dự định ra thăm chị Mỹ Xuân. Tôi chưa giúp ba hoàn thành tâm nguyện thì ba đã ra đi”.
Anh Trung chỉ về ao bông súng – nơi ông Châu tử vong. |
Theo suy đoán của anh Trung, ông Châu mất trong thời gian từ 14-17h chiều ngày 8/4, chứ không phải buổi tối như báo chí đã đưa tin. Bởi ngày chủ nhật (tức 7/4) anh còn ở nhà, chiều cùng ngày anh lên Cần Thơ. Sáng hôm sau, người ta còn thấy ông Châu uống càphê, buổi trưa vẫn còn thấy đi trả bình xịt.
Anh Trung giải thích: Ba anh thường ra ao hái bông súng vào buổi chiều và mở đầu chiếu đĩa để xem ca nhạc cùng một số chương trình khác. Hôm thứ 4, khi hay tin ba mất, anh liền chạy về nhà. Khi đó, đầu chiếu đĩa vẫn còn sáng đèn chứng tỏ ba anh đang mở đĩa. Khoảng 17h chiều, ba anh thường xem phim “Đời sống chợ đêm”. Nếu ba anh mất ban đêm chắc chắn tivi sẽ còn mở, đằng này đèn nhà và tivi đều tắt hết.
Rồi đến phút cuối đời, người ta phát hiện ông hái nhiều bông súng và ốc trên bờ ao. Có lẽ cơn lên máu đột ngột đã quật ngã ông xuống nước và chết ngạt. Anh Trung cho biết, ông Châu có tiền sử bệnh sỏi thận, gai cột sống và hay lên máu. Hiện trong nhà ông còn 2 lần thuốc uống cho bệnh lên máu. Có lẽ do đang hái bông súng dưới ao, ông Châu bị lên máu lên đột ngột và dẫn đến cái chết thương tâm…
…đến những hé lộ bất ngờ về thân thế hoa hậu
Anh Trung kể, ngày xưa ông Châu là thợ bạc, nức tiếng khắp vùng, mẹ là giáo viên Trường Tiểu học Thới Long. Lúc đó nhà anh được xem một trong những gia đình khá giả nhất xóm này. Nhà chỉ có 2 chị em là Mỹ Xuân (thường gọi là Khuyên) và Trung. Ba mẹ anh chính thức ly dị vào năm 1994, nhưng từ năm 1989 họ đã “cơm không lành, canh không ngọt”. Lúc mẹ ra tòa ly dị, trong giấy ly hôn để 2 đứa con lại cho ba, không nhận cấp dưỡng.
Sau khi chia tay, mẹ tái hôn với người khác và chuyển lên TPHCM dạy học, hiện có cô con gái 17 tuổi. Còn ba thì đau buồn, bỏ nghề thợ bạc chuyển sang làm đủ mọi nghề, từ nấu ăn cho nhà hàng, làm vườn, nuôi gà vịt… nuôi các con ăn học. Lúc mới ly dị, thỉnh thoảng mẹ anh có về thăm, nhưng từ năm 1999, một lần gặp mẹ trong đám cưới cho đến khi ba mất thì không có liên lạc.
Từ khi hạnh phúc tan vỡ, ông Châu đau buồn nên thường xuyên uống rượu và hút thuốc, gia cảnh trở nên nghèo túng. Nhờ anh em khuyên bảo, ông Châu bắt đầu lao vào công việc, vừa trồng vườn, nuôi gà, vịt cho đến bắt ốc, hái rau. Theo lời anh Trung, dù làm lụng cực khổ ông Châu vẫn mong cho 2 đứa con học đến nơi đến chốn và không để 2 chị em đi làm kiếm tiền phụ gia đình.
“Những lời chị nói với báo chí là vừa đi học vừa bán vé số là nói láo. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng chị có hái sa bô, cắt đọt khoai lang ra chợ bán để kiếm tiền đi học mà thôi. Lúc đó chị hiền lắm, cả xóm ai cũng mến. Khi chị lên cấp 3 mới sanh nhiều tật, hay tụ tập bạn bè đi chơi, bỏ bê việc nhà. Chị bỏ nhà đi sau khi tốt nghiệp lớp 12 (lúc 20 tuổi). Chị từ bỏ cha thì thôi sao lại đặt điều để phỉ nhổ công lao và tình thường ba dành cho chị” – anh Trung nói.
Hàng xóm gần nhà anh Trung cũng khẳng định, khi Mỹ Xuân mới đăng quang, cả xóm ai cũng ngạc nhiên khi biết cô kể với báo chí rằng hồi nhỏ đi bán vé số. Dì Năm (chị em bạn dì ông Châu) nói: “Ba nó nghèo nhưng rất thương con, làm đầu tắt mặt tối chứ không để các con đi làm thêm. Con Khuyên nói vậy là bất hiếu với ba nó”.
Anh Trung cho hay, sau khi hay tin Mỹ Xuân bị bắt, ông Châu giả bộ nói không quan tâm nhưng âm thầm ra tiệm Net nhờ người truy cập địa chỉ chính xác trại giam của Mỹ Xuân để kiếm tiền lên thăm. Từ ngày đó đến nay, ngày nào ông cũng lụi cụi ngoài vườn, bỏ rượu và thuốc lá, dành dụm tiền để thăm con gái khi có dịp. Đến nay ông đã để dành được 6 triệu đồng, khi ông mất, anh Trung mới phát hiện nó nằm trong cái áo gối của ba.
Căn nhà ông Châu sinh sống. |
Theo lời khai của Hoa hậu Mỹ Xuân lúc bị giam trong trại, thì quê cô là một huyện của Cần Thơ, bây giờ đã tách ra thuộc tỉnh Hậu Giang. Nhưng không nói rõ cụ thể huyện, xã nào. Anh Trung giải thích, đúng là quê ngoại ở huyện Châu Thành, Hậu Giang, từ khi ba mẹ tan vỡ anh cũng không biết thông tin gì về quê ngoại, kể cả bà Châu Ngọc Mỹ (vợ ông Châu) cũng không liên lạc với ba con anh. “Từ khi cha mẹ ly dị, tình thường ba đã dồn hết cho 2 chị em. Lúc đó, gia đình cực kỳ khó khăn. Nhà cũ còn tệ hơn nhà bây giờ nữa, nhà này là đã sửa lại rồi. Vậy mà ba vẫn lo cho 2 chị em đầy đủ” – anh Trung nghẹn ngào.
Năm 2009, sau khi đoạt giải “Hoa hậu Mêkông”, rất nhiều người muốn tìm hiểu về nguyên quán thật của Mỹ Xuân nhưng cô luôn mập mờ về gốc gác của mình. Cô nói rằng, ba cô là người rượu chè, không thương con cái nên cô không nhìn nhận họ hàng bên nội. Ngược lại, bà con trong xóm lại nói ông Châu bỏ rượu lâu rồi, thỉnh thoảng có hút vài điếu thuốc. Đặc biệt ông rất thương con Khuyên (Mỹ Xuân). Anh Trung kể, tuy ông Châu không nói ra nhưng anh biết ba thương chị Khuyên hơn, vì lúc chị nói với báo chí là từ bỏ bên nội, ba nói “đúng là đứa nào mình ít quan tâm thì được nhờ”.
Năm Mỹ Xuân học lớp 11, ông Châu phát hiện con gái thường viện cớ đi học nhóm để hẹn hò với một thanh niên trong xóm nên có la rầy. Nhưng Mỹ Xuân vẫn không bỏ tật hay tụ tập với bạn đi chơi. “Con Khuyên toàn là chơi với con đại gia không hà, có lẽ vì thế nó chán ghét nghèo khổ. Ở nhà nó chỉ nghe lời mẹ, nên lời nói của ba nó, nó xem không ra gì” – bà Võ Thị Tư (em ruột ông Châu) nói.
Theo lời bà Tư, Mỹ Xuân không những học dở mà còn ở lại lớp 2 lần (lớp 4, 7). Học kém nhưng Mỹ Xuân rất đua đòi, trưng diện như con nhà giàu, suốt ngày tụ tập bạn bè đi chơi. Năm lớp 12, thấy Mỹ Xuân không lo học còn rủ rê bạn bè đi chơi, giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần gửi thư mời phụ huynh đến trường. Sợ ba la, Mỹ Xuân nhờ chồng bà Tư đóng vai phụ huynh đến trường nghe giáo viên mắng vốn.
Có lẽ, sau chuyến lên TPHCM cắt amêđan, Mỹ Xuân say mê với cảnh tráng lệ của đất Sài thành nên vừa tốt nghiệp 12 xong, Mỹ Xuân xin cha ra Cần Thơ luyện thi, rồi bỏ đi luôn không cho ai biết. Anh Trung tiếp lời: “Mùa hè năm đó ba có lên TPHCM tìm, nhưng mẹ sợ ba bắt về nên mẹ giấu. Về nhà ba suy sụp hoàn toàn, ông bắt đầu lập quỹ riêng, khi nào đủ tiền lại tiếp tục đi tìm con gái.
Đến năm 2009, 2 ba con mới biết thông tin về chị qua báo chí. Cha mừng rỡ vì con đoạt danh hiệu Hoa hậu Mêkông, niềm vui bị đứt nghẹn khi chị Xuân đánh tiếng trên báo chí không nhìn nhận dòng họ bên nội, tức không nhìn ba và tôi. Không nói ra nhưng tôi biết lòng ba đau như cắt, từ đó ông chỉ lủi thủi sống ở nhà, không đi tìm con gái nữa”.
Bỗng nhiên tháng 6 năm rồi, mọi người hỏi ông Châu có hay chị Khuyên bị bắt không, ông mới hết hồn. Dù họ hàng hết lời khuyên can nhưng ông vẫn mặc kệ. Ông nói: “Khi tỏa sáng nó không cần mình, bây giờ nó hoạn nạn, mình nên có mặt để an ủi nó”. Không ai biết được những ngày tháng Mỹ Xuân bị tạm giam, có một người đàn ông có vẻ mặt cam chịu, đứng hàng giờ ngoài cổng trại để nghe ngóng tin tức về con.
Anh Trung nhấn mạnh: “Bây giờ chị Xuân có nhận ba hay không cũng không còn quan trọng, vì ba cũng đã ra đi rồi. Còn với tôi, chị bị xử phạt ra sao là hậu quả chị phải nhận lấy. Người ta thường nói: Con bất hiếu với ba mẹ thì làm ăn không khá, có lẽ câu nói ấy rất đúng với chị Xuân”.